Thời thế còn tạo ra những kẻ a dua, a tòng. Những kẻ đó cùng với tâm lý bầy đàn, tạo thành một đám đông. Còn tâm lý đám đông lại là một thứ kỳ lạ và đặc biệt dễ bị lợi dụng.
Chương trình Ape Man trên NatGEO có một thí nghiệm minh họa rất hay về tâm lý bầy đàn và mong muốn được nhập nhóm của con người, dù đã qua thời kỳ nguyên thủy rất lâu. Đối tượng thí nghiệm không biết mình đang bị theo dõi bằng camera. Người ta để cho đối tượng thí nghiệm bước vào thang máy trước, một nhóm 4 người của chương trình bước vào thang máy sau.
Hình ảnh minh họa cho chương trình Ape Man
Tương tự, khi ta dừng đèn đỏ ở sát vạch, tuyến đầu, nếu những người xung quanh – mặc dù chưa đến đèn xanh – đã nổ máy, ta bỗng thấy bồn chồn, khó chịu – rồi đến những tiếng còi thúc giục – rồi 1, 2, và nhiều người bắt đầu vượt đèn đỏ. Tự giác, ta sẽ nhấn dí ga và vượt lên (trừ khi đi ô tô). Nếu có ngoan cố dừng lại, thế nào cũng có ngày gặp một vài kẻ sau ở đằng sau, vượt lên và chửi với “thằng điên”, “dở à”, “điếc à“… Tâm lý tự nhiên lần sau, ta sẽ chẳng muốn bị chửi như thế nữa, vậy là vượt đèn đỏ. Dần khi ta vượt đèn đỏ lúc còn 2-3 giây, ta thấy bình thường, thậm chí, dễ chịu. Tâm lý bầy đàn, đám đông, phản ứng theo tình huống là vậy.
Cũng những con người đó, có khi vừa chen lấn ở một cửa hàng, vượt đèn đỏ để nhanh chóng về văn phòng, lại xếp hàng rất ngay ngắn trật tự trên căng-tin chung chờ đợi đến lượt mình chọn món, chọn đồ ăn.
Và cứ thế, bầy đàn, đám đông rất dễ bị gợi ý, rất dễ bị dẫn dắt, rất dễ bị lợi dụng. Không ai thoát khỏi tâm lý đám đông một khi đã bị cuốn vào trong nhóm, vì nó nằm trong bản năng sinh tồn. Đánh chết thằng trộm chó, hơn 500 trang thảo luận trên một diễn đàn về một cô gái 23 tuổi chưa một lần gặp mặt, “bỗng dưng” nổi tiếng như “thánh” vì một đoạn clip ngắn ăn mặc sexy không áo lót nhảy nhót. Cả ngàn người “cộng đồng mạng” phê phán, trách móc đài truyền hình quốc gia về việc không tường thuật trực tiếp một sự kiện quan trọng, hàng chục nghìn người gật gù theo. Thế rồi cũng lại một status khác giải thích lý do (chưa biết có chính xác không) cho nhà đài, hàng trăm nghìn người lại chuyển sang đồng cảm, “à, thì ra là thế“… tất cả đều là biểu hiện rõ rệt về phản ứng của tâm lý đám đông.
Đám đông là thế. Đừng trách những người tham gia đám đông, vì khi hòa mình vào đám đông, họ trở thành vô thức và bị đám đông điều khiển. Họ sẵn sàng đạp đổ cổng trường, like và share ngay lập tức,… lúc đó, cái đúng duy nhất còn lại là “làm theo đám đông”.
Đừng kỳ vọng gì ở đám đông. Đám đông có thể là vị thánh 5 phút trước nhưng có thể trở thành con quỷ 5 phút sau. Và như thế, kẻ có thể điều khiển được cả đám đông theo ý muốn, là kẻ nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất.
Và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ không còn anh hùng nào nữa, chỉ cần có thời thế, tất sẽ có anh hùng, chỉ có điều, kẻ cơ hội sẽ xuất hiện trước mà thôi.