Là hồi kết cho giai đoạn đầu của Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), “Avengers: Endgame” gây rúng động phòng vé toàn cầu, chính thức trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ hai lịch sử điện ảnh (chưa tính đến yếu tố lạm phát) với 2,189 tỷ USD sau ngày 5/5. Theo giới mộ điệu, không lâu nữa, siêu phẩm của anh em đạo diễn nhà Russo sẽ vượt mặt “Avatar”, tác phẩm của đạo diễn James Cameron độc chiếm ngôi vương suốt một thập kỷ qua.
Tính đến ngày 5/5, “Avengers: Endgame” thu 631 triệu USD tại Bắc Mỹ và 1,6 tỷ USD từ các thị trường quốc tế. Riêng ở Trung Quốc, hồi kết của giai đoạn đầu MCU đạt tổng doanh thu 576 triệu USD, lập kỷ lục doanh thu của phim Hollywood tại quốc gia tỷ dân. Bộ phim của hai anh em đạo diễn nhà Russo cũng thiết lập ngôi vương tại nhiều quốc gia khác như Malaysia, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Ethiopia, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Mexico, Colombia, Ukraine và Paraguay.
Nhanh chóng vượt mặt “Titanic” chỉ sau 11 ngày, “Avengers: Endgame” chẳng còn cách ngai vàng phòng vé bao xa. Người hâm mộ MCU càng có quyền tự hào hơn khi “Avatar” của đạo diễn James Cameron phải mất đến 47 ngày để đạt doanh thu 2,2 tỷ USD, trong khi “Avengers: Endgame” có thành tích tương tự trong vòng chưa đến 2 tuần. Như vậy, công chúng tin rằng siêu phẩm của MCU sẽ bỏ xa con số 2,8 tỷ USD – doanh thu mà “Avatar” thiết lập được sau 1 năm trình chiếu tại các rạp.
Những con số có thực sự biết nói?
Những con số doanh thu vẫn là thước đo dễ thấy nhất đối với các tác phẩm điện ảnh mang tính thương mại. Tuy vậy, sử dụng tổng doanh thu để đặt “Avengers: Endgame” và “Avatar” lên bàn cân liệu có còn khách quan khi khoảng cách thời gian lên đến 10 năm? Nếu tính đến yếu tố lạm phát, “Avatar” vẫn bỏ xa “Avengers: Endgame” với doanh thu toàn cầu 3,3 tỷ USD, “Titanic” (1997) chưa bị siêu phẩm của MCU vượt mặt nhờ doanh thu 3 tỷ USD và “Gone With The Wind” (“Cuốn Theo Chiều Gió”) (1939) dẫn đầu bảng xếp hạng tác phẩm ăn khách nhất với 3,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một thập kỷ từ 2009 đến 2019 chứng kiến sự thay đổi lớn của nền kinh tế, xã hội và văn hóa đại chúng, đặc biệt là sức ảnh hưởng của Hollywood đến các thị trường nước ngoài. Điều này giúp nguồn thu từ các thị trường quốc tế tăng lên đáng kể, đặc biệt là Trung Quốc – đất nước mang về 25% doanh thu cho “Avengers: Endgame”. Theo thống kê từ Stephen Follows, số rạp chiếu phim tại đất nước tỷ dân tăng từ 3527 rạp (2007) lên 23.592 rạp chiếu (2014) khắp cả nước, trong đó giá vé tăng 26% từ năm 2009 đến 2014.
Ngay ở Việt Nam, một thị trường đang phát triển, theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2009, cả nước mới chỉ có chưa đầy 100 phòng chiếu, chủ yếu tập trung ở Hà Nội (26 phòng) và thành phố Hồ Chí Minh (65 phòng). Hiện tại, tính đến năm 2019, chuỗi rạp CGV của tập đoàn CJ đã có đến 74 cụm rạp, Lotte Cinema với 42 cụm rạp và Galaxy chiếm 15 cụm rạp.
Ngoài ra, tuy được trình chiếu trong thời gian 1 năm, doanh thu của “Avatar” chỉ thực sự tăng trưởng vào những tuần đầu. Tại thị trường nội địa, tỷ lệ giảm lượng vé bán ra trong tuần 12 là 41%. Con số này lên đến 86% ở tuần thứ 41. Trong khi doanh thu tuần đầu công chiếu của “Avatar” là 77 triệu USD thì ở tuần cuối, phim chỉ thu hơn 27 nghìn USD. Như vậy, khoảng thời gian chiếu phim dài không đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của phim.
Điện ảnh thế giới có gì sau “Avatar” và “Avengers: Endgame”?
“Bộ phim của hai anh em nhà Russo chiều fan tuyệt đối, nhưng tôi không thực sự thích thú với tư cách một khán giả bình thường”, biên tập viên truyền hình Aisha Harris chia sẻ. Nhà phê bình phim A.O. Scott cũng cho biết, người hâm mộ không thể tìm thấy sự hoàn hảo ở một tác phẩm đơn lẻ của MCU mà chỉ bị thu hút bởi cả chuỗi phim. Kỷ lục phòng vé của “Avengers: Endgame” khó có thể được thiết lập nếu đó không phải hồi kết của hơn 20 bộ phim trước đó với 10 năm xây dựng những nhân vật được yêu thích bậc nhất rồi đặt họ vào cạnh nhau.
Trái lại, “Avatar” lập kỷ lục ngay từ phần phim đầu tiên. Thay vì hơn 1 thập kỷ đưa lần lượt các siêu anh hùng lên màn ảnh rộng như MCU, đạo diễn James Cameron mất đến 15 năm chỉ để xây dựng một nền văn hóa độc lập và thế giới tráng lệ không tưởng trên hành tinh Pandora. 80 trang bản thảo của bộ phim đã được hoàn thành từ năm 1994, nhưng đến mùa hè năm 1997, Cameron vẫn cho rằng công nghệ hiện tại chưa đủ để bắt kịp câu chuyện và lột tả đầy đủ thế giới mà ông tưởng tượng.
10 năm sau đó, đạo diễn “Avatar” tìm đến 2 họa sĩ siêu tưởng nổi tiếng Wayne Barlowe và Jordu Schell để thiết kế hình ảnh người Na’vi sau khi cảm thấy hình ảnh quét 3D vẫn chưa bắt trọn tầm nhìn tác phẩm. Năm 2009, thời điểm đứa con tinh thần của James Cameron chính thức ra rạp, công chúng như thực sự bùng nổ, truyền thông nhắc đi nhắc lại “Avatar” phiên bản 3D sẽ thay đổi lịch sử điện ảnh và nhấn mạnh: “Bạn nhất định phải ra rạp nếu muốn xem bộ phim này và trải nghiệm cảm giác 3D”.
Nhà phê bình phim Owen Gleiberman từng cảm thán, siêu phẩm của James Cameron như một giấc mơ rực rỡ và đắm đuối làm mê hồn mọi giác quan, là những tưởng tượng chưa từng có trước đây về kỹ thuật làm phim; trong khi tác giả Roger Ebert cho rằng James Cameron là người đàn ông duy nhất ở Hollywood biết làm gì với kinh phí 250 triệu USD.
Theo anh, “Avatar” không đơn thuần là bộ phim giải trí mà tạo nên cú chuyển mình của kỹ thuật điện ảnh, phim xây dựng một thế giới độc lập với sức sáng tạo sống động và kỳ công bậc nhất, đồng thời phát minh ra thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới như những gì “The Lord of the Rings” (“Chúa tể của những chiếc nhẫn”) đã làm. Không quá lời khi khẳng định, “Avatar” là cuộc cách mạng đích thực của điện ảnh thế giới, tiên phong mở đường cho những giá trị nghệ thuật mới và trở thành thước đo cho các tác phẩm cùng thể loại sau này.
Còn “di sản thực sự mà ‘Avengers: Endgame’ để lại cho điện ảnh là gì?“, chuyên gia văn hóa đại chúng Manohla Dargis của tờ The Times đặt ra câu hỏi. Đó có thể là sự thống lĩnh của thể loại phim siêu anh hùng, thế độc tôn của Disney ở nền công nghiệp điện ảnh và thay đổi trong cục diện tương lai giữa MCU và các hãng cạnh tranh. Song đến nay, vẫn chưa tác phẩm nào tạo nên cú chuyển mình vĩ đại về công nghệ và sự bùng nổ tột đỉnh cho cảm xúc của công chúng như “Avatar”. Với những gì mang đến cho điện ảnh và khán giả, bộ phim sẽ mãi mãi là một tượng đài khó xô đổ của làng phim thế giới.