Đó không phải một thú massage hay trò tiêu khiển tinh thần. Cũng chẳng bao giờ là đủ cơ vận để thành bậc cao nhân có thể ẩn náu, nương nhờ núi thiêng, mưu sự nghiệp. Lờ mờ hy vọng đạt tới một cảnh giới khác trong nhận thức và cảm xúc. Cũng chỉ mong đời thanh thản hơn và bớt nhạt hơn một chút thôi…
Huyền thoại
Bất cứ kênh thông tin nào cũng nói rằng Tản Viên sơn thần là đệ nhất tứ bất tử. Huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh trở thành câu chuyện cửa miệng của mọi đứa trẻ.
Người Cao Lan (còn gọi là Sán Chay, một dân tộc thiểu số) thì truyền cho con cháu rằng Ba Vì là nỗ lực của một chàng trai muốn kéo rừng núi về gần với đồng bằng. Sau cuộc quyết đấu sống còn với quái thú, chàng trai vội quảy mấy trái núi về quê. Và khi dũng sĩ ngấm độc ngã xuống, hai dãy núi trên vai văng ra thành Ba Vì và Tam Đảo.
Câu chuyện của người Mường hay nông dân xứ Đoài thì tin rằng Tản Viên được sinh ra ở ven sông Đà. Tản Viên là con thần đá, thụ thai ở núi, đẻ ra bên sông nên tụ hội được sức mạnh, khí thiêng của sông núi.
Trong sách Dư địa chí Nguyễn Trãi viết: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”. Khắp vùng có đến hàng trăm đền thờ Sơn thần. Nhiều nơi thờ thần như thành hoàng làng. Tại Đền Và (Đông Cung) thờ Thánh Tản Viên có đôi câu đối:
Dáng hình sừng sừng ngang trời rộng
Hạo khí mênh mang vạn thuở còn.
Hàng nghìn năm qua, chưa có vùng đất nào trên đất nước này mà hiện thực và huyễn tưởng, cổ tích, thần tích và kỳ tích lại dung hợp thành một huyễn thể văn hóa kỳ lạ nhường vậy.
Và hiện thực
Nhưng sẽ bất hạnh cho những ai có ý định tìm một sự kết nối, tiếp nối quá khứ và hiện tại, cái nhìn thấy và vô thể, tinh thần và vật chất, tiền bạc và cảm xúc…
Trong hàng loạt phát hiện tuyệt vời trên các núi cao như Sa Pa, Mẫu Sơn, Bà Nà, Bạch Mã, Đà Lạt, sai lầm nhất của người Pháp là đuổi người địa phương ra khỏi Tam Đảo và thô tục hóa Ba Vì. Có vẻ như đã có một hành vi cưỡng bức văn hóa buồn thảm. Người Pháp quên rằng Ba Vì là bàn thờ của xứ sở này, dân tộc này. Chiến tranh, đồn binh có thể đóng chiếm trên các vị trí yếu lược. Nhưng xây trại gái, nhà tù ở nơi linh thiêng là một sự thật trần trụi hoàn toàn trái ngược với tinh thần mà người ta thường nói về… khai hóa. Có tác nhân nào của thế lực siêu nhiên khiến người Pháp hơn một lần thất bại ở Đông Dương? Gần đây, có vẻ như những sai lầm trong quá khứ của người Pháp lại được tái hiện ở hình thái khác, dưới bàn tay của chính con cháu Sơn thần?
Trong hoàn cảnh phải gấp gáp tích tụ tài sản thông qua chiếm hữu đất đai, bất động sản, hàng trăm dự án rùng rùng đội đất trỗi dậy. Kẻ chiếm mặt hồ, bám bờ suối, người lấn đất đồi, cắt rừng. Các cơ quan đại diện cho Nhà nước chưa chứng tỏ được là đủ sức làm… văn hóa. Doanh nghiệp thì chạy đua chiếm cứ, cát cứ đất giàu chất sinh thái. Du lịch – văn hóa – tâm linh trở thành bánh vẽ hay tấm áo mỹ miều của các ảo thuật gia bất động sản.
Bởi thế, Làng văn hóa mười mấy năm vẫn là một công trường ngổn ngang với những hình nộm kiến trúc cẩu thả. Đầm Long phơi đầy tiên cá nhào, rồng lộn, khỉ đung đưa. Ao Vua trơ trơ nhóm hình nộm xi măng mô tả đoàn sính lễ của Sơn Tinh. Bể bơi ở cốt 400 chỉ chứng tỏ rằng chủ đầu tư đang thí nghiệm nuôi tảo ở quy mô xa xỉ. Hằng ngày, mỗi điểm du lịch trở thành chốn hoằng dương, phô bày cái sai, xấu. Những dịp nghỉ lễ, mùa hè nơi đây thành chốn chợ hỗn độn về chất lượng dịch vụ và giá cả hiện ra hình hài của máy chém thời trung cổ…
Lên đến một độ cao khác, cả chính quyền và chủ đầu tư đều… án binh bất động? Có những rào cản cứng về bảo vệ môi sinh của rừng quốc gia? Có những ngáng trở giữa bảo tồn và phát triển? Có những lợi ích chưa đạt thỏa thuận. Nhiều du kích cỡ bự cũng núp kín hay phủ phục chờ thời cơ. Và thế là sân bay, trại tù, nhà thờ, khu biệt thự cũ, nhà ông tá… tất cả dấu tích của người Pháp thì tàn hoang… và tiếp tục hoang tàn… Hạ quá thực và thượng rất hư?
Cổ tích mới hay ngụ ngôn hiện đại
Hiện thực Ba Vì hôm nay luôn nhắc đi nhắc lại với tôi một câu hỏi: vì sao, vì sao và vì sao?
Nhiều năm qua, sơ đồ, lộ trình khảo cứu núi thiêng của tôi không dừng lại ở cốt 100, 400, 600, 800 hay một kích thước vật lý cụ thể nào. Những giao thoa văn hóa Việt – Mường – Thái – H’mong có thể đưa ra bao nhiêu gợi ý thiết kế kiến trúc thích ứng với cái ẩm đáng sợ? Thử nghiệm nhọc nhằn của Sungroup trên Bà Nà đã phải trả giá nào? Người Trung Quốc ứng xử ra sao với Thái Sơn? Người Nhật tìm gì từ Phú Sĩ? Vì đâu mà ngọn đồi Sinai, Jerrusalem trở thành tâm điểm của mối quan tâm từ nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo? Tây Tạng, Everest, Hymalaya, Hoàng Liên Sơn, Yên Phụ, Yên Tử, Tam Đảo có quan hệ thế nào với Ba Vì? Giản đơn và gần gũi hơn, đến bao giờ người Việt mới tạo cho Ba Vì sức hấp dẫn như người Hongkong, Malaysia đang làm cho Đại Nhĩ, Genting – những hòn núi vô thần chẳng thánh?
Trong một đêm Everest đầy sao, bên dòng sông cạn Bumchu, bất chợt tôi nhớ đến nhà văn Hòa Vang và câu chuyện “Sự tích những ngày đẹp trời” rất nổi tiếng của anh. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một gã cuồng ngông đứng lên dùng dăm ba con chữ, cảm xúc và những trải nghiệm thế tục để bào chữa, minh oan cho Thủy Tinh.
Trong truyện ngắn kỳ lạ này, Thủy thần không phải là giặc giã. Đó là một nhân thần không chút duyên may và vẫn đang sở hữu một tình yêu đầy trắc ẩn với Mỵ Nương. Câu chuyện giải thích cho rõ hơn cái tình ngay lý gian của những thảm họa lũ lụt vốn là quy luật hiển nhiên của muôn đời. Câu chuyện có luận giải sâu sắc về sự thiên vị của vua Hùng nhưng cũng ngầm nhắc những người có quyền lực đừng bao giờ hành động theo cảm tính. Truyện cũng chỉ dẫn hậu sinh và dạy các nhà đầu tư đừng bất cẩn như Thủy Tinh để trở thành người đầu tiên trong lịch sử làm… hàng giả (thủy cung lấy đâu ra voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao). Dẫu có thất bại, đau khổ, ghen tuông, hãy học Thủy Tinh ở cách luôn nhận thấy Sơn Tinh “quả thật, thâm trầm, điềm đạm như núi và khôn ngoan vững vàng như đất”.
Xét cho cùng thì sổ đỏ, chủ sở hữu đích thực của mọi dự án chung quanh Ba Vì luôn ở trong tay và thuộc về Sơn thần. Những ai có cơ duyên với đất này, được Thần cho ăn lộc thì đừng vội quay lưng hay vô ơn, đừng cấu véo, chôm chỉa, giành giật lợi ích vật chất trước mắt cho riêng mình. Giống như một lẽ trời, cố mà giữ Thủy Tinh ở lại, sống chung hiền hòa cùng Sơn Tinh, Mỵ Nương giữa một phối cảnh sông Đà – núi Tản. Nếu làm được như vậy thì may chăng mới hy vọng về những ngày đẹp trời.
Đừng quên: giữ Nước, thờ Núi thì ăn Oản.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần