Giữa hàng loạt bộ phim đang lên sóng, “Bắc Thượng” như một làn gió vừa lạ vừa quen dành cho khán giả. Bộ phim với những lát cắt chân thực về cuộc sống của những con người Phố Hoa, không chỉ chạm đến trái tim người xem mà còn khiến họ cùng khóc, cùng cười, rồi lặng người suy ngẫm về những thăng trầm của cuộc đời.

Có những câu nói tưởng chừng chỉ đúng trong một hoàn cảnh nhất định, nhưng ở phố Hoa, mọi thứ lại mang một ý nghĩa đặc biệt. Sáu gia đình sống chung một con phố nhỏ, chẳng còn xem nhau là những người hàng xóm bình thường, mà đã gắn hai chữ “gia đình” lên từng người trong con ngõ ấy.

Người ta thường nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Ở Bắc Thượng, tình làng nghĩa xóm không chỉ là những lời nói suông, mà đã trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Chỉ cần một người gặp vấn đề, những nhà khác chẳng hề đắn đo, dù có khó khăn cũng sẵn lòng san sẻ. Khi bà Mã (Tát Nhật Na) bị chẩn đoán có nguy cơ đột quỵ, mẹ của Tinh Trì, Hoa Tử (Bạch Lộc) và Vọng Hòa (Âu Hào) đã cùng nhau chuẩn bị mọi thứ, diễn tập từng bước để có thể đưa bà đến bệnh viện nhanh nhất. Hay Hoa Tử chẳng ngại ngần, sẵn sàng dùng một nửa số tiền làm người mẫu của mình để giúp Tư Nghệ (Lý Uyển Đát) trả nợ cho mẹ. Thậm chí, vì muốn đòi lại công bằng cho Hoa Tử khi cô bị phát tán ảnh cắt ghép, Vọng Hòa bị tạm giam dù kỳ thi đại học đã cận kề.

Sáu gia đình bên bờ kênh đào, ngày ngày quây quần bên nhau, họ không chỉ là láng giềng, mà còn là một phần trong cuộc sống của nhau, cùng nhau sẻ chia từng niềm vui, san bớt những nỗi buồn, chẳng một ai bị bỏ lại phía sau. Giữa dòng đời hối hả, phố Hoa vẫn giữ được một góc nhỏ ấm áp – nơi mà tình người luôn đong đầy, nhẹ nhàng mà bền chặt như chính nhịp sống bình yên nơi đây.
Ở phố Hoa, kênh đào từ lâu đã là mái nhà, là nguồn sống nuôi dưỡng biết bao con người nơi đây. Dòng nước hiền hòa ấy chưa bao giờ phụ lòng ai, chỉ cần dựa vào nó, người ta đã có thể sống những tháng ngày yên bình, bớt đi nỗi lo cơm chưa no, áo chưa đủ ấm. Sáu gia đình nhỏ cũng vậy, họ cùng chung một con tàu, chỉ một chuyến đi đã mang về những khoản lời tương xứng, đủ để vun đắp cuộc sống. Đến một ngày, vì mong muốn vươn xa hơn, họ quyết định đổi sang một con tàu lớn hơn, vững chãi hơn. Những người phụ nữ trong gia đình cũng góp sức, mở sạp hàng ven kênh, mang lại nguồn thu ổn định, lo toan cho bữa cơm hằng ngày.

Nhưng rồi, thời thế đổi thay, bởi vì nhịp sống trẻ trỗi dậy mạnh mẽ, con kênh đào ngày nào dần đứng lại phía sau, không còn theo kịp dòng chảy phát triển. Phố Hoa từng nhộn nhịp giờ chỉ còn lại những gia đình không nỡ rời xa quê hương, bám trụ lại với lòng đầy trăn trở. Để tiếp tục duy trì cuộc sống, những người đàn ông, phụ nữ đều buộc phải thay đổi. Tạ Thiện Thành (Hồ Quân) dù không nỡ rời xa nghề cũ cũng đành bán đi con tàu yêu quý của mình, vì chẳng thể tiếp tục gồng gánh. Mẹ của Hải Khoát – Hạ Chi Mai (Đồng Lôi), khi chẳng còn nhìn thấy tương lai nơi phố Hoa, đã bất đồng quan điểm với chồng rồi dẫn đến ly hôn. Còn mẹ của Tạ Vọng Hòa (Tề Hoan), dù không muốn, nhưng cuối cùng cũng phải trở thành trụ cột gia đình, gánh vác cả tương lai của những người thân yêu.
Hạ Phượng Hoa, Tạ Vọng Hòa, Thiệu Hưng Trì (Trạch Lộ Tử), Chu Hải Khoát (Cao Chí Đình), Mã Tư Nghệ (Lý Uyển Đát) và Trần Duệ (Lưu Hằng Phủ) – sáu con người, sáu cuộc đời, nhưng luôn đồng hành cùng nhau trên từng chặng đường. Thuở nhỏ, dù có gây ra bao nhiêu trò nghịch ngợm, chúng vẫn vô tư vì biết rằng, phía sau luôn có gia đình gánh vác. Lũ trẻ ngày ấy chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, rong chơi khắp xóm làng với những tiếng cười giòn tan.

Nhưng ngày bà Mã ra đi, ngày Tư Nghệ đau đớn rời bỏ quê hương, cả nhóm chợt nhận ra rằng, mình không thể mãi là những đứa trẻ vô tư nữa. Cha mẹ đã già, đôi vai ấy không thể mãi gánh vác thay cho họ. Họ buộc phải trưởng thành, dù lòng còn nhiều nuối tiếc.

Rồi đến khi đặt chân lên Bắc Kinh lập nghiệp, cuộc sống chẳng hề dễ dàng. Những vấp ngã, tủi hờn, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người… đều phải nén lại. Trước mặt ba mẹ, họ chỉ dám nói những điều tốt, cuộc sống vẫn ổn, vẫn có tiền dư dả gửi về cho gia đình. Vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, điều duy nhất mình có thể làm là để cha mẹ yên lòng, dù bản thân có phải gồng gánh bao nhiêu mệt nhọc đi chăng nữa.
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Từ Trạch Thần – tác phẩm từng vinh dự giành Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 10 năm 2019. Lấy bối cảnh dọc theo dòng kênh đào ngàn năm tuổi, bộ phim khắc họa câu chuyện của sáu gia đình, mỗi người một số phận, một hành trình riêng, nhưng tất cả đều gắn kết chặt chẽ với nhau. Sợi dây kết nối họ chính là dòng kênh đào cổ kính của Phố Hoa – nơi giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, chứng kiến biết bao thăng trầm, biến động trong cuộc đời của những con người gắn bó với vùng đất này.

Ở “Bắc Thượng”, có những con người ôm hoài bão lớn lao, khao khát đổi thay số phận, nhưng cũng có những người lặng lẽ bám trụ vào những giá trị xưa cũ, chấp nhận những nỗi niềm chôn giấu trong lòng. Có những mối tình dang dở như ánh hoàng hôn đỏ rực in bóng xuống mặt nước, có những khát vọng vươn xa như cánh buồm gió rẽ sóng ra khơi. Và rồi, hành trình soi rọi lại chính mình của ba thế hệ – sáu gia đình, cứ thế tiếp diễn theo dòng chảy của kênh đào. Cuối cùng, giữa những đổi thay của thời cuộc, họ vẫn tìm về cội nguồn, vẫn nương tựa vào nhau, tiếp tục cuộc sống bình dị bên dòng kênh đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Dòng kênh ấy không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là niềm kiêu hãnh của bao thế hệ cha ông, những người đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ và khôi phục sự hưng thịnh vốn có của nó.

Bộ phim không chỉ tái hiện những thăng trầm của từng nhân vật trong những khung cảnh đầy hoài cổ của vùng Giang Tô, giữa những tòa nhà chọc trời của thủ phủ Bắc Kinh. Mà còn khiến khán giả thấy chính mình trong đó: vùng vẫy trong những khát khao đổi đời, trăn trở với câu hỏi tương lai sẽ đi về đâu cùng với mong muốn cuộc đời thực sự của mình sẽ mang dáng vẻ gì.