“Bây giờ bà ấy chỉ còn một mình”. Cựu tổng thống Barack Obama nói với cố vấn của ông như thế. Đó là một ngày cuối tháng 12 cách đây 5 năm. Donald Trump vừa đắc cử nhiệm kỳ, trở thành vị tổng thống thứ 45 nước Mỹ. Lúc này, trong suy nghĩ của Barack Obama, chỉ còn một người có thể giữ trật tự cho một thế giới tự do, chỉ còn một người như thế trên chính trường. “Bà ấy” mà ông nhắc tới, không ai khác chính là nữ Thủ tướng nước Đức – Angela Merkel.
Tháng 9 năm 2017, sau khi đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức trong 12 năm, Angela Merkel quyết định không tìm kiếm nhiệm kỳ mới. Lúc bấy giờ, Obama đã ở thủ đô nước Đức, cố hết sức làm bà đổi ý. Ông nói rằng bà nên giữ lá cờ vì chủ nghĩa quốc tế tự do, vì thương mại tự do và nền dân chủ thế giới, ít nhất là trong 4 năm tới. Và sự thật là, ông đã thuyết phục thành công. Trong giai đoạn 2017-2021, nước Đức và cả thế giới chứng kiến nhiều nỗ lực mà Angela Merkel mang lại. Bà là người cứu rỗi Thỏa thuận chung Paris, duy trì sức ép địa chính trị lên Vladimir Putin trong khi Donald Trump đang làm điều ngược lại. Bà vốn dĩ được gọi là người đàn bà “thép” với những phán quyết lạnh lùng và cứng rắn, nhưng cũng người đàn bà “thép” ấy quyết định mở cửa đón dân nhập cư Syria. Nếu phải tóm gọn những di sản Angela Merkel để lại, tờ The Conversation nói, có lẽ là trật tự của một thế giới tự do.
Đã hết 4 năm. Nước Đức vừa tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 26 tháng 9 vừa qua. Đó cũng là lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel chính thức rời chính trường sau 16 năm cầm quyền. Nhìn lại 16 năm ấy, ta thấy gì về một “tượng đài nước Đức”?
Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, và liên tục giữ vị trí này trong 13 năm sau. Bà là nữ Thủ tướng Đức đầu tiên trong lịch sử, và cũng là người trẻ nhất đảm nhiệm vị trí này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong khi các cựu Thủ tướng liên bang Đức như Helmut Kohl và Gerhard Schröder tập trung vào chính sách nội địa, Merkel lại để ý nhiều đến chính sách đối ngoại. RFI đã dành cho những nữ Thủ tướng Đức những lời sau: “Trong 16 năm cầm quyền, tộng cộng 4 nhiệm kỳ, chưa có một lãnh đạo Đức nào như bà Angela Merkel. Bà đã bắt tay với nhiều đời tổng thống Pháp, nhiều đời tổng thống Mỹ như Georges W. Bush, Barack Obama, cho đến Donald Trump và giờ là Joe Biden, gặp cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin”.
“Chính trị gia thực dụng” cũng là một nhận xét khác về Angela Merkel. Quay ngược về cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, bà đã dùng sự can thiệp của nhà nước trên diện rộng để cứu nền kinh tế thế giới, cũng chính bà triển khai chính sách “chống thắt lưng buộc bụng” để cứu đồng Euro. Thời điểm đó, bà nói với tờ The Conversation rằng: “Tôi muốn nhiều nhất có thể cho nền kinh tế thị trường, và sẽ dùng sự can thiệp của nhà nước ngay khi cần thiết”. Quan điểm này của bà đã gợi nhớ đến chính sách chính trị xã hội ở liên bang Đức từ những năm 1960, và khi lời nhận xét đó đến tai Angela Merkel, bà chỉ nhún vai cười: “Ừa đấy, mà thế thì sao, miễn là nó hiệu quả”.
Ngoài ra, Angela Merkel cũng là một chiến lược gia độc đáo và tài tình. Trong tiếng Đức có một cụm từ gọi là “funktioneren” (nghĩa là “nó phải hiệu quả”) và đó là câu thần chú của Angela Merkel trong hầu hết vấn đề. Trong khi gần như các chính trị gia ở Đức đều là luật sư hoặc nhà kinh tế học, Angela Merkel là trường hợp ngoại lệ. Bà là Tiến sĩ vật lý, từng làm việc trong lĩnh vực hoá lượng tử. Trong chính trường, nếu có chính trị gia nào giỏi đưa ra chính sách dựa vào bằng chứng và sự thật nhất, đó chính là Angela Merkel. Thậm chí khi chọn ra bộ trưởng nội các, bà đã chọn Helge Braun, với lý do là vì ông ấy là bác sĩ y khoa, và ông ấy giỏi tập trung vào bằng chứng và sự thật. Hóa ra đó lại là một quyết định khôn ngoan, khi Braun trở thành trụ cột vững chắc dẫn dắt nước Đức vượt qua đại dịch. Những quyết định của Braun đã xây dựng nên một hệ thống y tế vững mạnh, điều rất cần khi nước Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng do Covid-19.
Vì xu hướng dựa vào bằng chứng và sự thật, Angela Merklel còn được mệnh danh là “bậc thầy trì hoãn”. Khi khủng hoảng nổ ra, bà sẽ tập trung nghiên cứu, xem xét lợi hại và đưa ra quyết định vào những giây cuối cùng. Người Đức thậm chí còn có một từ dành riêng cho tính cách đó, “Merkeln”, nghĩa là nghĩ kỹ trước khi làm.
“Bậc thầy trì hoãn”, “chiến lược gia tài ba”, “óc phán quyết dựa trên bằng chứng và sự thật”, tất cả đều là những đặc điểm của người phụ nữ tài ba này, và chúng giải thích vì sao bà được ca ngợi là một “tượng đài” nước Đức. Nhưng trong đời sống thường ngày, mượn lời tờ The Conversation, bà lại “bình thường đến ngạc nhiên”.
Là Thủ tướng Đức, Merkel được phép sống trong dinh thự tại Cổng Brandenburg nhưng bà chọn cùng chồng sống bình yên tại một căn hộ nhỏ. Mỗi khi có thời gian, bà sẽ tự tay nấu nướng. Theo tờ Business Insider, món sở trường của Angela Merkel chính là bánh mận và súp thịt bò xay. Ngoài ra, giống như hàng ngàn người dân Đức ngoài kia, bà cũng là một fan cuồng bóng đá. Từng có một bức hình ghi lại khoảnh khắc bà và chủ tịch Joachim Gauck ăn mừng trận thắng của đội tuyển quốc gia trong phòng thay đồ. Và hai người họ, theo như báo giới chia sẻ, trông bình thường và gần gũi hơn bao giờ hết.
Và có lẽ, đó chính là sức hút lớn của Angela Merkel. Trên cương vị của một chính trị gia lỗi lạc, bà có phong cách sống bình dị quá đỗi. Vị Thủ tướng Đức từng nói rằng, bà không cảm thấy mình phải tô điểm vẻ ngoài để nâng cao giá trị bên trong. Bà nổi tiếng với phong cách thời trang “16 năm như một” của mình: áo blazer và quần tối màu, kết hợp đôi giày đen và vòng cổ. Trên tít một bài báo nói về phong cách này của vị Thủ tướng Đức, tờ The Guardian đã thốt lên rằng: “Một kiểu một nhưng rất nhiều màu sắc”. Chia sẻ về lối ăn mặc này, người phụ nữ quyền lực nhất nước Đức cho rằng, như thế thì tiện hơn là phải chọn một phong cách mới cho mỗi lần xuất hiện. Chính vì tất cả những điều đó, người dân nước Đức luôn dành một sự kính trọng cho nữ Thủ tướng này.
Ngày 26 tháng 9 vừa qua, nước Đức rục rịch đón chờ một làn gió mới. Đó cũng là ngày bà Angela Merkel để lại vị trí của mình. 16 năm trước, Angela Merkel đã đứng trước Quốc hội Đức và tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ giúp nước Đức trong vòng 10 năm lọt vào top 3 quốc gia hàng đầu ở châu Âu”. 16 năm sau, Angela Merkel quyết định rời chính trường. Và trước khi rời đi, bà ít nhiều đã giữ lời hứa của mình với người dân Đức, dẫu nó đã sai lệch 6 năm.