Ngày Cá Tháng Tư (hay còn gọi là Ngày nói dối) diễn ra vào ngày 1/4 dương lịch hằng năm, đây là một ngày hấp dẫn đối với những người có óc hài hước và tinh nghịch. Cá Tháng Tư dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng nhiều quốc gia vẫn tổ chức kỷ niệm hàng năm như một phong tục truyền thống. Vào ngày này, mọi người thường trêu chọc nhau bằng cách tung nhiều tin đồn, nói dối hay rêu rao những câu đùa vô hại về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hoặc trêu ghẹo ai đó. Bên cạnh ý nghĩa mang lại tiếng cười sảng khoái, ở một số quốc gia, trò đùa trong ngày Cá tháng Tư lại mang những ý nghĩa riêng biệt.
- Pháp
Nước Pháp được coi là quê hương của ngày Cá Tháng Tư. Những người bị lừa sẽ bị gọi là “Poisson d’Avril” (tạm dịch: “những con cá tháng Tư”). Có lẽ do ảnh hưởng từ Pháp nên người Việt Nam chúng ta cũng gọi ngày này là ngày Cá Tháng Tư.
Vào thế kỉ 16, nước Pháp bắt đầu mùa lễ hội hàng năm vào ngày đầu tháng Tư. Trong thời gian đó, năm mới được bắt đầu từ ngày 1/4 vì ngày này được xem là buổi đầu tiên của mùa xuân. Nhưng kể từ năm 1582, dưới triều đại vua Charles IX, Giáo hoàng Gregory đã đưa ra lịch sửa đổi và năm mới rơi vào ngày 1/1. Tuy nhiên, do phương tiện liên lạc lúc bấy giờ còn rất lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết về sự thay đổi mang tính quyết định đó. Một số khác tuy biết nhưng vẫn không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1/4. Sự ngoan cố này bị xem là “ngớ ngẩn” và trở thành trò cười.
Nhóm người biết và sử dụng lịch mới đã chơi trò đánh lừa nhóm người không biết và gọi những kẻ đáng thương đó là người khờ dại, giao cho họ làm những việc vô ích và ngớ ngẩn, chẳng hạn như mời họ đến dự những bữa tiệc không hề được tổ chức hoặc lừa họ bằng những chiêu trò tinh quái khác.
Cũng từ đó, cái tên “Cá Tháng Tư” hay “ngày nói dối” chính thức xuất hiện.
Tuy câu chuyện trên có vẻ rất logic và đáng tin cậy nhưng nó vẫn chỉ được coi là một giả thuyết, nguyên nhân là do thiếu bằng chứng lịch sử và hoàn toàn chỉ dựa trên phỏng đoán của các nhà sử học. Nguồn gốc chính xác của ngày Cá Tháng Tư vẫn luôn là một bí ẩn.
Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 hằng năm đã trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland từ thế kỷ 18. Người Anh và Pháp đã mang trò đùa tháng Tư này sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá Tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước khác nhau.
Cũng vào ngày này, trẻ con Pháp thường cắt những mảnh giấy thành hình chú cá để bí mật dán chúng lên lưng bạn học, và khi người xấu số đó nhận ra trò đùa, kẻ nghịch ngợm sẽ hét lên “Poisson d’Avril!”.
- Anh
Tại Anh, kẻ nghịch ngợm sẽ bất ngờ hét lên “April fool!” (tạm dịch: “Đồ ngốc!”) khi trò đùa của họ bị phát hiện. Trong một nghiên cứu vào những năm 1950 của nhà nghiên cứu văn học dân gian Iona và Peter Opie đã phát hiện ra rằng: ở Anh và ở các quốc gia có truyền thống bắt nguồn từ Vương quốc Anh (bao gồm cả Úc) các trò đùa sẽ phải chấm dứt vào buổi trưa. Người nào cố tình đùa giỡn sau buổi trưa thì cũng tự mặc định mình là “kẻ ngốc”.
Ngoài ra, theo một truyền thuyết cổ xưa, ngày Cá Tháng Tư còn kỷ niệm con quạ đã được ông Noah phái đi để tìm đất liền sau trận đại hồng thủy.
- Scotland
Tại Scotland, ngày Cá tháng Tư xưa kia có tên gọi là “Hunt the Gowk” (tạm dịch: “Săn chim cúc cu”). “Gowk” trong phương ngữ Scotland là tên khác của một loài chim cúc cu và cũng có nghĩa là “kẻ ngốc”. Theo trò đùa truyền thống, một người sẽ yêu cầu người khác chuyển giúp đoạn tin nhắn được niêm phong có yêu cầu. Thông điệp trong tin nhắn là: “Dinna laugh, dinna smile. Hunt the gowk another mile” (tạm dịch: “Dinna cười to, dinna cười mỉm. Hãy săn chim cúc cu ở nơi khác”) và người nhận được yêu cầu sẽ tiếp tục chuyển tiếp tin nhắn đến đối tượng tiếp theo.
Ở Scotland có tới 2 ngày Cá tháng Tư. Ngày thứ hai đặc biệt dùng để trêu ghẹo sau lưng người khác nên được gọi là “Ngày vuốt đuôi”. Đây được coi là ngày phát sinh của trò đùa “Hãy đá tôi một phát”, và những người bị lừa được gọi là “Gowk”.
- Iran
Người Iran cũng trêu chọc nhau bằng các trò chơi khăm vui nhộn vào ngày thứ 13 của năm mới Ba Tư (Lễ Nowruz), thường rơi vào ngày 1 hoặc ngày 2 tháng 4. Được xác nhận tổ chức từ năm 536 trước Công nguyên, ngày lễ đặc biệt có tên là Sizdah Bedar và là trò đùa truyền thống lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Chính bởi vậy mà nhiều người tin rằng ngày Cá tháng Tư có nguồn gốc từ truyền thống này.
- La Mã
Người La Mã cổ đại có một ngày lễ mang tên Hilaria được tổ chức vào ngày xuân phân (25/3) để tôn vinh thần của sự phục sinh Attis. Cái tên Hilaria nghe rất giống từ hilarity (vui nhộn) trong tiếng Anh. Lễ Hilaria hiện nay vẫn được lưu giữ phần nào dưới tên “Ngày Cười của La Mã”. Những trò đùa là một phần không thể thiếu trong lễ hội Hilaria của người La Mã.
- Thụy Điển
Tại Thụy Điển, ngày của những trò đùa sẽ được tổ chức vào ngày 1/5. Khi một người nào đó mắc bẫy và phát hiện ra mình bị trêu ghẹo, các kẻ đùa giỡn thường hay nói “April april din dumma sill, jag kan lura dig vart jag vill” (tạm dịch: “tháng Tư, tháng Tư, bạn cá trích dại khờ, tôi có thể đánh lừa bạn bất cứ khi nào tôi muốn.”)
- Vùng Flemish (thuộc Bỉ)
Theo truyền thống của người Flemish, trẻ em được phép… nhốt giáo viên và phụ huynh vào trong phòng và đưa ra những yêu cầu để trao đổi trong ngày Cá tháng Tư.
- Mexico
Đất nước Mexico kỷ niệm ngày nói dối vào ngày 28/12. Đây là một thời khắc buồn trong lịch sử đất nước này vì đúng ngày đó, vua Herod ra lệnh thảm sát trẻ em vô tội. Vì thế, những trò trêu ghẹo chỉ mang tính chất nhẹ nhàng.
Ở Tây Ban Nha và Nam châu Mỹ, ngày 28/12 cũng có những hoạt động tương tự.
Cá tháng Tư là ngày mà mọi người có thể thoải mái nói khoác và trêu chọc nhau. Tuy nhiên ở một số quốc gia, không phải bất kỳ thời gian nào trong ngày này lời nói dối của bạn cũng dễ dàng được tha thứ.
Bạn có thể nói dối cả ngày ở Mỹ, Pháp, Ireland. Trong khi đó, theo truyền thống ở Anh, Canada, New Zealand, Áo, Úc, các trò đùa chỉ được kéo dài đến giữa trưa, ai vẫn bày các trò lừa bịp sau thời gian này bị sẽ gọi là kẻ khờ dại tháng Tư!