“Bài học dạy con”: Có gì mà khóc!

Tôi hỏi con vì sao thích chọc bạn bè như vậy. Thằng bé không những không biết lỗi mà còn vênh mặt lên cãi mẹ: “Có gì đâu mà khóc. Chọc có chút xíu, tại bạn hay khóc quá nên con chọc vậy đó”.

Tôi bực con đến nỗi đánh đòn, bắt quỳ úp mặt vào tường hàng giờ, nhưng bé vẫn chứng nào tật nấy. Với bé gái thì thằng bé giật tóc, giấu dép. Với bé trai thì con tôi xô ngã, lấy đồ chơi. Đó là đi học, còn ở nhà thì hầu như ngày nào cũng có vài bé hàng xóm chạy qua méc tôi: “Bin lấy đồ chơi của con” rồi “Bin quẳng dép con mất rồi”, “Bin chê con xấu, chọc con khóc”…

 

Để bạn chọc con

Tôi nói với các bạn của con trai, là lúc nào Bin chọc các bé, thì các bé cứ việc chọc lại. Bin làm gì bé, thì bé làm lại y như vậy với Bin. Lần đầu, Bin chạy về méc mẹ: “Mẹ ơi, bạn chọc con, nói con xấu, còn lấy dép con quăng ra xa, không cho con chơi chung nữa”. “Con bực lắm hả, con ghét lắm không?”. “Có, ghét ơi là ghét luôn đó mẹ”. “Vậy thì những lần trước, con chọc các bạn, các bạn cũng ghét con như vậy đó”. “Vậy giờ sao mẹ?”. “Mẹ chưa nghĩ ra. Con thử suy nghĩ xem nên làm sao để các bạn không còn ghét con nhé!”.

Hãy làm nữa đi con!

Biết là vậy nhưng Bin vẫn chưa bở hẳn tật chọc ghẹo bạn bè. Có lần, tôi bực quá nói với con: “Con đánh bạn nữa đi, chọc ghẹo bạn nữa đi, giật tóc bạn nữa đi!”. Lạ chưa kìa, thằng bé dấm dẳng: “Không”. “Sao không?”. “Mẹ muốn con làm vậy hả, sao lúc trước mẹ nói ai làm vậy là bé hư. Mẹ muốn con là bé hư phải không?”. “Không”. “Vậy tại sao mẹ nói con chọc bạn, giật tóc bạn?”. “Là vì con thích như vậy. Và mẹ nghĩ, nếu con thích làm như vậy, thì mẹ để con làm thôi, con cứ làm như vậy nữa đi. Mẹ không nói gì đâu”. “Vậy thôi, từ nay con không thèm chọc mấy bạn đó nữa. Tại vì con không thích như vậy nữa”.

 

Và tôi để ý thấy con mình ít chọc bạn hẳn. Những lần tôi bị nghe mắng vốn cũng ít đi. Con tôi bây giờ thỉnh thoảng vẫn về nhà kể cho mẹ nghe những câu chuyện ở lớp. Tôi nhận ra bé không những đã hết chọc ghẹo mà còn rất biết quan tâm đến bạn bè. Thỉnh thoảng tôi mua cho bé thứ gì đó, bé cũng dặn mẹ mua thêm vài phần như vậy để bé cho một số bạn ở lớp.

Đừng trêu bạn nữa!

– Khi con bạn hay trêu chọc bạn bè, hãy nói các bạn làm như vậy với bé. Có vậy, bé mới hiểu người bị trêu chọc sẽ bực tức và giận dữ thế nào. Bé cũng sẽ biết những ai thích trêu chọc sẽ bị ghét, và vì sợ bị ghét mà bé sẽ thay đổi.

– Thỉnh thoảng hãy để bé làm những điều bé muốn với suy nghĩ dù gì bé cũng là trẻ con, để bạn không bị căng thẳng quá vì con.

– Nếu như sau khi đã thử mọi cách đều không được, hãy bảo bé tiếp tục chọc ghẹo bạn bè. Bé sẽ phản ứng lại với mẹ bằng cách không làm.

Theo Mẹ yêu bé


From the same category