An toàn cho con bắt đầu từ bố mẹ

Đẹp Online đã có cuộc trò chuyện cùng ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em về những vấn đề này cũng như cách để giúp xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ.

– Với vai trò là người mẹ, chị suy nghĩ gì khi biết thông tin cánh diều khổng lồ đã khiến một trẻ tử vong và chuyện vòng đu quay đã khiến 2 bé bật tung khỏi đường quay?

– Nó quá khủng khiếp, nhất là khi tận mắt chứng kiến con bị cánh diều cuốn đi, rơi xuống ngay trước mắt mà không thể cứu. 

an toàn cho bé, tạo môi trường an toàn cho trẻ, nguy hiểm cho bé, trang bị kỹ năng cho bé

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh hiện cũng là Chủ nhiệm Dự án Nghiên cứu và Phát triển nhân tài Việt

– Hiện nay, nhất là tại khu vực Hà Nội và các thành phố lớn, trẻ em không có khoảng không gian vui chơi riêng mà thường là chơi trong các sân tập thể, khu vui chơi công cộng, chị nghĩ điều này có hợp lý?

– Để được gọi là khu vui chơi trẻ em, cần phải đảm bảo những tiêu chuẩn riêng, chuẩn mực riêng và an toàn cho trẻ nhỏ. Với các khu vui chơi công cộng tại các thành phố lớn như sân chơi tập thể, khu vui chơi công cộng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại khó lường. Những ẩn họa này rất dễ dàng nhận thấy, ví như sân chơi tập thể, khu vui chơi công cộng được thiết kế, xây dựng để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho cộng đồng (số đông) chứ không phải dành riêng cho trẻ em. Do đó, ngay từ khâu thiết kế, xây dựng – đã thiếu các tiêu chuẩn riêng cho trẻ. 

Tại các thành phố lớn, mật độ dân cư đông, một số khu vui chơi, sân tập thể ngay sát đường đi lại. Bạn tưởng tượng xem, khi chơi các trò vận động như đá bóng, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, đá cầu… chỉ cần quả bóng, quả cầu vô tình bay khỏi sân tập thể hoặc sân vui chơi, trẻ lao theo ra ngoài đường phố… thì hiểm họa khôn lường.

an toàn cho bé, tạo môi trường an toàn cho trẻ, nguy hiểm cho bé, trang bị kỹ năng cho bé

– Gần đây, tại TP HCM, các bé có một trò chơi mới đó là thuê xe xích lô mini để đạp một mình, hoặc chở theo bạn. Điều đáng nói là bố mẹ các bé đồng ý cho các bé đạp loại xe này ngay tại đường lớn (có sự giám sát của phụ huynh hoặc không), các điểm giao thông mà xe cộ qua lại tấp nập trong khi trời nhập nhoạng tối. Chị nghĩ gì về trách nhiệm của cha mẹ đối với sự an toàn của các con trong trường hợp này và trong nhiều tình huống khác nữa? 

– Cho dù là có sự giám sát của cha mẹ thì việc điều khiển một phương tiện giao thông cũng tiềm tàng những mối nguy hiểm, nhất lại là phương tiện không phổ thông. 

Tôi rất ủng hộ việc cho con trẻ có cơ hội tự lập, tự trải nghiệm các phương tiện khác nhau trong khả năng của mình; nhưng trong hoàn cảnh như mô tả thì cho dù có sự giám sát của phụ huynh, vẫn là thiếu an toàn cho trẻ. Bố mẹ có thể cho con làm quen với xe xích lô mini ở những cung đường vắng như: đường trong công viên, đường nội bộ trong các khu đô thị… sẽ hạn chế được nguy hại cho trẻ hơn. 

– Trong nhà trường đã có những hoạt động nào để tạo dựng các kỹ năng bảo vệ bản thân cho các con trước những tình huống nguy hiểm chưa? Liệu trường học có phải là môi trường an toàn cho các con khi các vụ bạo hành học đường gần đây xảy ra liên tiếp? Làm thế nào để giúp các con được an toàn hơn?

– Những bài học về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm vốn cũng có ít nhiều trong trường học. Tuy nhiên, về chương trình giảng dạy, nội dung chi tiết và phương pháp truyền đạt còn nhiều vấn đề phải bàn. 

Không có giải pháp nào hoàn hảo để triệt để giải quyết nạn bạo lực học đường. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được thông qua sự nỗ lực, trách nhiệm từ nhiều phía. 

Để phòng và tránh những tai nạn đáng tiếc từ học đường hay bên ngoài, trước tiên cần bắt đầu từ gia đình, bố mẹ. Bản thân bố mẹ phải là người hơn ai hết nhận thấy những ẩn họa đó, hướng dẫn, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng tối thiểu để con có thể tự chủ trong những hoàn cảnh đơn giản ví như đi qua đường thế nào, đi lạc xử trí ra sao, biết bơi lội, biết cách gọi trợ giúp khi cần thiết hay cách ứng xử với thầy cô, bạn bè… Rất nhiều tài liệu trên mạng về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ… mà bố mẹ có thể tìm đọc để hướng dẫn cho con – ít nhất ở góc độ căn bản. 

an toàn cho bé, tạo môi trường an toàn cho trẻ, nguy hiểm cho bé, trang bị kỹ năng cho bé

Để giúp con vượt qua những hiểm nguy, bố mẹ cần trang bị cho các con những kỹ năng cần thiết

Mức độ khó hơn, bố mẹ có thể cho con tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo về kỹ năng sống. Các khóa học kỹ năng và ứng dụng thực tế sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc chủ động có tâm lý, giải pháp khi xảy ra sự cố. Các con sẽ không quá hoảng loạn hay quá sợ hãi mà không nghĩ ra được giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho bản thân – hay chí ít là giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn. Nói đơn giản hơn, bạn nên giúp con “giắt túi” một số kỹ năng cần thiết để tự vệ trong những trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, tôi cho rằng các cơ quan truyền thông cũng cần thường xuyên xây dựng và chia sẻ các chuyên mục về cảnh báo nguy hiểm, phòng tránh tai nạn cho con trẻ. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí cho trẻ em cần đảm bảo cơ sở vật chất tốt,  an toàn cho trẻ, có đội ngũ trợ giúp am hiểu chuyên môn và kỹ thuật từng trò chơi… Nếu có thể, rất nên tạo ra các không gian chơi riêng biệt và an toàn cho các con.

Bài: Hoàng Mai


logo

Khi vòng tay ba mẹ không đủ lớn…

Gần đây, câu chuyện cậu bé 5 tuổi bị diều cuốn gây tử vong đã khiến dư luận bàng hoàng. Hầu như tháng nào cũng có những trường hợp tai nạn đau lòng liên quan đến trẻ nhỏ xảy ra. Đó là những bài học cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc giữ an toàn của con trẻ. Những tai nạn nào dễ xảy ra cho các bé trong khi vui chơi, vận động? Làm thế nào giữ cho con được an toàn? Làm sao để giúp các con xử lý các tình huống nguy hiểm?

Ai cũng mong muốn có vòng tay đủ lớn để chở che con, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể ở cạnh con… Đẹp Online muốn chia sẻ với các ông bố bà mẹ những kinh nghiệm, cũng như những nguyên tắc giúp con trẻ có một cuộc sống an toàn hơn.

Xem thêm:

Những tai nạn bé thường gặp và cách đối phó, phòng tránh

5 nguyên tắc an toàn cho trẻ nhỏ phụ huynh cần nhớ


From the same category