“Áo mùa đông” đủ màu của Tùng Dương

Tùng Dương thăng hoa trên sân khấu “Áo mùa đông – Concert”

“Áo mùa đông – concert” của Dương thể hiện sự chọn lựa trưởng thành của người đàn ông tuổi 30, người đàn ông “chắc chắn một ngày không xa sẽ làm bố” (lời Tùng Dương). Anh đã mang những ấm áp về lại trong thành phố, ở một buổi tối mùa đông khá lạnh của thủ đô, bằng những chia sẻ qua giọng ca của riêng mình và bè bạn.

Hiếm có ca sĩ Việt nào, theo đuổi đến tận cùng một con đường không dễ đi, một dòng nhạc “kén” người nghe, lại có đủ tự tin mỗi năm làm hai show riêng (hai năm liền), đều bán hết vé như Dương. Tùng Dương giờ đã trở thành cái tên không xa lạ với những người có thói quen nghe nhạc ở Hà Nội. Kể từ “Những chuyến đi” (2012), Tùng Dương đều đặn tổ chức những concert riêng cho mình. Mỗi năm, anh có một concert  thỏa mãn “cơn khát” của người ham tìm kiếm, một concert để gặp gỡ và mở rộng khán giả cho mình, bằng những bài hát đã quen thuộc, mà Dương gọi là tình ca. “Áo mùa đông – concert” là một chương trình Dương vừa dành để mở rộng, vừa thuyết phục, rủ rê thêm người nghe đến với con đường “độc đạo” của riêng mình.

Chương trình với kết cấu ba phần: phần một – bài ca đi cùng năm tháng với những bản tình ca gắn với nhiều thế hệ người Việt: “Lời ru mùa đông”, “Gửi người em gái”…; phần hai – những bản tình ca mới, trẻ trung hơn: “Nỗi nhớ mùa đông”, “Những mùa đông yêu dấu”, “Ru em”, “Trăng khuyết”… và phần ba là những ca khúc trong dự án “Độc đạo”, Dương hát trên tiếng đàn của Nguyên Lê và những người bạn đến từ Pháp.

Nhưng cả ba phần đó được tiếp nối với nhau bằng mạch kể của một người có tâm hồn bắt rễ rất sâu trong văn hóa Việt, để rồi sau  đó tìm về với chính nguồn cội của mình.

Nam ca sĩ hát cùng bố, trong ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông”

Tùng Dương khéo léo kết nối các phần trong chương trình bằng các tiết mục đặc biệt. Dương chuyển từ những bản nhạc “xưa” với “nay” bằng cách hát với khách bố đẻ của mình. Người bố như một nhân vật trung gian, mà tự thân sự xuất hiện của ông đã là một mạch chuyển duyên dáng. Lần đầu, những bí mật về “gen” di truyền của Dương được bố công khai trước hàng nghìn khán giả. Ông hóm hỉnh trêu đùa, vì Dương thừa hưởng được gen nghệ thuật từ bố nên đành chấp nhận gen nhan sắc “không bằng người” của mẹ. Khi chuẩn bị hát cùng con trai ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông”, bố của Tùng Dương còn khuyên con suy nghĩ lại: “Tôi sợ anh mời tôi hát là không hay đâu, bởi sau khi nghe tôi hát, bao nhiêu fan hâm mộ của anh lại chuyển hết sang tôi”. Trước lời trêu đùa của bố, Tùng Dương chỉ biết cười nghiêng ngả cùng khán giả. Giọng ca tài tử của ông đã lấy được tình cảm của nhiều người nghe, và qua câu chuyện của ông, nhiều người đã hiểu hơn, để có được thành công đặc biệt trong nghệ thuật ngày hôm nay, Dương được thừa hưởng và nuôi dưỡng thế nào trong một gia đình yêu nghệ thuật.
 

Tùng Dương và Nguyên Thảo chinh phục người nghe trong hai tiết mục song ca đặc biệt: “Trăng khuyết” và “Đêm nằm mơ phố”

Màn kết hợp với khách mời thứ hai Nguyên Thảo, trong những  bản song ca chưa-từng-hát-cùng-nhau của giọng ca Đà Lạt và ca sĩ Hà Nội, khiến cả khán phòng im phăng phắc, rồi sau đó chỉ biết vỗ tay rền vang. Hiếm khi Dương tiết chế mình đến thế, như lần hát cùng Nguyên Thảo này, trong một ca khúc “hit” từ thủa đầu lập nghiệp – “Trăng khuyết”. Tiết mục kết hợp khó đoán lại gây hiệu ứng đặc biệt. Tùng Dương đã cùng Nguyên Thảo “thổn thức” với những vui buồn cùng trăng. Nhưng chưa hết, khi cả hai hát “Đêm nằm mơ phố”, khán giả lại một lần nữa thăng hoa cùng hai giọng ca đã đến độ “chín” đẹp nhất, từ những nốt trầm, đến những nốt cao vút đều được thể hiện đầy tinh tế. Một người phụ nữ đã làm mẹ, một người đàn ông ở tâm thế sẵn sàng làm cha gặp gỡ, khiến ca khúc vốn được ghi nhận thành công bởi những sự kết hợp trong trẻo bỗng biến thành giấc mơ ấm áp, ngọt ngào với khát khao rất thật, rất gần. Nguyên Thảo thổ lộ rằng, Dương rất đáng yêu khi chia sẻ trong lúc tập với cô rằng: “Tớ sẽ để Thảo hát những đoạn, những nốt giúp Thảo thể hiện được giọng ca đẹp nhất”.

Nguyên Lê và Tùng Dương kết hợp ăn ý trên sân khấu “Áo mùa đông – concert”

Đến “Độc đạo”, Dương được bung phá với những người mà anh tự nhận là “tri kỷ” trong nghệ thuật. Tùng Dương hát “Con ốc”, “Giăng tơ”, “Thể đơn bào”, “Độc đạo”… Đây không phải lần đầu khán giả thủ đô được xem, nghe màn kết hợp này, nhưng ngón đàn ma mị của Nguyên Lê, giọng ca ma mị của Tùng Dương đã một lần nữa được thắp lên cùng nhau, trên một sân khấu được thiết kế dành riêng cho sự trở lại của những người bạn Dương tìm thấy trên con đường độc đạo. Ngoài những tiết mục trong dự án “Độc đạo”, Nguyên Lê còn giới thiệu bản hoà tấu “Money” trong sản phẩm âm nhạc mới của mình.

Chương trình khép lại, Dương vẫn nhận được nhiều lời năn nỉ “hát nữa đi”, nhưng như đã “hứa” trước concert, Dương không hát thêm, để khán giả buộc phải thèm thuồng, chờ đón những lần gặp gỡ sau.

Sân khấu với hình ảnh về những biểu tượng của bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng cổ, được thiết kế dành riêng cho phần ba của chương trình

Với “Áo mùa đông – concert”, Tùng Dương đã dần xóa nhòa khoảng cách của những khán giả thích nghe Dương hát tình ca và khán giả của “Độc đạo”. Đây dường như là chủ đích của Dương, từ lâu, và Dương đang dần làm được mong muốn đó của mình.

Sau 10 năm, Dương đã bớt “quái” và tỉnh táo hơn trên con đường mình đi. Sự tỉnh táo và khôn ngoan đó có thể có người thích, người không, nhưng rõ ràng, Dương mỗi ngày lại đến được gần hơn, với số đông, nhưng vẫn không mất đi bản ngã và sự kiên định của riêng mình. Mùa đông này, khi khoác lên mình chiếc áo nhiều màu trong “Áo mùa đông – concert”, Dương đã mang những ấm áp về lại trong thành phố, và người viết cũng tin, Dương thấy ấm áp trên con đường độc đạo của riêng mình.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Hải Bá


logo


From the same category