Áo nói

 

Bài báo kể người phụ nữ có tên Lê Thị Muộn, 81 tuổi, quê Hải Châu, Đà Nẵng, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự – một trong sáu mươi bốn anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14 tháng 3 cách đây ¼ thế kỷ. Người mẹ đó kể về đứa con trai hai mươi tuổi của mình như sau: Năm 1987, còn đang học, nhưng Sự quyết định đi bộ đội. Đăng ký xong mới thưa thật với ba mẹ, anh chị. Buổi sáng ngày 14/3/1988, thông qua đài phát thanh, người mẹ nghe thấy tên con mình trong danh sách các chiến sĩ hy sinh và mất tích sau trận chiến. Buổi chiều, ba Sự đang nằm bệnh viện điều trị cũng ra đi. Trong cùng một ngày người phụ nữ mất cả con lẫn chồng. Chuyện kể rằng sau khi Phan Văn Sự anh dũng hy sinh ngoài đảo, kỷ vật gửi về quê cho mẹ anh là chiếc áo hải quân. Người mẹ đó đã lui cui tháo ra từng mối chỉ, gập gờ chắp nối, may lại thành tấm áo cho mình, và mặc nó suốt 25 năm nay. Người mẹ nói mặc áo để nhớ con. Để hãnh diện. Để không nghĩ con mình đã mất…

Ông già kể cuộc đời ông có hai chiếc áo… kỳ cục. Đó là chiếc áo bà ba trắng một túi đã khiến ông muộn phiền, mắc cỡ suốt tuổi niên thiếu. Vì sao mắc cỡ? Vì áo bà ba nam học sinh khi đó đều hai túi, mẹ ông nghèo mua vải thiếu nên chỉ đủ may một túi cho con. Ông nói ông rất giận mẹ, căm ghét áo mỗi khi bị bạn bè trêu chọc. Chỉ khi mẹ đột ngột mất đi vì bạo bệnh thì chiếc áo mới đột nhiên trở thành kỷ niệm da diết của đời ông. Chiếc áo kỳ cục thứ hai là áo ấm cổ cao (mà) tay… ngắn. Đó là món quà người vợ trẻ tự tay đan cho chồng trước ngày ông lên tàu đi tập kết, nhưng do đan chưa giỏi, thời gian gấp rút nên vợ ông (đành) kết thúc… lưng chừng! Suốt 10 năm xa nhau chiếc áo “kỳ cục” vẫn bên ông mỗi mùa đông lạnh lẽo. Ông nói trong mỗi thứ kỳ cục đều cất chứa một câu chuyện…

“Tưởng chừng vô tri” là cái tựa báo Tuổi Trẻ đặt cho cuộc triển lãm kỷ vật do Trung tâm Văn hóa Pháp ở Huế tổ chức vào tháng Năm vừa qua. Triển lãm trưng bày mười ba kỷ vật có xuất xứ từ Việt Nam, sở hữu bởi những người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại thành phố Clermont-Ferrand nước Pháp. Nhà tổ chức cho biết khi đi tìm ý tưởng cho triển lãm, họ bắt gặp những chiếc lồng chim bằng tre, sản phẩm của làng nghề Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Ðiền, Thừa Thiên – Huế, thấy chúng rất phù hợp với tinh thần “gói ghém kỷ niệm” nên quyết định sử dụng. 

Bên trong những chiếc lồng đóng-nhưng-mở ký ức ấy, như báo tường thuật “Có thể là chiếc áo vest cũ do người bố trong giai đoạn khốn khó đã không bán đi, trở thành kỷ vật của đàn con sau khi ông qua đời. Một chiếc áo dài – món quà của người mẹ chồng quá cố. Một đôi giày nhung của một người mẹ mà lúc sinh thời, bà chỉ mang nó trong các dịp lễ như hầu đồng thánh mẫu…”. Bài báo nhận xét việc đặt các hiện vật vào trong những lồng chim kèm theo lời giới thiệu khúc chiết, dễ thương là cách tổ chức thông minh, giúp người xem chạm đến những thông điệp lớn lao, vượt ra rất xa ngoài những hiện vật tưởng chừng vô tri đang treo trên bốn bức tường. Và đây là câu chuyện đứa cháu Mai Thy Veyssler kể về chiếc áo của người bà mới qua đời: “Chiếc áo này bà tôi may tại Việt Nam vào đầu những năm 1970, bà rất thích và đã mang theo nó cùng một số ít hành trang khi lên tàu rời xa đất nước. Ðến định cư tại Pháp nhưng bà vẫn mặc chiếc áo này trong nhiều năm nữa. Chiếc áo là gạch nối giữa cuộc đời bà lúc trước và sau này, còn đối với tôi, chiếc áo mãi mãi là hình ảnh của bà tôi. Mong rằng hôm nay chiếc áo này có thể được giới thiệu cho mọi người ngay trên đất nước của nó như một sự trở về chính đáng, và cũng là cách để tôi tỏ lòng kính trọng đối với bà và cuộc sống tốt đẹp của bà”.

Câu chuyện về chiếc áo của người Việt trên đất Pháp làm chị nhớ chiếc áo trong lần tới thăm trại Sainte Livrade – nơi tập trung những gia đình Việt Nam bị đưa sang Pháp sau hiệp định Genève. Một trong những nơi chị ghé qua là phòng thông tin của trại với đăng đê đồ dùng văn hóa dành cho triển lãm, hội lễ: tranh ảnh, hoa giấy, khẩu hiệu, lân, vật phẩm mỹ nghệ, mây tre lá… Phụ trách phòng khi đó là người đàn ông đứng tuổi, lai Pháp. Tám năm đã trôi qua, chị quên mất tên ông nhưng không thể quên hình ảnh chiếc áo dài màu kem có hình hoa cúc với hai ống tay căng ra, treo nghiêm ngắn ngay sát sau bàn làm việc của ông ta. Thấy chị ngờ ngợ nhìn, người đàn ông quay lại sờ tay lên thân áo, giọng âu yếm: “Áo của mẹ tôi đó. Bà mất đã hơn ba năm…”. Chị nhìn lại hai cánh tay trên vách, thấy như nó đang ôm đứa con…

Con gái 19 tuổi tự dưng xin mẹ cho thêm cái ruột gối. Mẹ hỏi để chi. Con đỏ mặt để… chơi. Vậy rồi một ngày mẹ phát hiện chiếc gối thứ hai không được bao vỏ như chiếc gối lâu nay con vẫn dùng, nó được mặc… áo pull nam trắng. Mẹ tủm tỉm áo… người ta phải không. Con tủm tỉm sao mẹ biết. Mẹ ngắm áo trên gối, thấy ui chao dễ thương… 

Bài: Việt Linh


From the same category