ASEAN với cuộc tìm kiếm bản sắc - Tạp chí Đẹp

ASEAN với cuộc tìm kiếm bản sắc

Tin Tức

Trong ngày truyền thống của ASEAN (28/7) mà lại nói về thách thức thay vì nêu những thành tựu của khối cũng là việc bất đắc dĩ. Sau cú vấp ngã vừa qua của ASEAN tại Phnom Penh, dư luận đã chứng kiến nỗ lực “chữa cháy” của ngoại trưởng Indonesia. Dù sao, điều này cũng mang lại một sự khích lệ khả dĩ nào đấy. Đành rằng, công luận khu vực và quốc tế vẫn có lý khi đánh giá “nguyên tắc sáu điểm” của ASEAN về Biển Đông đạt được hôm 20/7 thực chất chỉ là cuộc tái sát hạch chưa có mấy đột phá.

Gót chân Achill của ASEAN

Giờ đây thì mọi người càng thấy rõ, một trong những điểm yếu kinh niên của ASEAN chính là cái định chế tập thể, cái cơ chế ra quyết định trong các cuộc họp thường niên và trong quá trình vận hành thường xuyên của khối. Qua tiết lộ của truyền thông nhiều nước liên quan đến các cuộc hội nghị AMM45, cái “định chế tập thể” hay cái “cơ chế ra quyết định” ấy thật đáng quan ngại. Mọi cố gắng cao nhất của các thành viên có trách nhiệm đều không mang lại kết quả. Kể cả khi ngoại trưởng Indonesia gọi mobile yêu cầu ngoại trưởng Singapore đang trên đường ra phi trường về nước phải quay lại phòng họp.

Ấy vậy mà tại phiên thảo luận cuối cùng, vào lúc 10h30 sáng ngày 13/7, sau 20 công thức nói và viết khác nhau nhưng đều không qua được cửa ải của chủ tịch, các ngoại trưởng kiến nghị chỉ cần ghi “ASEAN kiên định lập trường như đã được phản ánh tại các hội nghị ngoại trưởng trước đây” mà cũng không được chấp nhận. 9 ngoại trưởng ASEAN nhìn nhau với sự kinh ngạc hiếm thấy khi ngoại trưởng Hor Nam Hong ôm hồ sơ bước ra khỏi phòng họp.

Nỗ lực tập thể cuối cùng nhằm cứu vãn “phương cách ASEAN” đã thất bại trước vị chủ tịch đã “nhầm lẫn” ngay từ phút đầu giữa vai trò của một thành viên trong khối với trách nhiệm của một chủ tịch luân phiên.

Ngoại trưởng Indonesia đã có lý khi ông vừa mừng vừa lo! Ông mừng vì đã giúp cứu vãn một phần, tuy muộn màng uy tín của ASEAN trong con mắt của thế giới. Nhưng ngoại trưởng Natalagewa không thể không quan ngại về những gì đang chờ đợi ASEAN tại các cuộc tái ngộ tháng 11 tới, trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á. Hàng chục các nguyên thủ và các nhà lãnh đạo nhiều nước sẽ tham dự và thảo luận một số nghị trình liên quan đến các vấn đề an ninh khu vực. Điều gì sẽ xẩy ra nếu các vụ gây hấn vừa qua tại bãi đá rong Scaborough và trong thềm lục địa của các nước thành viên, một lần nữa sẽ lại bị Campuchia gạt khỏi chương trình?

Vượt qua tình thế lưỡng nan

Đường xa nghĩ nỗi sau này… Có lẽ bài học quan trọng nhất từ thất bại mang dấu ấn Campuchia vừa rồi là, bất luận ai sẽ làm chủ tịch luân phiên ASEAN tới đây, hay bất luận ai là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, không nên đặt các nước thành viên phải lựa chọn quan điểm của nước này hay nước kia. Vấn đề chốt lại là phải lựa chọn quan điểm theo các nguyên tắc! Những nguyên tắc nào giúp thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất trong ASEAN hay nguyên tắc nào sẽ khiến ASEAN phân rã và đi đến tê liệt. Sự lựa chọn ấy có thể là ngặt nghèo nhưng nó sẽ giúp ASEAN nhanh chóng hồi phục để tiến tới!

Chủ tịch ASEAN kiên quyết gạt bỏ các vụ khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông ra khỏi dự thảo Thông cáo chung. Thế chẳng nhẽ một ASEAN năng động, một ASEAN cùng “chung vận mệnh” mà chỉ ghi các vấn đề của Trung Đông hay ở sừng Châu Phi xa xôi nào đấy vào Thông cáo, còn các vấn đề sát sườn nhất đối với các nước thành viên thì lại bỏ qua (!?) Một nguyên tắc hay một phương cách nào đó của ASEAN trước đây đã từng phát huy tác dụng, nhưng nguyên tắc ấy, phương cách ấy giờ đây đang cản trở ASEAN đưa ra tiếng nói chung, thì không nhẽ ASEAN cứ giữ mãi “cái thưở ban đầu” ấy?

Bản sắc ASEAN quyết không thể xây dựng từ nền chính trị xa-lông, hay từ những mưu toan hoạt đầu. Bản sắc ASEAN phải được thể hiện bằng chính nền chính trị của các đối tác có trách nhiệm, xuất phát từ văn hóa của các dân tộc văn minh và những giá trị tâm linh của các quốc gia ấy! Quan hệ quốc tế thế kỷ 21 này đang hình thành nên những chuẩn mực cả về đạo lý lẫn pháp lý mà tiền bạc không thể mua chuộc, đe dọa vũ lực không thể khuất phục! Đại diện của nước Chùa Tháp càng phải hiểu rõ hơn ai hết, âm mưu và bạo lực không thể “diệt chủng” các dân tộc. Sự phục hưng của Campuchia từ “những cánh đồng chết” vẫn là thông điệp chưa hết tính thời sự!

COC: trước mắt và lâu dài

Cuộc đột phá đi tìm bản sắc ASEAN nằm ở những vấn đề vĩ mô lẫn vi mô; trước mắt lẫn lâu dài. Một trong những vấn đề đó chính là cuộc hành trình đi tới bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mà ASEAN mong muốn khởi động đàm phán với Trung Quốc sớm ngày nào hay ngày ấy. Cần nhận thức rõ từ bây giờ, COC không thể là một phiên bản trá hình của Tuyên bố về ứng xử (DOC)! Con đường gập ghềnh 10 năm trước đây đi tới DOC đã cho ASEAN nhiều kinh nghiệm lẫn bài học quý báu. ASEAN còn phải phấn đấu cật lực để bản thân và thế giới sẽ không phải chờ thêm 10 năm nữa Trung Quốc mới ký COC.

Thỏa thuận được COC sớm là rất tốt, đáp ứng được mong đợi không chỉ của mười nước ASEAN. Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ là bên được hưởng lợi. Ít nhất là hình ảnh hung hãn và ngang ngược lâu nay của Trung Quốc trong con mắt của thế giới sẽ được điều chỉnh. Điều này thì không ai làm thay cho Trung Quốc được, ngoại trừ chính Trung Quốc! Campuchia, dù có kiên trì ủng hộ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông (như chính lời đánh giá và cám ơn của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì bày tỏ với Thủ tướng Hun Sen ngày 10/7, ngay trước khi khai mạc các phiên họp ngoại trưởng tại Phnom Penh) cũng không thể làm thay được!

Nhưng ASEAN lấy đâu ra sức mạnh của chính danh, thay mặt cộng đồng “chung một vận mệnh” để đàm phán với Trung Quốc? Nếu như mô hình đồng thuận của ASEAN không còn hấp dẫn như ngày nào, nếu như cái “định chế tập thể” ấy lại là lực cản đối với ASEAN? Rõ ràng còn nhiều câu hỏi cần câu câu trả lời thẳng thắn và trực diện sau đổ vỡ Phnom Penh. Thời đại dường như đã vượt qua giai đoạn ban đầu, khi ASEAN chỉ là một câu lạc bộ mở ra khoảng không gian rộng thoáng và huynh đệ, nhưng ít có năng lực hành động. Cảnh báo của cựu Thủ tướng Singapore Go Chok Tong mấy năm trước thật đáng để chúng ta suy ngẫm nhân ngày truyền thống này: Nếu ngừng lại như trong quá khứ, ASEAN sẽ bị vây hãm giữa sa mạc thời gian!

Thất bại trong ngoại giao có thể dẫn đến xung đột. Không phải ngẫu nhiên, từng có một nhận xét khác khá lạ lẫm: “Ngoại giao báo hiệu một cuộc chiến có thể xẩy ra!” Nhận xét này muốn nói tới tầm quan trọng của các cuộc đàm phán ngoại giao. Nhưng đàm phán có nghĩa là phải tương nhượng, tướng kính, dù là giữa nước lớn với nước nhỏ, dù là giữa chủ tịch với các nước thành viên. Chưa đi vào đàm phán mà đã có những tuyên bố “cắt cầu”, chưa bắt đầu thảo luận về COC mà đã khẳng định COC không phải là công cụ để để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước (?) Xem thế mới thấy con đường phía trước còn gập gềnh. Việc tìm kiếm bản sắc ASEAN thông qua COC khó thành đạt nếu tổ chức này không chấp nhận thay đổi và cải cách chính nội bộ khối!

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

30/07/2012, 08:05