“Anora” – “Trót” tin tình yêu và cái bẫy của bao bi hài

Một người đàn ông giàu có yêu một cô gái làng chơi. Mô-típ quen không? Rất quen. Chúng ta hẳn còn nhớ khi Richard Gere phóng chiếc limo trắng đến gặp Julia Roberts trong phân cảnh cuối của “Pretty woman”. Đó là một trong những cảnh tình kinh điển. Lãng mạn vô cùng và phi thực tế không kém. “Anora” cũng mang một mô-típ tương tự: Vanya, người thừa kế duy nhất của một tài phiệt Nga đem lòng yêu Ani, một vũ nữ thoát y. Họ cũng thề thốt, cũng hứa hẹn, cũng vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh. Nhưng đời không như là phim, khi tay sai của cha Vanya tìm đến để giải quyết hậu quả, cậu ta không bảo vệ Ani. Cậu ta chuồn thẳng.

“Như thế là điên”, lý trí bảo

Có một bài thơ của thi sĩ người Áo Erich Fried như thế này:
Như thế là điên, lý trí bảo
Như thế là như thế, tình yêu nói.
Như thế là bất hạnh, toan tính bảo
Như thế là khổ đau, nỗi sợ bảo
Như thế không có tương lai, hiểu biết bảo
Như thế là như thế, tình yêu nói…

Ani không phải là Lọ Lem. Cô còn dưới cả Lọ Lem nữa. Cô gặp Vanya, không thể tin rằng một “rich kid” quyền lực đến vậy lại yêu mình, nhưng dường như mọi bằng chứng đều cho thấy không có gì phải nghi ngờ tình yêu này cả. Một chuyện mà lí trí, toan tính, nỗi sợ hay hiểu biết nơi cô hẳn đều cản lại: thế là điên, là bất hạnh, sẽ chỉ có khổ đau, sẽ không có tương lai. Nhưng Ani vẫn chọn liều mình. Sẽ có người hỏi: đấy có thực là tình yêu, hay chỉ là sự lóa mắt của một cô gái nghèo dưới đáy cùng xã hội, khi thấy cảnh sống trong mơ cũng chưa từng thấy? Cũng có thể Ani đã nhầm ngay từ đầu, có thể cô đã không yêu như cô nghĩ, nhưng cô đã đánh cược vào việc tin rằng nó là tình yêu – thứ duy nhất có khả năng cứu rỗi con người, như người ta bảo (tình yêu chẳng phải đã cứu cả Richard Gere lẫn Julia Roberts trong “Pretty woman” đó ư?). Yêu thật hay giả cũng được, quan trọng là Ani đã tin vào tình yêu, và đó là bắt nguồn của mọi bi kịch cũng như hài kịch.

Đời là bi kịch hay hài kịch?

“Anora” là bộ phim nghiệt ngã một cách hài hước. Rất nhiều thời điểm, ngay khi ta nghĩ rằng nó sẽ lên đến cao trào mâu thuẫn thì bộ phim lại khiến ta bật cười vì sự vụng về, sự vô năng, sự hậu đậu của những nhân vật: cô vũ nữ thoát y Ani đã đành, còn có cả người đàn ông Armenia được thuê về chăm nom cho Vanya khi cậu sống trên đất Mỹ, cả hai anh chàng cận vệ Igor và Garnik của Vanya… Phim thường xuyên rơi vào cảnh ồn ào, rối ren, âm lượng của những cuộc nói chuyện tăng vô cực, các nhân vật hét vào mặt nhau, tranh cướp lời nhau, mỗi người một phách, như một nhóm tứ tấu lộn xộn, đầy những nghịch âm.

Trên chuyến hành trình xuyên đêm đi tìm cậu ấm Vanya, các nhân vật ấy bị buộc vào nhau bất đắc dĩ, mỗi người một mục đích khi tìm Vanya nhưng sau cùng họ lại rất giống nhau: cả bốn đều trong cơn bĩ cực, và việc tìm lại được cậu ấm phá gia chi tử kia trở thành ngọn hải đăng hy vọng duy nhất của đời họ. Còn cuộc đời nào có thể tầm thường hơn thế, khi tất cả mọi lẽ sống đều đặt vào một thằng nhóc trẻ trâu nghiện ngập, hư hỏng, phá phách, không mục đích sống? Chúng ta rất hay đặt lẽ sống của mình vào những điều không đáng, nhưng nếu không đặt vào đó, họ biết đặt vào đâu?

Cái kết Chekhov

Bất chấp tất cả những khiếm khuyết, khán giả vẫn có thể sẽ tha thứ cho “Anora” chỉ vì cảnh cuối, một cảnh phim đủ sức nhấc một bộ phim bình thường lên thành một bộ phim hay. Lúc này, hoàng tử lại về làm hoàng tử và vũ nữ lại về làm vũ nữ. Ani rời khỏi ngôi nhà giàu có. Anh chàng cận vệ Igor đưa chiếc nhẫn cưới mà gã ăn cắp được từ tay sếp mình cho Ani. Cô quyết định trả ơn anh ta bằng thân xác. Nhưng khi Igor định hôn lên môi Ani, cô liền gục xuống vai anh mà khóc.

Một phân cảnh diễn ra trong không gian kín bưng của chiếc xe hơi. Mưa rơi bên ngoài. Và chỉ có hai tâm hồn va vào nhau giữa bầu không khí chật chội. Một khoảnh khắc gần như chạm đến phần yếu đuối nhất của con người, bơ vơ nhất, thảm thương nhất, không một manh giáp nào phòng vệ. Ta nhận ra mình thật sự là ai và yếu ớt đến nhường nào, ta tan vỡ, chẳng còn biết mình đang ở đâu, với ai, sao cũng được. Một cảnh sâu thẳm, đột ngột, sáng lên rồi vụt tắt như thường thấy trong những truyện ngắn của Chekhov. Khi con người không còn nơi nào để trốn vào nữa, chỉ có nỗi lòng ập xuống.

Đạo diễn: Sean Baker
Diễn viên: Mikey Madison, Mark Eydelshteyn, Yura Borisov
Giải “Phim hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”, “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”
và “Dựng phim xuất sắc nhất” tại Oscar 2025

From the same category