Năm nào vào những ngày Tết tôi cũng cảm thấy bao tử khó chịu, không biết có phải do thức ăn ngày Tết không? Xin bác sĩ tư vấn giúp để Tết này tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
(Nguyễn Việt Thanh, 36 tuổi)
Tình trạng bạn nêu thật sự khá phổ biến. Lý do thứ nhất là thức ăn – đúng như bạn nói – vì ngày Tết ta thường ăn các loại thức ăn dạng dự trữ lâu như dưa chua, dưa muối, hoặc thức ăn đặc trưng ngày Tết như thịt mỡ, bánh chưng là những thức ăn khó tiêu. Ngoài ra, lý do thứ hai khiến bao tử cảm thấy khó chịu chính là thói quen ăn uống thông thường hầu như thay đổi hẳn. Có khi ăn nhiều chất đạm như ăn chả, ăn nem, tôm khô với củ kiệu, cũng có lúc lại chỉ ăn toàn chất bột đường như kẹo, bánh mứt. Giờ giấc ăn cũng không cố định. Đến thăm nhà này ăn một chút, đến nhà khác lại được mời ăn chút khác. Dạ dày phải làm việc rất cực nhọc mà cũng không tiêu hóa nổi nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu, cảm giác no ngang cả ngày mà thật sự có khi lại là đói vì tính ra năng lượng ăn vào không nhiều. Đó là chưa kể có khi uống thêm rượu, bia càng kích thích dạ dày thêm.
Vậy nên ăn uống như thế nào cho khỏe? Trước tiên bạn hãy cố gắng giữ cho bữa ăn càng giống ngày thường (về giờ ăn, thức ăn) càng nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Ngoài ra bạn nên lưu ý rằng ăn uống trong những ngày Tết còn liên quan đến hiếu hỷ (thay đổi giờ ăn, thức ăn) nên cần sự hiểu biết, thông cảm của cả chủ và khách. Khi khách đến nhà, theo phép lịch sự thế nào chủ cũng phải mời khách và khách cũng phải dùng đôi chút, vì thế nếu là chủ bạn nên hạn chế mời các loại bánh, mứt, kẹo hoặc bánh chưng là những thức ăn dễ gây đầy bụng. Trong trường hợp là khách thì nên hạn chế dùng các loại thực phẩm này và nhất là hạn chế uống rượu, bia. Một số gia đình những năm gần đây thay vì mời bánh, mứt, kẹo đã mời trái cây như quít, bưởi, nho, táo hoặc dưa hấu. Trái cây vừa tránh cho hệ tiêu hóa làm việc quá sức vì không chứa nhiều đạm, đường, béo vừa cung cấp nước, muối khoáng và các vitamin đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường sức lực cho việc đi lại, thăm viếng. Mời khách đôi lát thơm (dứa) cũng rất tốt vì thơm/dứa có men bromelin giúp tiêu hóa chất đạm giúp bớt đầy bụng.
Chúc bạn một cái Tết vừa khỏe… dạ dày và vừa vui nhé!
Chán ăn
Bác sĩ ơi! Em mắc một bệnh lạ lắm: không muốn ăn uống gì cả. Nhiều lúc đến bữa em chỉ ăn qua loa cho có! Mà như thế là không ổn phải không? Vì hình như dạo này em gầy hẳn đi…
(Huỳnh Thanh Trang, 17 tuổi)
Em ơi, không chắc em bị bệnh đâu mà có thể vì em đang phải làm việc hay học hành mệt mỏi hoặc căng thẳng quá. Nếu là như vậy thì em hãy nghỉ ngơi thư giãn để cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa của em hồi phục lại “sức khỏe”. Còn nếu em vẫn sinh hoạt bình thường mà tự dưng lại chán ăn thì có khi do cơ thể đang thiếu chất sắt hoặc bị một bệnh mãn tính nào đó, khi ấy nên đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị. À mà xin hỏi thêm là em có sợ mập không? Nhiều người vì sợ mập tự dưng cũng đâm ra chán ăn. Tóm lại trước mắt em nên cố ăn uống, có thể chọn nấu món ăn mà em ưa thích để ăn cảm thấy ngon miệng hơn. Chúc em sớm ăn khỏe trở lại.
Sạm da
Tôi bị sạm khá nhiều ở hai bên gò má, và có cảm giác ngày càng tăng. Nhiều người mách tôi bôi thuốc này nọ nhưng tôi không dám mạo hiểm. Tôi rất buồn vì nghe nói mụn còn dễ chữa, chứ nám, sạm thì không thể khỏi…
(Nguyễn Quỳnh Hương, 37 tuổi)
Sạm sa thường do rối loạn sắc tố, di truyền, nội tiết, dinh dưỡng, do tiếp xúc với hóa chất, lạm dụng hóa mỹ phẩm, hóa trị kéo dài… Đúng là sạm da thường khó chữa hoặc chữa trị phải kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì. Cách tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định đúng nguyên nhân và được điều trị, phòng bệnh đúng cách, chớ bôi các thuốc lột, tẩy tự chế mà tiền mất tật mang.
Vệ sinh vùng kín
Có cách nào để các bệnh viêm nhiễm vùng kín không tái phát?
(Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Cty May 10)
Thường thường chị em hay phàn nàn vì bệnh viêm nhiễm vùng kín cứ bị đi bị lại. Để chăm sóc tốt vùng kín, phòng ngừa bệnh viêm nhiễm chị em cần chú ý:
– Rửa vùng kín mỗi ngày bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ trung tính, nếu thực hiện sau mỗi lần đi vệ sinh thì càng tốt. Không tự ý thụt rửa âm đạo. Không dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh.
– Thay băng vệ sinh sau 4h trong kỳ kinh nguyệt, nếu để quá lâu không những gây khô âm đạo, kích ứng niêm mạc, vi khuẩn phát triển nhanh, mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
– Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục (cả vợ và chồng).
– Giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Tránh mặc quần áo chật, ẩm ướt, bó sát. Nếu có thể, nên là quần lót trước khi mặc.
– Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời, không tự ý đặt, uống thuốc.
BS. Dương Trọng Hoàng
Chia sẻ bài viết này