Gọi họ là “bà tiên” của những bộ phim lớn tại Hollywood không hề quá lời. Đó là những nhà thiết kế phục trang (costume designer). Họ góp phần tạo nên những hình ảnh kinh điển trong phim bằng “phép màu” của mình. Câu chuyện Thời trang kỳ này sẽ xoay quanh hai nhân vật chính là Sandy Powell và Jenny Beavan. Tên tuổi của họ không còn xa lạ với các ê kíp làm phim hàng đầu tại Hollywood và những thiết kế của họ đã góp phần làm nên thành công cho các bộ phim đình đám.
NTK Jenny Beavan phát biểu khi nhận giải cho hạng mục Thiết kế phục trang xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88.
Có lẽ không ai quên được sự tương phản giữa nét mỏng manh, tinh khôi của những Bà Vợ với sa mạc khô cằn và đám chiến binh dị dạng; cũng như sự oai hùng của nữ tướng Furiosa trong bộ trang phục nửa-người-máy trong “Mad Max: Fury Road”. Trong một bộ phim vừa kiệm cả lời thoại lẫn bối cảnh, những trang phục được đo ni đóng giày với tính cách từng nhân vật đã xuất sắc góp phần chuyển tải câu chuyện đến người xem một cách thuyết phục nhất. Chính vì lẽ đó, Jenny Beavan – nhà thiết kế phục trang của phim – đã được tôn vinh tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88 với giải thưởng Thiết kế trang phục xuất sắc nhất. Hình ảnh người phụ nữ lục tuần bé nhỏ trong chiếc áo khoác da Immortan Joe, nhân vật phản diện trong “Mad Max: Fury Road”, bước lên bục nhận giải giữa rừng váy áo dạ hội như một khoảnh khắc đáng yêu giữa mùa lễ trao giải đầy giông bão của scandal.
“Tôi rất may mắn, luôn gặp được đúng người, đúng thời điểm. Nhưng bạn cần hướng vận may theo ý mình. Và tôi có quy tắc làm việc khắt khe được cha mẹ dạy từ thuở bé. Bạn cần có sự kết hợp ấy để thành công”. Có lẽ chính nhờ điều này mà sự nghiệp của Jenny Beavan đến nay đã ghi dấu hơn 50 bộ phim lớn nhỏ khác nhau, mang về cho bà gần 40 đề cử và 2 giải Oscar danh giá. Trong những năm đầu sự nghiệp, nổi tiếng nhất trong số những phim bà tham gia có thể kể đến “Lý trí và tình cảm” (1995) hay “Thược dược đen” (2006). Về sau, bà góp mặt trong nhiều dự án lớn, như hai phần của “Sherlock Holmes” với sự tham gia của cặp tài tử Robert Downey Jr. và Jude Law, và bộ phim nổi tiếng kể về cuộc đời của vị vua mắc chứng nói lắp “King’s Speech”. Những thiết kế của bà luôn đa dạng về phong cách: từ nét Ăng-lê cổ điển trong “Lý trí và tình cảm”, cho đến những phục trang thập niên 1930 trong “Gosford Park” và tất nhiên, không thể không kể đến sự bùng nổ đầy bạo lực ở một xã hội hậu tận thế trong bộ phim “Mad Max: Fury Road”. Nhưng dù chủ đề có là gì đi nữa, mọi thiết kế của bà đều toát lên sự tỉ mỉ và tận tâm của một người yêu nghề.
Nữ diễn viên Kate Beckinsale chúc mừng NTK Jenny Beavan tại lễ trao giải của Hiệp hội Những nhà thiết kế phục trang.
“Chưa bao giờ tôi muốn thỏa hiệp với đám đông” – Jenny Beavan chia sẻ. Mọi thiết kế của bà được làm ra chỉ dành cho đạo diễn, dành cho bộ phim và quan trọng nhất, để hỗ trợ cho những diễn viên trong việc thể hiện thành công nhất nhân vật của mình. “Tôi xem mình như người kể chuyện qua trang phục. Và trong lúc thiết kế, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc khán giả sẽ có ý kiến như thế nào về mình cả. Mọi thứ tôi làm chỉ để phục vụ cho bộ phim mà thôi.”
Với Jenny Beavan, mỗi dự án đều như một cuộc phiêu lưu mới – một thử thách mới. Trong phim “King’s Speech”, Jenny có năm tuần để nghiên cứu và hoàn tất trang phục trước ngày bấm máy phân cảnh đầu tiên. Nhưng với “Mad Max: Fury Road”, bà lại được “thừa kế” rất nhiều đạo cụ và trang phục để lại từ những phần phim trước. Chúng “kinh tởm” và không giống với bất cứ thứ gì bà đã từng thực hiện trước đấy: phụ tùng xe hơi cũ, dao kéo cũ, kính cũ, một lượng lớn đạn dược và da thô.
Nhưng chỉ cần những thứ đó cùng một ê kíp làm việc, họ đã cho ra đời những phục trang tuyệt vời mà chúng ta có thể thấy được trên màn ảnh. Với cường độ cao và sự phức tạp của công việc, người bình thường chắc chắn sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng. Nhưng với Jenny, công việc chưa bao giờ là áp lực, bởi “Chúng tôi không hoảng loạn, chúng tôi chỉ luôn cảm nhận được sự cấp thiết”.
Hình ảnh khó quên của những nhân vật Bà Vợ trong bộ phim “Mad Max: Fury Road”.
Dù mọi trang phục trên phim do bà thiết kế đều cầu kì, Jenny Beavan chưa bao giờ là kiểu người thích ăn diện. Khi lần đầu đoạt giải Oscar vào năm 1987, bà chỉ mặc bộ vest trơn với điểm nhấn là chiếc khăn choàng màu vàng. Tại lễ trao giải BAFTA diễn ra trước thềm Oscar không lâu, bà xuất hiện trước báo giới trong một chiếc áo khoác da màu đen, đi kèm với áo phông, quần suôn và khăn choàng.
Thậm chí, tại buổi lễ, người dẫn chương trình Stephen Fry còn bình phẩm: “Chỉ có một trong những nhà thiết kế phục trang phim vĩ đại nhất của thế hệ chúng ta mới dám đến lễ trao giải trong bộ dạng một bà đồng nát”. Nhưng thật sự, phong cách phóng khoáng và có phần hơi xuề xòa đã trở thành thương hiệu của Jenny Beavan. Năm năm trước, khi được hỏi vì sao bà lại ăn mặc đơn giản như thế để đến dự lễ trao giải Oscar cho bộ phim “King’s Speech”, bà chỉ nhún vai nhẹ nhàng: “Tôi không hề có hứng thú với quần áo của mình, hay cả quần áo nói chung. Tình yêu của tôi dành trọn cho việc tạo nên tính cách nhân vật qua áo quần”.
Sau khi nhận giải Oscar thứ hai trong một bộ trang phục không theo quy chuẩn, Jenny Beavan nói: “Tôi không mặc váy và cũng không đi giày cao gót, vì tôi bị đau lưng! Tôi sẽ trông thật dị hợm trong một chiếc đầm dạ hội.” Động thái phản kháng nho nhỏ này tưởng chừng thật vô nghĩa, nhưng khi nhìn lại các lễ trao giải, ta luôn thấy cảnh những ngôi sao nữ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử hơn các sao nam, vô tình chịu cảnh đối đầu nhau trong những danh sách mặc đẹp và mặc xấu được “mổ xẻ” bởi hàng triệu người. Khi phụ nữ vẫn còn liên tục bị đánh giá về bề ngoài của mình, và bị phán xét khi không làm theo ý của đám đông, phong thái làm việc và lối sống của của Jenny Beavan chính là nguồn cảm hứng nữ quyền mạnh mẽ cho mỗi người chúng ta.
Nam diễn viên Tom Hardy với tạo hình nhân vật Max “Điên”.
Các thiết kế của Jenny Beavan hòa quyện một cách hoàn hảo với khung cảnh hậu tận thế trong “Mad Max: Fury Road”.
Thực hiện: Trí Võ
Ảnh: AFP, Disney, Warner Bros