Phần lớn những sản phẩm chứa chất gây dị ứng có nguồn gốc nhiều nhất từ Trung Quốc, sau đó là Thái Lan và Hàn Quốc.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học Australia cho biết gần 50% các loại thực phẩm châu Á nhập khẩu vào nước này không khai báo có chứa chất gây dị ứng ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học đến từ nhiều trung tâm và trường đại học của Australia đã tiến hành thử nghiệm 50 loại thực phẩm đóng gói bày bán trong 6 cửa hàng thực phẩm châu Á tại thành phố Melbourne, thuộc bang Victoria.
Kết quả kiểm tra cho thấy gần 46% các sản phẩm có chứa chất gây dị ứng và 18% sản phẩm chứa nhiều chất gây dị ứng đa nguyên nghiêm trọng không được liệt kê trên nhãn mác.
Các thành phần bao gồm trứng, sữa, lạc… đã được phát hiện trong các sản phẩm như súp chế biến sẵn, bánh quy, bánh gạo, kẹo…
Phần lớn những sản phẩm này có nguồn gốc nhiều nhất từ Trung Quốc, sau đó là Thái Lan và Hàn Quốc.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Andreas Lopata từ Đại học James Cook, phát hiện trên là đáng báo động đối với những người bị dị ứng nghiêm trọng, đặc biệt trong bối canh số lượng thực phẩm nhập khẩu từ châu Á đang ngày càng gia tăng tại Australia.
Ông Lopata cho rằng một số quốc gia châu Á không có quy định dán nhãn thực phẩm giống như Australia, vì vậy người tiêu dùng cần phải thận trọng.
Ông Lopata cho biết nguồn thực phẩm châu Á nhập khẩu vào Australia đang tăng khoảng 2,5%/năm.
Trong khi đó, số lượng thực phẩm bị thu hồi và tình trạng sốc phản vệ của người dân Xứ chuột túi ghi nhận ngày càng tăng.
Số người nhập viện vì dị ứng cấp tính do thực phẩm đã tăng 350% trong giai đoạn 1997-2005, và tăng thêm 150% tính đến năm 2012.
Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, cũng như đưa ra các yêu cầu dán nhãn, thông báo về chất gây dị ứng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.