Bác sĩ... lười khám - Tạp chí Đẹp

Bác sĩ… lười khám

Tin Tức

Ngày 25.6 vừa qua, anh L.V.S (41 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) để kiểm tra lại tình trạng bệnh ở gan. Hơn nửa năm nay, anh S. điều trị tại BV D (một BV đa khoa lớn ở TP.HCM), được bác sĩ (BS) tên T. của BV chẩn đoán viêm dạ dày và kê mỗi toa thuốc 1 triệu đồng. “Đã nhiều lần tái khám, đi xe máy 65 cây số để đến gặp BS, nhưng lần nào BS cũng chỉ liếc nhìn, chẳng hề khám, cũng không cho làm thêm xét nghiệm, cứ xem qua toa cũ rồi ghi lại toa mới giống như vậy. Uống hoài không giảm, đau bụng ngày một tăng, sụt hơn 5 kg, nên lần này tôi chuyển qua BV Chợ Rẫy để kiểm tra lại”, anh S. cho biết.
10.000 đồng là để được tiêm thuốc nhẹ nhàng chu đáo, nếu không thì sẽ nhận những lời khó nghe. Thuốc ung thư, nếu tiêm không nhẹ nhàng là đau như cắt da cắt thịt
   
BN Nguyễn Quang T. (Nghệ An)

Khai sao tin vậy

Cũng với thái độ không hài lòng, bệnh nhân (BN) Nguyễn Đắc H. (62 tuổi, ngụ Hà Đông, Hà Nội) vào khám tại một BV lớn ở nội thành Hà Nội bức xúc: “Mục đích của tôi là đi khám tăng huyết áp. BS chỉ hỏi tôi bị làm sao, tôi nói bị tăng huyết áp và sỏi thận. Thế là BS ghi luôn vào sổ khám bệnh mấy dòng gọn lỏn tăng huyết áp và sỏi thận. Điều ngạc nhiên là, ngoài việc chỉ hỏi tôi một câu như thế, BS không hề làm gì khác, kể cả không đo huyết áp. Về nhà, tôi bị lên cơn tăng huyết áp, choáng váng, may mà chưa bị tai biến. Giá mà BS khám, kiểm tra cẩn thận, thì tôi không rơi vào nguy hiểm như thế. Giờ tôi cũng không biết tình trạng sỏi thận của mình thế nào. Nếu như tôi bảo, tôi bị động kinh, thì có khi BS cũng tin và cho uống thuốc chống động kinh không chừng?”.

Còn BN N.T.X (37 tuổi, ngụ Thanh Trì, Hà Nội) bị đau khớp cổ chân, vào khám tại BV M. (Hà Nội). Khi nghe chị X. nói bị đau 2 khớp chân, BS không khám kỹ, mà kê một loạt xét nghiệm, kể cả chụp loãng xương, và rồi kê toa đến 5 loại thuốc. Hiện chị X. vẫn bị sưng đau các khớp. “Nếu như BS khám cẩn thận hơn, chắc bệnh tình của tôi hiện nay không đến nỗi như thế này”, chị X. bức xúc.

Những trường hợp trên chỉ là “điển hình” cho thực trạng đang diễn ra rất phổ biến hiện nay ở BS, đó là “lười khám”, chỉ dựa vào lời khai của BN hay của các xét nghiệm, máy móc chụp chiếu là chính.

 

Minh họa: DAD

Thủ tục “cho tay vào túi áo blouse”

Theo phản ánh của bạn đọc Báo Thanh Niên, những BN đang điều trị tại cơ sở 2 của BV K (Hà Nội), thì ngoài các khoản chi phí phải nộp theo quy định của nhà nước, họ còn phải chi những khoản không chính thức để khỏi bị “làm khó”. “Các khoản tiền này không lớn nhưng rất công khai, trông phản cảm!”, người bệnh H.H.L ở Hà Nam nói.

PV Thanh Niên đã có mặt tại cơ sở y tế này và ghi nhận những phản ánh của BN là có thật. Tại phòng thủ thuật ở tầng hai, chúng tôi chứng kiến BN chen chúc xếp hàng dài chờ đến lượt để được gọi vào tiêm thuốc. Mỗi BN khi vào phòng, “thủ tục” đầu tiên là… “cho tay vào túi áo blouse” của nữ y tá (theo các BN, “thủ tục” ấy chỉ là nhét vào túi 10.000 đồng). Chỉ trong buổi sáng chúng tôi chứng kiến, hầu hết BN đều thực hiện nghĩa vụ như thế.

BN Nguyễn Quang T. (ở Nghệ An), điều trị ung thư vòm họng hơn 1 năm nay tại đây cho biết: “10.000 đồng là để được tiêm thuốc nhẹ nhàng chu đáo, nếu không thì sẽ nhận những lời khó nghe. Thuốc ung thư, nếu tiêm không nhẹ nhàng là đau như cắt da, cắt thịt”.

Tương tự, tại các buồng bệnh bên cạnh, chúng tôi ghi nhận việc BN phải “bồi dưỡng” công khai hơn. Theo đó, cứ vào 8-9 giờ sáng, hoặc 2-3 giờ chiều hằng ngày, là thời gian BN được truyền thuốc. Khi các nữ y tá đẩy các xe thuốc và dụng cụ y tế vào phòng, đến lượt ai thì BN ấy lại lẳng lặng “cho tay vào túi áo blouse”. Mọi việc diễn ra trước mắt nhiều người, dù chỉ cách đó 10 bước chân là bảng nội quy BV nghiêm cấm BN, y, BS đưa – nhận tiền.
Thực trạng khá phổ biến

Bởi thái độ, cung cách phục vụ của BS ở hệ thống BV không tận tình nên phần lớn người bệnh phải tìm cách “vượt khó” mỗi khi vào BV. Điều này đã được minh chứng qua đề tài nghiên cứu: “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế…” do Tổ chức Hướng tới minh bạch (Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế), cùng Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng thực hiện từ năm 2010 – 2011, và công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua. Nghiên cứu ghi nhận, chi phí không chính thức (nạn phong bì) là thực trạng khá phổ biến trong các dịch vụ y tế, nó diễn ra nhiều nhất ở lĩnh vực ngoại khoa (mổ xẻ), khoa sản… Nhiều người bệnh cho rằng, nếu không có phong bì thì BS sẽ thờ ơ, thậm chí sẽ không được “nhìn ngó” đến.

Tiến sĩ Bùi Diệu – Giám đốc BV K (Hà Nội) – nhìn nhận: “Việc tiêu cực tại BV K nói chung và cơ sở 2 ở Tam Hiệp đã từng bị dư luận, báo chí nhiều lần đề cập. Lãnh đạo BV đã cố gắng để hạn chế. Trong sự việc này, chúng ta nhìn nhận hai chiều – một là, có thể y tá, BS vòi vĩnh tiền BN; hai là do một số BN quý mến y, BS nên… cho một ít tiền. Quan điểm của tôi là, nhân viên y tế phải có thái độ rõ ràng, không được nhận tiền của BN và ngược lại BN không đưa tiền cho y, BS. Việc này chúng tôi đã quán triệt tới từng nhân viên, công khai bằng văn bản tại BV. Chúng tôi xin ghi nhận và cám ơn Báo Thanh Niên đã phản ánh. Ngay trong buổi giao ban BV đầu tuần này, BV sẽ làm rõ, yêu cầu những người có liên quan làm kiểm điểm, để chấm dứt lập tức tình trạng không hay này”.

Dịch vụ chụp nhanh, mổ nhanh

Chị Nguyễn Thu Hà, có người thân điều trị ở BV Đ. (Hà Nội) phàn nàn: “Chụp MRI, BS cũng bảo gia đình đưa người bệnh đến cơ sở tư trên phố Trần Hưng Đạo để chụp dịch vụ cho nhanh. Chụp xong, đem kết quả lại khoa làm thủ tục nhập viện, thì y, BS giới thiệu thêm dịch vụ “mổ nhanh” – nếu bình thường phải chờ lâu, có khi cả tháng trời, còn với dịch vụ thì 10 ngày sẽ được mổ”. Với dịch vụ, ngoài khoản 2 triệu đồng đóng cho BV, chị Hà còn phải đóng thêm 2 triệu đồng cho khoa và được nhân viên hướng dẫn làm thủ tục nói rõ “khoản thu này không có hóa đơn”. “Bởi BN đau đớn, nên gia đình phải chấp nhận các khoản chi phí “mổ nhanh”, dù rất không hài lòng vì các khoản tiền không rõ ràng ấy”, chị Hà nói.

Mới đây, anh trai chị L. (là giáo viên ở tỉnh Bình Thuận), được BV tuyến tỉnh chuyển vào BV C.H ở TP.HCM để điều trị về gân ở gót chân. Tại đây, vị nam BS nói với gia đình chị L.: “Nếu đồng ý mổ dịch vụ, đóng chênh lệch tiền bảo hiểm y tế (BHYT) 27 triệu đồng, thì ký giấy mổ ngay; còn không thì đưa bệnh về nhà, hai tuần sau quay vô lại, khi đó mới xem xét và cho biết ngày mổ cụ thể theo chương trình!”. Đứng trước tình cảnh khó xử – đồng ý mổ dịch vụ, thì giáo viên vùng sâu lấy đâu ra 27 triệu đồng? Còn về lại quê nhà đến hai tuần sau vào mới biết ngày mổ, mà không rõ tháng sau, hay tháng sau nữa mới được mổ thì sợ bệnh nặng hơn, nên chị L. phải nhờ người quen can thiệp. Kết quả, BN được mổ sớm mà không phải đóng 27 triệu đồng dịch vụ như vị BS gợi ý. “BN có BHYT, chuyển viện đúng tuyến, lẽ ra phải được hưởng trọn vẹn chế độ BHYT, vậy mà họ lại bắt chẹt, đưa người ta vào thế khó để phải mổ dịch vụ, thật không thể tưởng tượng người ta nhẫn tâm đến vậy”, chị L. bày tỏ.

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

09/07/2012, 07:32