Sau khi khám bệnh bác sĩ trấn an: “Anh khỏi lo, hiện chuột cống xét nghiệm ở TP.HCM mới có virút Hanta, còn chuột đồng ở quê mình thì chưa thấy. Tuy nhiên cũng cần cảnh giác để giữ gìn sức khỏe!” .
MỘT BẠN ĐỌC (xã Phú Cường, Cai Lậy, Tiền Giang)
– Virút Hanta có thể lây theo một số đường: thứ nhất là trực tiếp qua vết cắn của chuột, rồi virút từ nước bọt chuột vào máu người; thứ hai là qua không khí (được chứng minh qua thực nghiệm) virút từ nước tiểu, phân của chuột phóng thích ra môi trường rồi bám vào những hạt bụi li ti có chứa virút bay vào không khí, ta hít vào phổi sẽ bị nhiễm; thứ ba (người ta nghi ngờ) chạm vào một cái gì đó đã bị ô nhiễm với nước tiểu, phân, nước bọt của chuột và sau đó đưa vào mũi hay miệng.
Virút Hanta không lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành, kể cả khi người ta hôn nhau hay truyền máu lẫn nhau, do đó trong phòng dịch người ta không cách ly người bệnh giống như những dịch bệnh do virút khác.
Như vậy, khi hiểu rõ nguồn lây, chúng ta sẽ có cách phòng ngừa như không để chuột cắn, không để chuột vào nhà. Ăn thịt chuột phải nấu thật chín, rửa sạch dụng cụ chứa thức ăn, mang găng tay khi làm thịt chuột…
Hiện nay ngành y tế đã tiến hành giám sát và phòng chống nhiễm virút Hanta, có lẽ nên chú ý các chợ bán thịt chuột ở miền quê để khuyến cáo bà con có cách phòng ngừa thích hợp.