– Cơ duyên nào đã đưa vợ chồng bà đến với Việt Nam, thưa bà?
– Vài năm trước tôi có cơ hội đến Việt Nam, đất nước các bạn có sự pha trộn giữa nét cổ kính Á Đông, kiến trúc Pháp thuộc và sự phát triển năng động của những con rồng Châu Á. Tôi rất thích điều đó, chính vì vậy chúng tôi đã cố gắng để được đến Việt Nam.
Gia đình tôi chuyển đến đây khi con trai tôi mới được 3 tháng tuổi, lúc đầu tôi khá lo lắng vì con còn nhỏ quá, nhưng những người Việt Nam mà chúng tôi gặp, từ những đứa trẻ cho đến các cụ già 80-90 tuổi, dường như họ đều có khả năng đặc biệt nào đó có thể khiến con trai tôi mỉm cười. Với một bà mẹ trẻ như tôi thì đó là một điều tuyệt vời. Cuộc sống của chúng tôi ở Việt Nam đã có một khởi đầu như thế. Sau 4 năm ở đây, tôi nghĩ là mình muốn được nghỉ hưu ở Hà Nội. (cười)
– Được biết bà là một trong hai người sáng lập của The Women’s Storytelling Salon (câu lạc bộ theo mô hình khán phòng, nơi những người phụ nữ kết nối và chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mình), ý tưởng này bắt nguồn từ đâu vậy?
– Hai năm trước khi sống ở đây, dù mọi thứ rất tuyệt vời, nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó chưa đủ. Tôi sinh ra và lớn lên ở Vienne (Áo), nơi mà nghệ sĩ hay những người có tư tưởng lớn thường gặp nhau để trò chuyện, trao đổi. Những câu chuyện phòng khách như vậy thường truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Tôi nói ý tưởng này với một người bạn, chị ấy ngay lập tức đồng ý, và hai chúng tôi đã làm việc suốt một mùa hè để ra được mô hình Khán phòng phụ nữ kể chuyện như bây giờ.
– Vậy những “người phụ nữ kể chuyện” của bà có chân dung như thế nào?
– Họ đều là những người đặc biệt, những người rất thành công trong lĩnh vực của mình, hoặc là những người tiên phong.
– Không dễ để một người phụ nữ có thể đứng lên cởi mở chia sẻ câu chuyện của cá nhân mình trước đám đông, bà đã thuyết phục họ như thế nào?
– Đúng vậy, phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ Việt Nam thường khá kín đáo và không thích nói về mình trước đám đông. Chúng tôi cũng một vài lần gặp phải sự từ chối. Nhưng cảm giác được người khác lắng nghe thật sự rất phấn khích, như thể có một sức mạnh nào đó giúp những người phụ nữ rút gan ruột chia sẻ tận đáy lòng câu chuyện của mình.
Từ lịch sử hàng nghìn năm, chúng ta hầu như ít nghe thấy phụ nữ kể câu chuyện của mình, thay vào đó đàn ông đang nói chuyện của họ và kể hộ câu chuyện của chúng ta. Vì vậy từ những năm 1970, các nước phương Tây đã dấy lên làn sóng để tìm lại tiếng nói của người phụ nữ.
– Tại sao bà cho rằng những câu chuyện này sẽ giúp phụ nữ tìm được tiếng nói của mình?
– Tôi nghĩ mỗi người phụ nữ có một định nghĩa riêng về “thành công”. Bản thân mỗi câu chuyện đều tiềm ẩn một sức mạnh có khả năng làm thay đổi. Khi lắng nghe câu chuyện của một người phụ nữ thành đạt, bạn sẽ nghĩ: “Cô ấy có thể, mình cũng vậy”. Kể và nghe câu chuyện từ những người phụ nữ truyền cảm hứng làm chúng ta nghĩ đến những điều mà chúng ta có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Điều này giúp phụ nữ củng cố niềm tin vào bản thân và nói cho cùng, nó cũng sẽ thay đổi nhận thức của xã hội về những gì phụ nữ có thể làm được.
– Có phải những câu chuyện như vậy tạo cảm hứng để bà đặt bút viết cuốn sách về những người phụ nữ lãnh đạo không?
– Đúng vậy, tôi sắp hoàn tất cuốn sách của mình rồi. Ở Việt Nam sau 2 năm, tôi đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ của nhiều phụ nữ. Trời ơi, đó là những câu chuyện tuyệt vời, tôi muốn những người khác cũng được biết những gì mà tôi nghe thấy.
Cuốn sách của tôi viết về chân dung của 20 người phụ nữ Việt Nam, vài người trong số họ là người nổi tiếng, có người thì không, nhưng đối với tôi, họ đều có tố chất lãnh đạo, truyền cảm hứng. Họ là những người phụ nữ can đảm.
– Bà nhìn thấy những gì trong sự can đảm ấy?
– Phụ nữ Việt Nam thật tuyệt vời. Họ mạnh mẽ, kiên cường, nhưng lại vô cùng duyên dáng, tất cả những tố chất ấy hội tụ trong vẻ nữ tính không lẫn vào đâu được. Tôi hoàn toàn bị chinh phục trước vẻ đẹp ấy.
– Theo bà, những nữ lãnh đạo phải đối diện với thử thách nào?
– Trong lịch sử, ít biểu tượng lãnh đạo là nữ giới, chính vì vậy không nhiều bé gái lớn lên với suy nghĩ rằng mình có thể trở thành… tổng thống (cười). Ngay cả sách vở cũng cho thấy công việc của phụ nữ hạn hẹp hơn nhiều so với nam giới. Chính vì vậy, thay đổi nhận thức của xã hội về khả năng lãnh đạo của phụ nữ là một trong những thử thách không nhỏ.
– Bà là chuyên gia, cố vấn về phát triển kỹ năng lãnh đạo, vậy xin được hỏi thật bà có thể “kiểm soát” 2 người đàn ông trong nhà là chồng và cậu con trai 4 tuổi của mình hay không?
– (Cười) Ồ, với thằng bé 4 tuổi thì đôi khi tôi cảm thấy bất lực, thật đấy. Có lúc tôi phải thốt lên: “Con mới có 4 tuổi thôi ư?”. Tôi nghĩ trẻ con dạy chúng ta rất nhiều điều, làm mẹ không hề đơn giản như việc lãnh đạo ai đó và tôi vẫn còn phải học nhiều lắm.
– Vậy làm một phu nhân đại sứ có dễ dàng hơn không?
– Tôi nghĩ vị trí này cho tôi một đặc ân được gặp gỡ với nhiều người thú vị, và được tiếp xúc với cộng đồng theo một cách nhiều ưu ái. Nhưng một mặt khác ít lấp lánh hơn là bạn phải tạm thời từ bỏ sự nghiệp của mình, hoặc cố gắng làm điều gì đó song hành tại mỗi đất nước mà bạn sẽ đến. Cứ vài ba năm bạn lại khởi nghiệp từ đầu, đó có thể là một trong số những khó khăn.
Cá nhân tôi ưa dịch chuyển, tôi thích được sống ở nhiều quốc gia khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau. Ví như tôi sinh ra ở Áo, và đã từng sống ở New Zealand, Brazil, Trung Quốc trước khi đến Việt Nam. Và tại mỗi đất nước, tôi đều sống đủ lâu để có thể cảm nhận được cả vẻ đẹp lẫn những hạn chế tại quốc gia đó.
– Khi không phải bận rộn với cậu con trai, hay lắng nghe câu chuyện của những người phụ nữ khác, bà thích được làm gì cho riêng mình?
– Thật thú vị là chưa ai từng hỏi tôi điều này. Có lẽ đó là khoảnh khắc đầu tiên trong ngày, khi tôi một mình bên tách cà phê ngắm ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện. Đó là lúc tôi thấy mình bình yên nhất.
Xin cảm ơn bà.
QUYỀN LỰC MỀM TRONG CÁC TÒA ĐẠI SỨ
Trong lịch sử ngoại giao, mối quan hệ giữa hai đất nước được củng cố và thúc đẩy nhờ nỗ lực và những đóng góp không nhỏ của các vị Đại sứ. Trong nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài hay tại một tổ chức quốc tế, với tư cách là người đại diện cao nhất cho chính phủ của mình, mỗi Đại sứ đều mang trên vai những trọng trách to lớn mà tổ quốc giao phó cho họ.
Nhưng ít ai biết được rằng, một nửa của các Đại sứ, chính họ cũng phải gánh vác sứ mệnh riêng của mình trong hành trình theo chồng/vợ đến một quốc gia mới. Bằng những con đường khác nhau, không ồn ào mà lặng lẽ, mỗi người trong số họ, dù là lần đầu tiên đến Việt Nam hay có “duyên” quay trở lại nơi này, đều đang âm thầm đóng góp những điều nhỏ bé, thắt chặt thêm sự gần gũi giữa Việt Nam và thế giới. Với tâm niệm không muốn trở thành khách du lịch trên mảnh đất mà mình đang sinh sống, họ đã dùng một thứ “quyền lực mềm” đến từ sự duyên dáng, thông minh và chân thành để chinh phục trái tim người Việt Nam vốn nồng hậu và mến khách.
Vậy một nửa của các Đại sứ – họ là ai?
Tổ chức: Thùy Anh, Hellos
Đọc thêm:
– Bà Eva Nguyễn Bình – Phu nhân Đại sứ Cộng hòa Pháp: Tôi là cầu nối cho gia đình mình
– Ông Clayton Bond – bạn đời Đại sứ Mỹ: Hãy dũng cảm là chính mình!
– Bà Irene Öhler – Phu nhân Đại sứ New Zealand: Tôi muốn được nghỉ hưu ở Hà Nội