"Baby Reindeer" - Câu chuyện có thật về kẻ bám đuôi dai dẳng đang gây sốt trên toàn cầu - Tạp chí Đẹp

“Baby Reindeer” – Câu chuyện có thật về kẻ bám đuôi dai dẳng đang gây sốt trên toàn cầu

Review

“Baby Reindeer” (Tạm dịch: Chú tuần lộc bé nhỏ) đã tạo nên cơn sốt khi dẫn đầu danh sách phim truyền hình tại 42 quốc gia trên Netflix. Chỉ vỏn vẹn trong 1 tuần ra mắt, phim đạt kỉ lục với 22 triệu lượt xem. Không chỉ vậy, trên Rotten Tomatoes, bộ phim còn nhận 100% điểm “cà chua tươi” sau khi lên sóng. 

Ngay từ những phân cảnh đầu của phim, người xem đã phải tò mò về một anh chàng ăn mặc có phần lôi thôi, trong trạng thái tinh thần bất ổn, đến tố cáo với cảnh sát rằng bản thân đang bị bám đuôi. Từ đó, cốt truyện phi tuyến tính đưa khán giả quay ngược lại quá khứ lý giải toàn bộ vấn đề. Donny Dunn (Richard Gadd) đã mời Martha (Jessica Gunning) một cốc nước – một cô gái có ngoại hình quá cỡ, buồn rầu và thảm hại đến mức không có tiền để gọi bất kì một ly nước nào trong quán. Nhưng chính lòng tốt và sự tử tế đó đã khiến anh phải chịu đựng sự quấy rối dai dẳng trong suốt 6 tháng sau đó.

“Baby Reindeer” có nhiều hơn một câu chuyện về một kẻ quấy rối

Đề tài về những kẻ biến thái bám đuôi không mới trong ngành điện ảnh, nhưng “Baby Reindeer” lại mới mẻ khi xây dựng câu chuyện đàn ông bị phụ nữ quấy rối. Trong đó, điểm hay nhất của bộ phim nằm ở việc khai thác tâm lý nhân vật đầy tinh tế và quá đỗi chân thực: khoái cảm khi bị đeo bám của chính nạn nhân. Khi ra đồn để trình báo, cảnh sát đã hỏi Donny: “Vì sao anh mất nhiều thời gian như vậy mới trình báo?”, anh đã không thể trả lời.

Ngay từ đầu, Donny cũng nhận ra rõ ràng Martha có vẻ không bình thường. Cô ả thô lỗ, lớn tiếng nơi công cộng, nói dối mình là luật sư nổi tiếng, bất chấp việc cô rỗng túi và không mua nổi bất kì thứ gì. Donny đã phải chịu sự tấn công tình dục, bạo hành tinh thần với hàng nghìn email, cuộc gọi và sự đeo bám dai dẳng từ quán cà phê, chỗ làm, rồi cả nhà riêng trong suốt nửa năm. Dẫu vậy, thay vì quyết đoán để chấm dứt tình trạng trên, anh lại tỏ ra tò mò, bối rối và có phần biện minh cho những hành động của ả ta. 

Donny nhận thức rõ Martha không bình thường và bản thân nên làm gì, nhưng liên tục dung túng cho những hành vi đó. Theo góc nhìn của người ngoài cuộc, dễ thấy Donny cũng là một kẻ kỳ quặc, vặn vẹo và thậm chí đáng ghét. Nhưng thông qua lời độc thoại nội tâm của nhân vật, khán giả có thể hiểu cách anh ta nhìn nhận vấn đề. Bên cạnh sự đeo bám dai dẳng, Martha đã cho nam chính những điều anh không có được ở xã hội: sự công nhận và tán dương.

Đằng sau một Donny có tâm lý vặn vẹo là cú trượt dài trong sự nghiệp theo đuổi ước mơ trở thành một diễn viên hài độc thoại. Anh thậm chí phải ở nhờ nhà mẹ của người yêu cũ. Và một vết nhơ bị lạm dụng trong quá khứ mà anh không dám thổ lộ với ai. Nói cách khác, “Baby Reindeer” chính là hành trình chữa lành của nhân vật chính.

“Baby Reindeer” là một câu chuyện có thật?

Không chỉ là câu chuyện trên phim, “Baby Reindeer” được viết dựa trên cuộc đời của diễn viên vào vai Donny, Richard Gadd. Trong hơn 4 năm rưỡi, người phụ nữ quấy rối đó đã gửi cho anh 41071 email, 350 giờ thư thoại, 744 tweet, 46 tin nhắn trên Facebook, 106 tờ thư. Ngoài ra, còn có nhiều món quà kỳ lạ, bao gồm tuần lộc đồ chơi, thuốc ngủ, một chiếc chăn len, mũ và quần đùi. 

Tuy nhiên, danh tính về kẻ quấy rối thực sự ngoài đời không được tiết lộ. Richard Gadd, đồng thời là biên kịch bộ phim, đã thay đổi những thông tin cá nhân của cô. Anh chia sẻ:  “Những gì được mượn là một sự thật đầy cảm xúc, không phải là hồ sơ chi tiết về một ai đó”.

Vì sao “Baby Reindeer” gây sốt khắp các nền tảng phim?

Khi mới lên sóng, bộ phim không được chú ý nhiều bởi dàn diễn viên kém tên tuổi. Tuy nhiên, từ cảm xúc thật trong những trải nghiệm cá nhân, Richard Gadd đã hoàn thiện rõ nét một Donny Dun lập dị, vặn vẹo nhưng cũng đầy thấu cảm với nỗi đau của bản thân và chính thủ phạm. Trong khi đó, Jessica Gunning cũng giành về nhiều lời khen ngợi trong diễn xuất. Si mê, điên cuồng, khao khát, tội nghiệp,… đều được nữ diễn viên lột tả chân thực.  

Dù không có ma quỷ, nhưng bộ phim vẫn khiến người xem sởn tóc gáy. Sự đeo bám lặp lại dai dẳng, theo dõi ở mọi nơi, và đe dọa bất kì ai dám gần gũi đáng sợ hơn mọi một thế lực tâm linh nào. Kết hợp với âm thanh được lồng ghép hoàn hảo, khán giả sẽ bước lên chuyến tàu lượn của cảm xúc, liên tục lên đỉnh điểm với sự lo lắng, sợ hãi, hồi hộp cùng nhân vật. Bằng cách kết hợp các yếu tố của hài kịch đen và tâm lý, “Baby Reindeer” là hành trình mò mẫm trong bóng tối của Donny trong quá khứ đau thương để tìm con đường cứu rỗi chính bản thân.

Không cố gắng nhồi nhét những bài học bài cuộc sống sau những biến cố, bộ phim tựa như một lời trải lòng của một người đã trưởng thành qua vấp ngã: chân thật đến trần trụi. Điểm lôi cuốn của “Baby Reindeer” chính là đưa mỗi người ngập ngụa trong những cảm xúc tối tăm, bức bối nhất, để từ đó tự đúc kết ra những suy ngẫm của bản thân về con người và cuộc đời.  

Tác giả: Kim Thanh

15/05/2024, 07:00