“Bác sĩ Google” lợi – hại sánh đôi


Nâng cao dân trí về y học

Đánh giá về thói quen dùng internet để tra cứu thông tin về sức khỏe, BS. Nguyễn Văn Cường, Bệnh viện Hợp Lực, Thanh Hóa cho biết: “Đây là thói quen tốt. Khi biết tận dụng đúng, những thông tin trên internet không những giúp phòng tránh bệnh tật mà còn giúp người bệnh giảm bớt sự lo lắng nên tìm được lời khuyên phù hợp trước khi đến gặp bác sỹ”. Tìm hiểu thông tin y tế sức khỏe thường xuyên còn là cách nâng cao hiểu biết của người dân, khiến bệnh nhân hợp tác tốt hơn bác sỹ nên điều trị sẽ hiệu quả hơn.

Không chỉ đối với người bệnh mà đối với cả bác sỹ thật, internet cũng đem lại những lợi ích thiết thực. BS. Cường chia sẻ: “Bác sỹ chuyên khoa, kể cả bác sỹ đa khoa không phảI là một từ điển bách khoa toàn thư sống về y học. Có rất nhiều điều mà bác sỹ cũng không biết. Hơn nữa, mỗi ngày, y học thế giới lại có những bước tiến mới. Vì thế, lên Google cập nhật các thông tin về y tế, tham khảo tài liệu y học co nguồn gốc rõ ràng là điều vô cùng cần thiết cho mỗi bác sỹ, vừa để nâng cao tay nghề, tầm hiểu biết, vừa đưa ra được những lời khuyên đúng đắn cho bệnh nhân khi cần thiết”.

 Và có thể nhầm toa thuốc

Nhiều người cũng giống như chị Linh thường xuyên tra cứu sức khỏe và còn dùng luôn cả thuốc tìm được trên internet. Nhiều người kể bệnh xong, nghe người khác mách “tôi đã từng bị thế, đã khỏi nhanh do dùng thuốc A” nên đã vô cùng tự tin dùng thuốc giống họ. Bởi thế không ít người đau dạ dày vì dùng dùng thuốc không dành cho người có tiền sử bệnh dạ dày, một số khác thì than thở “đã dùng thế sao không khỏi”.

Bác sỹ Cường khuyên: “Bác sỹ Google là một kênh thông tin y khoa tốt nhưng tin 100% là mù quáng. Mỗi toa thuốc đều chỉ dùng ở những thời điểm nhất định, hơn nữa, mỗi người có một cơ địa khác nhau, có tiền sử bệnh khác nhau, dù bệnh na ná giống nhau nhưng cũng không thể bê toa thuốc của người này truyền cho người khác được. Bởi vậy nếu nghe theo lời khuyên trên internet mà không rõ tiền sử bệnh sẽ dẫn tới hậu quả lớn (tác dụng phụ của thuốc cao, kháng thuốc…). Ngoài ra, nhiều người bán dược phẩm vì lợi ích kinh doanh nên có thể trá hình thành bệnh nhân, bác sỹ để tư vấn theo mục đích của họ (chứ không theo lợi ích của bệnh nhân). Điều đó có thể khiến người mua dùng mua sai thuốc, điều trị không hiệu quả.”

Giảm tải cho bệnh viện

Cảnh người bệnh phải xếp hàng dài chờ đợi đang là những hình ảnh thường thấy trong các bệnh viện. Điều đáng lưu tâm là một số người chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng vì thiếu kiến thức nên sốt ruột đến viện khiến tình trạng quá tải càng nhiều. Với những trường hợp trên, một cú click chuột trên Google, nhấp vào các trang tư vấn trực tuyến có thể khiến họ hết lo lắng, không phải đến bệnh viện mà vẫn đảm bảo khỏe mạnh. Liên hệ tới các trang tư vấn trực tuyến (có bác sỹ trực trả lời qua điện thoại hoặc qua yahoo messenger…), người bệnh có thể được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng (những biểu hiện ra bên ngoài, dễ nhận thấy). Điều đó giúp những người đang gặp vấn đề về sức khỏe có thể ngồi ngay tại nhà hoặc cơ quan làm việc mà vẫn có được những thông tin hữu ích, thiết thực về sức khỏe từ các chuyên gia y tế.

Khi dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà ngày càng phát triển thì bác sỹ Google cũng đang góp “một tay” vào xu hướng đó. Các trang web của bác sỹ trực tuyến chính là cơ hội để những người mang bệnh nặng không thể đi lại được, bệnh nhân cao tuổi, người ở vùng xa…được chẩn đoán bệnh nhanh lại không tốn công sức di chuyển. Nếu được sử dụng bài bản, internet giúp bệnh nhân tránh được tình trạng chen lấn, khám bệnh qua loa.

Cẩn thận chuẩn đoán sai bệnh

Chẩn đoán đúng bệnh, ra đúng bài thuốc là hai yếu tố cơ bản giúp người bệnh phục hồi. Để chẩn đoán đúng bệnh, bác sỹ không chỉ nghe kể bệnh mà còn phải dựa trên các kết quả xét nghiệm. Nhưng những thông tin qua internet chủ yếu là tư vấn dựa trên các triệu chứng. Có rất nhiều triệu chứng là dấu hiệu chung của nhiều bệnh vì thế việc nhầm lẫn bệnh là hoàn toàn có thể.

BS. Cường cho hay: “Tôi đã từng tiếp nhận điều trị rất nhiều trường hợp biến chứng chỉ vì chủ quan, tự lên mạng tìm cách chữa bệnh. Thấy bệnh mãi không khỏi mới đến viện khám. Một số bệnh nhân thấy triệu chứng đơn giản thì nghĩ mình chỉ bị bệnh nhẹ nên nhờ tư vấn trên mạng rồi mua thuốc uống. Nhưng khi bác sỹ khám thì phát hiện ra họ đang có bệnh nặng, dấu hiệu đó chỉ là đang ở giai đoạn đầu”.

Là một người thường xuyên tra cứu thông tin trên internet, bác sỹ Cường giải thích thêm: “Những tư vấn trên mạng, ngay cả các bác sỹ đầu ngành cũng thường chung chung, không chắc chắn nên sau khi họ tư vấn, họ thường khuyên mọi người đến bệnh viện để khám cụ thể”. Vì thế, cách tốt nhất là ngoài việc tham khảo các tư vấn trên mạng, khi thấy có vấn đề về sức khỏe, mọi người nên đi khám kịp thời, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Mặt khác, thông tin tư vấn trên internet có thể xuất phát từ kinh nghiệm của người chưa từng được đào tạo chuyên môn y khoa. Nếu bạn không biết chọn lọc thì có thể “vấp” vào những dạng thông tin này, sẽ nguy hiểm chẳng khác gì gặp bác sỹ không đủ tiêu chuẩn cấp giấy phép hành nghề.

Theo Sức khỏe Gia đình


From the same category