Người ta nói nếu mỗi quốc gia được định cho một giới tính, thì nước Pháp chắc chắn sẽ là một người phụ nữ. Không chỉ là một người phụ nữ, nói như một vị trung úy, “Nước Pháp là nữ anh hùng trong tình sử của mọi quốc gia suốt mọi thời đại”. Nhưng sẽ thế nào nếu như một người phụ nữ Pháp kể một câu chuyện trong đó cô không phải anh hùng, và câu chuyện của cô đầy tình yêu nhưng không hề lãng mạn?
Annie Ernaux khác với mọi nữ anh hùng của truyền thuyết Pháp. Bà không khoáng đạt và hừng hực tự do như người đàn bà ngực trần cầm cờ dân tộc trong bức tranh “Tự do dẫn dắt nhân loại” của Eugène Delacroix. Bà không phải nàng trinh nữ ái quốc như Jeanne xứ Arc. Bà đầy mặc cảm và hổ thẹn, luôn quá soi mói với mọi người và xét nét với chính mình. Sự dũng cảm của bà cũng khác sự dũng cảm của những phụ nữ kia. Họ chiến đấu với những thế lực bên ngoài để bảo vệ một điều gì đó vĩ đại hơn chính họ. Annie Ernaux chỉ chiến đấu với ký ức và thói cả nghĩ của mình.
Lấy chính cuộc đời của bản thân như một tiêu bản nghiên cứu một thời đại, mọi cuốn tiểu thuyết của Annie Ernaux đều mang tính tự truyện. Trong “La place” (Một chỗ trong đời), bà kể về cha bà. Trong “Une femme” (Một người phụ nữ), bà kể về mẹ bà. Trong “Passion simple” (Cơn cuồng si), bà kể về lần ngoại tình ở tuổi trung niên với một cán bộ Liên Xô. Trong “L’Événement”, một lần phá thai bất hợp pháp. Trong “Mémoire de fille” (Hồi ức thiếu nữ), lần quan hệ thể xác đầu tiên. Trong “La honte” (Nỗi nhục), lần cha bà bạo hành mẹ bà… Chỉ một lần duy nhất trong đời Annie Ernaux dùng ngôi thứ ba để kể truyện, còn đâu tất tật hơn hai chục tiểu thuyết bà đều xưng “je” – tôi.
Tên đầy đủ của Ernaux là Annie Thérèse Blanche Ernaux. Chữ “Blanche” theo tiếng Pháp nghĩa là “trắng”. Phải chăng màu sắc trong tính danh đã trà trộn vào phong cách viết của bà: écriture blanche – viết trắng, một hình thức văn chương tối giản, thoạt nhiên có vẻ thờ ơ và lãnh đạm, như một tường thuật viên quan sát nỗi đau từ xa chứ không phải chủ thể của nỗi đau.
Annie Ernaux đã bắt đầu “Nỗi nhục” bằng câu thế này: “Bố tôi đã định giết mẹ tôi vào buổi chiều một Chủ nhật tháng Sáu”. Còn câu mở đầu của “Cơn cuồng si” là: “Hè năm nay, lần đầu tiên tôi xem một bộ phim thuộc loại X trên tivi, kênh Canal+”. Và trong “Một người phụ nữ”: “Mẹ tôi mất vào thứ Hai ngày 7 tháng 4 tại nhà dưỡng lão thuộc bệnh viện Pontoise, nơi tôi đã đưa bà vào cách đây hai năm”.
Dù là một sự kiện thấm đẫm bạo lực, một trải nghiệm thị dâm hay ký ức về cái chết – những tình huống đáng phải gây cho người ta những cơn sóng thần cảm xúc, thì ở Ernaux, ta như chẳng thấy một vệt xúc cảm nào. Mọi thứ diễn ra như nó phải thế. Thuần túy là những dòng thông báo kết hợp từ danh từ, động từ, trạng từ. Không một tính từ. Bà không đòi hỏi ta phải yêu bà, phải thấu hiểu và thông cảm cho bà. Dù kể về mình, bà là nhà văn hiếm hoi không vị kỷ.
Lối viết phẳng, không ẩn dụ của Ernaux là cách bà giao tiếp với cha và mẹ, một người từng làm nông dân và một người từng làm công nhân, rồi thành chủ một tiệm tạp hóa rẻ tiền ở Normandy. Họ quê mùa, nghèo túng, thiếu giáo dục, đáng xấu hổ, không biết Van Gogh là ai. Mỗi khi viết thư cho cha mẹ, Annie Ernaux đều phải viết nhạt nhẽo nhất có thể, mọi nỗ lực hoa mỹ hóa khiến khoảng cách giữa bà, một trí thức, trở nên xa khỏi gia đình. Đến khi bước vào văn giới, bà vẫn giữ lối hành văn như thế, có lẽ là để “trả thù cho những người dân của tôi” – như trong diễn từ đoạt giải Nobel, cộng đồng lao động chân tay luôn bị loại ra khỏi đầu ta mỗi khi tưởng tượng về nước Pháp duyên dáng, nước Pháp tinh hoa, nước Pháp khai sáng.
Xuất thân là nguồn gốc “nỗi nhục” của Ernaux. Nỗi nhục ứ đọng, khiến bà luôn khum mình trong cả quan hệ ái tình. Khum mình đến mức nghĩ rằng nếu như người đàn ông đã bỏ đi để lại cho bà một cái gì đó như là HIV, thì cũng còn hơn không gì cả. Đến mức không dám rũ bỏ một chàng trai, chỉ vì anh ta đã tỏ thái độ hứng thú với mình. Đến mức đã viết chỉ vì sợ nếu không viết, cái áo choàng tắm vải bông mà một người tình từng cởi ra và để lại nhà bà, một mai sẽ bị chính bà lãng quên. Đến mức tìm đường về nơi mình từng lén phá thai, những mong nỗi đau ấy sẽ xua đi nỗi đau mất một người tình.
Một năm trước khi Ernaux được trao giải Nobel, bộ phim “L’Événement” do nữ đạo diễn Audrey Diwan chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của bà nhận được giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice. Cô gái Annie trẻ dại trót mang thai ngoài ý muốn. Cô tìm cách để phá thai nhưng không một bệnh viện nào chấp nhận. Tuyệt vọng, Annie tìm tới địa chỉ một người hành nghề phá thai chui. Tác phẩm của Diwan cũng chân thật hệt văn phong của Ernaux vậy. Những cảnh phim lạnh lùng đến điếng người như khi Annie tự dùng một thanh thép đưa vào tử cung để lấy thai nhi, hay cảnh khi những bọng máu ục xuống trong bồn cầu, chúng rùng rợn hơn bất cứ bộ phim body horror (kinh dị cơ thể) nào. Dẫu sao dòng phim body horror cũng chỉ là giả tưởng.
Một tác phẩm như “L’Événement” khiến Annie Ernaux được xưng tụng là một nhà nữ quyền. Một nhà nữ quyền không bằng cách hô hào, mà bằng cách kể truyện. Đó là truyện của “je” – tôi, nhưng cái tôi đó không chỉ là một mình Annie Ernaux, mà đúng hơn là cái tôi phiếm chỉ. Đó là ký ức của bà, song lại vang vọng như ký ức tập thể của những người phụ nữ đã sống trong giai đoạn những năm 60 ấy. Từ nỗi tò mò về chiếc băng vệ sinh dính máu đến hình ảnh cận cảnh một bộ phim khiêu dâm hay niềm hứng thú với bức tượng David trần truồng của Michelangelo, tất cả những thứ vốn bị cho là phải giấu đi, Annie Ernaux đều kể ra. Kể cả cái lần bà đánh rơi một bên kính áp tròng lên dương vật một người tình.
Thú nhận và phơi bày mọi lạc thú, ô uế và dằn vặt là cách Annie Ernaux nói rằng “tôi tồn tại”, và những người phụ nữ như bà đang tồn tại.
ANNIE ERNAUX
– Sinh năm 1940
– Giải thưởng Prix Renaudot năm 1984
– Giải Nobel văn chương năm 2022
– Các tác phẩm của bà đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng