Theo lẽ, các nghệ sĩ thường đặt tên chính mình cho một đĩa nhạc với hai lý do chính. Hoặc đó là sản phẩm đầu tay mở đường cho sự nghiệp ca hát ở trước mắt, hoặc đánh dấu một sự thay đổi về phong cách, một sự kiện trong cuộc sống,… Điển hình là Britney Spears với đĩa “Britney” phát hành năm 2001 khi quyết định giã từ hình ảnh công chúa dễ thương quen thuộc để trở thành một phụ nữ sexy, trưởng thành; hay là đĩa “Britney Jean” sắp phát hành vào tháng 12/2013, hứa hẹn sẽ là đĩa nhạc mang tính cá nhân nhiều nhất trong sự nghiệp của cô.
Riêng với Avril Lavigne thì có khá nhiều lý do để tự “khởi động” lại bản thân. Trước hết, đây là đĩa nhạc đầu tiên mà nữ ca sĩ thực hiện kể từ khi rời bỏ hãng đĩa cũ là RCA để đầu quân về cho hãng Epic của L.A. Reid. Hơn nữa, Avril cũng vừa kết hôn với nam ca sĩ nhạc rock Chad Kroeger – trưởng nhóm nhạc rock Nickelback – kết thúc quãng thời gian đau khổ vì cô đơn sau khi ly dị chồng cũ là Deryck Whibley. Do đó, người nghe thực sự hy vọng Avril sẽ tạm quên những thanh âm buồn bã, ướt át trong “Goodbye Lullaby” trước đó để tìm đến một “cái kết có hậu” cho chính mình.
Tinh thần ấy vẫn được giữ vững ở ba bài hát tiếp theo nhưng có phần hơi quá đà. Avril Lavigne biến thành một Katy Perry thứ hai với phiên bản khác của “Teenage dream”. Cô trở về với cái tuổi ô mai chìm đắm trong những mộng tưởng về mối tình đầu. “Here’s to never growing up”, “17” và “Bitchin’ Summer” đều là những khúc hoan ca về tuổi trẻ, nơi Avril Lavigne kêu gọi mọi người tận hưởng niềm vui cuộc sống. Đến những “You Ain’t Seen Nothin’ Yet”, “Sippin’ On Sunshine” hay “Hello Heartache” ở phần sau thì cô lại còn nhí nhảnh hơn nữa, nghe qua như là sáng tác để dành cho một ca sĩ tuổi teen nào đấy thể hiện.
Phần giữa của đĩa nhạc là lúc Avril Lavigne mạnh dạn thử nghiệm những âm thanh mới nhưng không hiệu quả. Trong “Bad Girl”, cô thêm một chút nu-metal vào âm nhạc của mình, cộng với phần rap từ Marilyn Manson để tăng gia vị. Giọng hát bị sửa quá nhiều, có lẽ một phần như thể nữ ca sĩ vừa “học tập” từ Lana Del Rey – vay mượn hình ảnh Lolita, trở thành “gái hư” sẵn sàng ngả vào vòng tay những gã trai già. Đến “Hello Kitty”, cô lại “tiếp thu” kiểu đọc rap chèn tiếng Nhật mà Gwen Stefani đã từng sử dụng thành công cách đây gần cả một thập kỷ với đĩa “Love. Angel. Music. Baby.” (2004). Bài hát lại lạm dụng phần “điện tử” mà hời hợt ở ca từ, chủ yếu lặp đi lặp lại câu “Kitty Kitty” như muốn tạo ra một hiệu ứng “Gangnam style” của riêng mình.
Vì vậy, “Hello Kitty” không chỉ trở thành ca khúc dở nhất trong đĩa nhạc, mà dễ dàng là một sản phẩm kém cỏi nhất trong sự nghiệp của Avril Lavigne. Bài hát cũng cho thấy rằng âm nhạc điện tử chưa phải là một lựa chọn thích hợp đối với cô trong thời điểm hiện tại. Cách cô luyến láy, bóp méo giọng lại khiến ta liên tưởng đến những đàn em sau này như Ke$ha, Cher Lloyd chứ không thể hiện được cá tính của một Avril Lavigne trước đó. Tương tự, đoạn lời đầu tiên của “Hello Heartache” khá giống với Demi Lovato, còn cách vừa hát vừa đọc rap trong “Bitchin’ Summer” chắc chắn là trào lưu đang nóng sốt từ những cuộc thi âm nhạc như X-factor.
Ở hai bản ballad “Falling Fast” và “Hush Hush” đặt ở cuối cùng, người nghe có dịp gặp lại Avril Lavigne của thời “Goodbye Lullaby” khi chìm trong những bản tình ca đầy ủy mị. Lời hát cho thấy rằng sau bao năm, Avril vẫn chỉ là cô bé 17 tuổi lúng túng trong tình yêu. Trái ngược với sự xốc nổi, ngỗ ngược ban đầu, cô trở nên yếu đuối và tha thiết kêu gọi người yêu quay trở về. Cô thừa nhận rằng đây mới là con người thật của mình, còn vẻ cứng cỏi bên ngoài chỉ là ngụy tạo: “Em vẽ lên mặt mình một nụ cười, mỗi sáng em chỉ cần có thế” (“Falling Fast”). Trong khi đó, “Hush Hush” lại còn hoang mang hơn, lúc nắng lúc mưa kiểu con gái, lòng muốn giữ nhưng miệng lại bảo đi đi.
Có một điều cần biết là phân nửa các bài hát trong đĩa nhạc đều do Avril Lavigne sáng tác cùng chồng mới Chad Kroeger, cũng là người phụ trách vai trò đồng sản xuất. Chính vì lẽ đó, “Avril Lavigne” giống như một cái bắt tay ngọt ngào giữa hai vợ chồng, một dịp để hai người làm quen và hiểu nhau hơn. Bản rock ballad “Let Me Go” là một minh chứng cụ thể. Mặc dù là single đầu tiên Avril song ca cùng một ca sĩ nhưng nội dung và giai điệu của bài hát không mới, hòa âm phối khí nhàm chán. Điểm cộng duy nhất là chất giọng của Chad khỏe khoắn và rất nam tính, có thể khai thác hơn nữa nếu tiếp tục song ca.
Chính vì lẽ đó, mặc dù mang tên “Avril Lavigne” nhưng đĩa nhạc vẫn chỉ giới thiệu lại một Avril mà người nghe vốn đã rất quen thuộc. Các ca khúc không mang lại cảm giác mới mẻ mà trái lại, có chút gồng mình và làm quá. Khi Avril đua theo thứ nhạc đang được thị trường ưa chuộng thì lại không thể tạo ra một ca khúc mang giá trị bền lâu – tương tự như những “I’m With You”, “My Happy Ending”, “Complicated”,… vốn đã đi sâu vào lòng khán giả. Thậm chí, cái phần “vui vẻ” của đĩa nhạc cũng chưa đủ nhiều để trở thành một đĩa nhạc mang tính giải trí cao. Thế nên, chỉ trong vòng một thời gian ngắn nữa thôi, “Avril Lavigne” sẽ nhanh chóng trở thành một sản phẩm lỗi thời và kém chất lượng trên thị trường băng đĩa.
Rốt cuộc, “Avril Lavigne” chỉ chứng tỏ một điều rằng dẫu đã bước sang độ tuổi 29, thì nữ ca sĩ vẫn cứ loay hoay trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ngay cả khi đã sở hữu trong tay một hãng đĩa mới và tất nhiên, một anh chồng mới.
Bài: Sơn Phước
Ảnh: Avrillavigne.com
>>> Có thể bạn quan tâm: Phụ nữ khi yêu thường sẽ thay đổi như thế nào? Muốn biết, hãy nghe thử “Prism” – đĩa nhạc mới nhất của Katy Perry: vừa dịu dàng, nữ tính, vừa nổi loạn, tha thiết.