Ba giấc mộng đêm hè của Quốc Trung

Giấc mộng đầu tiên trong chương trình “Những giấc mộng đêm hè” được Hải Bột, tức nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nguyễn Công Hải, mang đến. Đây là một giọng hát “lạ” và ám ảnh.

Sau cả quãng thời gian dài “mai danh ẩn tích”, gương mặt sinh năm 1982 này thực sự vụt sáng vào lúc anh cùng nhóm nhạc Quái vật tí hon có album “Đường về” được đánh giá cao, có cùng lúc hai đề cử của giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2011.

Trên sân khấu Nhà hát lớn tối 17/8, Hải Bột mang đến một đêm hè nóng nực, như bộ trang phục đỏ sậm màu mặt trời mà anh mặc. Phút đầu tiên xuất hiện, anh ngồi im trên sân khấu, gảy guitar và kể những câu chuyện mang đậm tính tự sự cá nhân. Hải hát liên tục 6 bài, gồm “Có một mặt trời”, “Ngày hôm qua”, “Vì đời”, “Xa”, “Đường về” và “Ông trời cô đơn”.

Liên tiếp 6 ca khúc mà Hải Bột trình diễn không còn xa lạ với những người yêu rock Việt và quan tâm đến con đường âm nhạc “chẳng giống ai” của Hải. Nhưng đây là lần đầu tiên Hải hát trên một sân khấu lớn, được đầu tư chỉn chu, bán vé giá cao.

Giấc mộng đêm hè của Nguyễn Công Hải mang nhiều ánh sáng chứ không còn là sự u uất, thấy mình lạc lõng như câu chuyện cuộc sống mang nhiều suy tư, triết lý của anh.

Vừa hát vừa đàn chính những ca khúc do mình sáng tác, Nguyễn Công Hải xua đi những băn khoăn về sự có mặt của anh, hy vọng về một đêm nhạc sẽ mở ra những giấc mơ đẹp. Điểm cộng của chương trình cũng nên dành cho anh và cá nhân Quốc Trung vì vị nhạc sĩ này đã dám đưa một gương mặt còn “lạ”, thuộc giới underground kén khách giới thiệu với đông đảo khán giả. Theo đà này, nghe nói tới đây, Quốc Trung sẽ tiếp tục làm album với Hải Bột, gắn với một ban nhạc mới.

Đưa khán giả bước vào giấc mộng thứ hai là Tùng Dương, Dương đã quá quen thuộc với khán giả qua độ đằm, sự đa dạng và nội lực mạnh mẽ trong giọng hát. Với mỹ cảm tốt, giọng hát đẹp, dù Tùng Dương hát pop, jazz, electronica, dân gian đương đại và thậm chí cả rock, bán cổ điển thì cũng không có bài nào dở.

Ở “Những giấc mộng đêm hè”, Tùng Dương vẫn chứng tỏ điều đó. Ngoại trừ bất ngờ thể hiện ca khúc “Thu cạn” mang chất jazz khá rõ nét, anh không còn “lạ” nữa, dù hát vẫn hay, có thể khiến người yêu thích anh vừa lòng mà không cần… đòi hỏi thêm.

Hẳn không ít khán giả của Dương mua vé để chờ nghe anh thể hiện hai ca khúc mới là “Thể đơn bào” (Sa Huỳnh) và “Độc bước” (Lưu Hà An) sẽ có trong album sắp ra, đã được “quảng cáo” trước show. Ca khúc đầu được phối với màu sắc electronica, không khác những gì anh đã phô bày trong album đáng nghe trước đó là “Li ti”. Bài thứ hai mang âm hưởng ca trù, thể hiện sự tìm tòi của ca sĩ và nhạc sĩ phối khí, nhưng ca từ, giai điệu không thực sự cuốn hút, gây ấn tượng.

Là ca sĩ chính để hút khách nên đương nhiên Tùng Dương là điểm giao hòa với hai ca sĩ còn lại. Ca khúc “Tình yêu ở lại” của Quốc Trung với phần bè phối nhịp nhàng của Tùng Dương và Hải Bột tạo nên cảm giác lạ lẫm, mới mẻ khi được thể hiện qua hai giọng hát nam. Cả hai cũng song ca hai ca khúc “Cho con được trở về” và “Đồng hồ treo tường”.

Hai phần phối hợp khác cùng Tùng Dương là với Phạm Thu Hà qua bản phối mới cho ca khúc “Tre xanh ru” (cũng của Quốc Trung) và “Time to say good bye”.

Thêm những phần song ca mang tính “lần đầu tiên” này thì hoàn toàn có thể kết luận, với Tùng Dương, khi anh song ca với bất kỳ ca sĩ nào, cũng sẽ đem lại những phần hòa giọng nhịp nhàng, sống động.

Nếu Tùng Dương mang đến một giấc mộng có phần dữ dội, mãnh liệt, vừa gần gũi vừa xa xôi, như cơn mưa rào tháng bảy; Công Hải mang đến đêm hè có… mặt trời; thì Phạm Thu Hảo đem tới giấc mộng mát lành với ánh trăng thanh.

Là một ca sĩ được đào tạo âm nhạc bài bản, được biết tới chủ yếu với những ca khúc bán cổ điển, với album “Classic meets chill out” đoạt giải Cống hiến, nhưng ở “Những giấc mộng đêm hè” Phạm Thu Hà “thử sức” với những ca khúc nhạc nhẹ, đó là “Bài hát ru cho anh” (Dương Thụ), “Ru anh” (Kim Ngọc), “Có một chút” (Đức Trí).

Tuy vậy, đây không phải là thế mạnh của cô, ít nhất với những gì đã thể hiện trong đêm nhạc. Cách biểu diễn thiếu sức hút và cảm xúc cho thấy Hà Phạm cần đứng trên sân khấu trực tiếp nhiều hơn, thay vì phòng thu, để những lần xuất hiện sau trở nên ấn tượng hơn.

Cô gái đẹp giữa hai chàng trai có giọng hát quý hiếm của đêm nhạc chỉ thực sự ghi điểm với “Time to say good bye” – ca khúc cuối cùng khép lại đêm diễn, song ca với Tùng Dương. Trước đó, hai bản nhạc semi-classic “Scarborough Fair” và “Harem” vẫn chưa thể hiện được phong độ của Phạm Thu Hà.

Trong tháng “cô hồn” này và cũng trong tình hình kinh tế bi đát như hiện nay, không phải nhà sản xuất nào cũng “dư tiền” để thực hiện một vài cuộc chơi nghệ thuật. Nếu khi xưa Shakespeare đã mang đến vở kịch kinh điển Midnight Summer’s Dream thì nay Quốc Trung cùng ê kíp của mình tiếp tục có một “đêm hè” trong âm nhạc, mà suy cho cùng, tất cả những ca khúc mà 3 ca sĩ mang đến cũng đều mang chung một “giấc mộng” là Tình yêu. Vậy nên, nếu có thêm những “đêm hè” như thế, liệu còn có nhiều khán giả sẵn sàng cùng nhạc sĩ Quốc Trung “nằm mộng”?

Bài: Danh Anh

Ảnh: Giang Huy


From the same category