Athens – Bình yên trong bão - Tạp chí Đẹp

Athens – Bình yên trong bão

Sự Kiện
Ngày 26/6

Hơn 2500 năm trước, thành phố Athens được xây dựng trên những triền núi cao trải dài đến tận ven bờ Địa Trung Hải. Trải qua bao biến cố lịch sử, những gì còn lại ngày nay chỉ còn là vết tích của những công trình kiến trúc nổi tiếng, đánh dấu một thời vàng son của Athens cổ đại.

Theo thần thoại Hy Lạp, sau cuộc thi tài với nữ thần Poseidon, Athena – con gái thần Zeus – đã được người dân chọn làm vị thần bảo hộ cho thành phố. Đó là vị thần của người dân thành Athens xưa kia, còn vị thần của chúng tôi hiện ra giữa dòng người tấp nập tại Sân bay Quốc tế Athens, với dáng vẻ thong dong và vòng tay rộng mở.

“Vị thần” của chúng tôi tên là George, chủ một cửa hiệu xe đạp điện và một quán bánh crêpe, người mà chúng tôi may mắn liên lạc được chỉ 2 ngày trước khi đến Athens. George thu xếp cho chúng tôi một căn hộ gần trung tâm thành phố. Chỉ sau hai ngày, anh dẫn chúng tôi đi khắp các nhà hàng để giới thiệu những món ăn truyền thống của Hy Lạp.

Người Hy Lạp rất thích ăn uống và họ ăn rất nhiều, đến nỗi chỉ sau 2–3 món khai vị, tôi và Guim đã no căng bụng, trong khi bữa ăn của họ gần như mới chỉ bắt đầu. Cứ như vậy, sau tuần đầu tiên tại Athens, chúng tôi đã tăng gần 2 kí lô.

Ngày 29/6

Chỉ vài ngày sau khi chúng tôi đến Athens, trên khắp các trang mạng đều đưa tin về cuộc tổng đình công sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6. Chúng tôi quyết định đi bộ đến quảng trường Syntagma, nơi diễn ra biểu tình. Lúc này là 6h chiều, cả 2 phía – cảnh sát và người biểu tình – đang tạm nghỉ giải lao. Từng nhóm nhỏ tụ tập uống cà phê, những tấm biểu ngữ được dựng tạm bên lề đường, chai lọ vứt ngổn ngang khắp nơi. 

Biểu tình tại quảng trường Syntagma


Nhưng chỉ vài bước chân từ quảng trường Syntagma, cuộc sống vẫn tiếp tục nhịp đập bình thường của nó. Người dân vẫn thong dong dắt cún cưng đi dạo trong công viên, hay dành hàng giờ trò chuyện trong các quán bar, những nghệ sĩ đường phố vẫn say sưa biểu diễn như không hề biết đến những căng thẳng chỉ cách đó vài cây số, các nhà hàng vẫn nhộn nhịp phục vụ khách, các trung tâm thương mại vẫn tấp nập người ra vào mua sắm. Nếu không đọc tin tức trên báo chí, và không đặt chân đến quảng trường Syntagma, thật khó hình dung Hy Lạp vẫn đang chìm trong khủng hoảng tài chính.

Ngày 3/7

Trong khi Guim ở nhà tìm cách liên lạc với các báo đài địa phương, thì tôi tranh thủ khám phá thành phố. Một lối đi bộ được lát bằng những phiến đá lớn kết nối tất cả những điểm tham quan trong khu phố cổ của Athens. Từ chân đồi Acropolis, tôi leo lên đền Parthenon để được nhìn tận mắt và chạm tay vào những cột đá cổ. Sau những trận động đất và đặc biệt là vụ nổ năm 1687, đền Parthenon bị tàn phá nghiêm trọng và chỉ còn lại những tàn tích như ngày hôm nay.

Tiếp tục thả bộ xuống khu Acient Agora, nơi còn lưu giữ được nhiều dấu tích nhất tại Hy Lạp, tôi bị lạc giữa khu chợ Monastriaki Flea đầy màu sắc với hàng trăm ki-ốt bày bán đủ loại hàng hóa. 9h tối tại quảng trường Monastriaki, khi tôi đang say sưa nghe một ban nhạc rock trình diễn, bỗng nhiên có một vòng tay bất ngờ ôm lấy tôi từ phía sau: “Anh có một tin vui cho em đây. Anh đã tìm được người sẽ lo toàn bộ lịch trình của mình tại Hy Lạp”. Người mà Guim nói đến chính là vị thần thứ 2 của chúng tôi tại Hy Lạp – Spiros.



Biểu diễn đường phố tại Athens


Ngày 5/7

Spiros là chủ tờ tạp chí Mbike – một tạp chí chuyên về những người đi xe đạp. Ông đã lên kế hoạch để chúng tôi có thể giới thiệu về dự án Xe đạp xanh của mình tại tất cả các thành phố trên lộ trình tại Hy Lạp, kèm theo đó là những khách sạn và nhà nghỉ miễn phí. Không thể tả hết nỗi vui mừng khi chúng tôi gặp được Spiros, vì đây là những khó khăn hàng ngày chúng tôi phải đối diện trước khi đến một thành phố mới.

Spiros giới thiệu chúng tôi với George Amiras – một người dẫn chương trình truyền hình, rất yêu xe đạp và luôn đấu tranh để xây dựng một đường đi dành cho xe đạp tại Athens. Nhờ mạng xã hội Facebook và cộng đồng những người đi xe đạp, anh đã giành được 7% phiếu bầu và trở thành thành viên của Hội đồng Thành phố. George Amiras đã làm một phóng sự về hành trình của chúng tôi trên kênh truyền hình quốc gia Hy Lạp. Anh còn đứng ra tổ chức buổi họp báo giới thiệu về dự án Xe đạp xanh tại Trung tâm Hội nghị Technopolis. Amiras chính là vị thần thứ 3 hiện ra trong hành trình của chúng tôi.

Ngày 9/7

Sau 2 tuần dừng chân tại Athens đã đến lúc chúng tôi phải tiếp tục chuyến đi của mình. Tất cả đã được lên kế hoạch, nhìn tấm bản đồ với những địa danh được đánh dấu và những mốc thời gian định sẵn, lần đầu tiên tôi có cảm giác như mình được tham gia vào một tour biểu diễn dài ngày.

Tôi vốn không tin vào những điều kỳ diệu, nhưng Athens – xứ sở của những vị thần – đã thực sự giang tay chào đón chúng tôi và mang đến cho chúng tôi những điều kỳ diệu. Như được chắp thêm đôi cánh, hành trình dài 700km đi qua Hy Lạp của chúng tôi lại tiếp tục.

Thùy Anh

Thực hiện: depweb

07/09/2011, 14:30