Ảnh, sách, cà phê: Không gây đau như tình yêu

Cà phê, với tôi, là niềm an ủi lớn. Thì sách và ảnh cũng thế. Tôi không kể tình yêu vào đây: tình yêu thì chắc là vui nhất, nhưng ta lại luôn phải đối mặt với nguy cơ đau nhất. Ảnh, sách, không làm ta tổn thương. Cà phê cũng vậy, không làm bội thực hay ngộ độc.

 

Khi chụp ảnh, giống như người nghiện cà phê vừa uống xong nơi tiệm này vẫn cứ gọi cà phê khi vào tiệm khác, tôi cứ chụp mải miết không điểm dừng. Chắc là chỉ dừng khi hết phim dự trữ, hay là máy hết pin, hoặc là hiếm lắm, thì mất hứng nửa chừng. Chuyện mất hứng khó xảy ra nếu như ta đã định chụp người ta yêu quý, cảnh vật ta yêu thương, cũng như chẳng đến nỗi bỏ dở ly cà phê khi ta đã chọn quán biết trước có cà phê ngon. Bỏ dở, nếu có, thì chỉ vì cà phê đậm quá.

Tôi rất yêu máy ảnh nhưng gần đây thì dường như lòng yêu đã giảm đi ít nhiều, hoặc là những chiếc máy yêu được thì tôi đã có hết. Ra Hà Nội, tôi cầm theo đúng một chiếc Leica M6. Chụp test cho dự án ảnh, tôi lấy Hasselblad. Ngưng chụp máy số, bất kỳ máy nào, hiện đại đến đâu. Tôi trở về với phim, với thuốc tráng hăng nồng và những bản scan không chỉnh sửa, như một cái thú không dứt ra được. Chụp ảnh phim là về với niềm yêu thơ ngây và nguyên vẹn. Chụp, tôi nhớ lại những đêm thức trắng đọc sách kỹ thuật nhiếp ảnh, phương pháp buồng tối, xem mê mải những số tạp chí nhiếp ảnh mua ở hiệu sách cũ. Tôi nhớ lại những tháng ngày dài ở Lab 78 Nguyễn Huệ, nơi tôi lui tới mấy lần trong ngày để làm ảnh, mua phim, tán gẫu. Tôi nhớ lại những đoạn phim chụp hỏng, những thước phim quăn queo kẹt trong máy, những bức ảnh in phóng bé xíu 9×12 cm chỉ để đăng báo trắng đen.

Tôi nhớ lại các nhân vật tôi đã chụp, Mỹ Lệ áo dài, Trần Mạnh Tuấn dép lê, Từ Huy áo polo sọc, TikTikTak trên xe hơi cổ, Lê Quang soi mặt vào gương chiếu hậu xe máy, Trần Thu Hà áo liền quần và Kim Khánh cầm đàn bass. Giờ đây, bao nhiêu năm sau, tôi vẫn cứ xúc động mỗi khi chụp ai đó, nỗi xúc động diễn ra không có điểm dừng. Ký ức chỉ góp phần vào rung động, còn lại là sự ngạc nhiên sung sướng vì mình tự nhiên được trở lại ngây thơ.

Gần đây tôi mới chấp nhận cà phê Hà Nội. Vốn dĩ, cà phê ở đấy pha đậm và có vị mặn. Quen gu Sài Gòn, uống cà phê Hà Nội chỗ nào cũng thấy mặn, từ quán vỉa hè đến tiệm sang. May thay, tôi có bạn cà phê tốt – hóa ra cà phê cũng như rượu, rượu ngon cần có bạn hiền. Cà phê bớt mặn đi, bớt đậm; những câu chuyện miên man với bạn khiến cho thứ đồ uống gay gắt này trở nên dễ nuốt hơn, và một cách nào đó cũng làm tốt vai trò niềm an ủi. Duy cà phê thì không thể cạn ly như rượu.

Trước kia tôi không hiểu vì sao chẳng bao giờ uống nổi cà phê pha ở nhà. Vẫn là loại cà phê ngon nhất (chắc chắn ngon hơn các loại ngoài quán), vẫn được phục vụ (hoặc mẹ tôi, hoặc người giúp việc), vẫn yên ắng thanh bình (chắc chắn yên hơn bầu không khí quán xá), mà không muốn uống. Nhiều khi cà phê pha ra, để cho nguội ngắt, rồi lại ra quán. Sau này, tôi mới nghiệm ra rằng tôi cần một người uống cùng, một bạn-cà-phê, một người kể chuyện hay đơn giản là chỉ ngồi đó cho tôi ngắm: ở nhà không có được, thì đồ uống trở nên nhạt nhẽo.

Ở trên tôi nói chưa chính xác. Sách dở vẫn có thể làm ta tổn thương. Hôm qua tôi dạo nhà sách, sách dịch Trung Quốc bình dân và truyện Nhật có hẳn hai quầy lớn, tôi nhặt vài cuốn, giở qua loa rồi đặt xuống. Cho dù cố quên đi những cái bìa làm xấu, thì văn chương ý tứ cũng không thể nào hấp dẫn nổi. Trung Quốc 8x thì lê thê phù phiếm, Nhật 7x thì sơ sài vụn vặt. Tôi chịu. Thà đọc lại (không biết lần thứ mấy) những Cao Hành Kiện, Vương Tiểu Ba, Kawabata, Murakami cho yên lành.

Dạo này tôi đọc văn chương Anh/Ái Nhĩ Lan. Say mê Kazuo Ishiguro, tôi nghiền ngẫm “Nocturnes” hàng đêm. Tôi đọc John Banville. Tôi đọc Zadie Smith (On Beauty) và Stef Penney (The Tenderness of Wolves). Muốn vui, thì đọc “Changing Places” của David Lodge, hay “Ba Gã Cùng Thuyền” (Chưa Kể Con Chó) của Jerome K. Jerome. Đắm chìm trong sách, xét về nhiều mặt thì vẫn không bội thực hay ngộ độc như chìm trong tình yêu?

 

Bởi vì như một quy luật không thể cãi lại, không thể thay đổi, tình yêu là thứ ta tưởng là cầm nắm được hóa ra chỉ nhấn chìm ta. Trong khi đó, ta không “tưởng là” cầm nắm được sách, ảnh, cà phê – ta mặc nhiên để chúng dẫn ta đi, ta tin chúng ngay từ đầu, ta không cố sức kiểm soát và điều khiển chúng.

Chuyện gì, biết ngay từ đầu, chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu cũng tốt và nhẹ lòng hơn.

Quốc Bảo


From the same category