Nhiều người truyền tụng rằng ăn thịt cầy bổ dương, điều đó đúng không? Nghe nói ở TP.HCM cầy tơ chế biến đến 12 món, đó là những món gì? (Phạm Huân – Hội An – Quảng Nam)
Ăn thịt cầy cần có riềng để át mùi mỡ chó, làm dễ tiêu, giảm đầy bụng. Vì thế nên mới có câu “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Thịt chó nấu với phấn hoa, sâm và nấm là thức ăn tăng lực. Món thịt cầy 250g, đậu đen 50g, nêm muối, đường, bột ngũ vị hương vừa ăn, nấu chín hoặc thịt cầy ướp đại hồi, tiểu hồi, vỏ quế, trần bì, thảo quả, gừng tươi, muối, nêm vừa ăn, nấu chín được xem là món ăn “Ôn thận, trợ dương, ôn trung, kiện tỳ”.
Chó có khả năng tình dục mạnh nên cật và ngọc hành chó được dùng làm thuốc bổ thận, tráng dương, trị nhược dương, di tinh, lưng mỏi, gối mềm. Danh tiếng nhất trong họ nhà cẩu có hải cẩu (chó biển) có đời sống đa thê, một con đực sống với vài chục con cái, tuy có vui chơi nhưng vẫn không quên… nhiệm vụ mà một tên thuốc quen thuộc từ nhiều thập niên trước là thuốc tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn còn ngày nay có thuốc hải cẩu hoàn.
Từ thuở ban đầu với ba món căn bản lòng, luộc, sáo măng nay khúc biến tấu “Nó đây rồi” đã biến thành 7 món và thông dụng hiện nay là 9 món: hấp, nướng, chả chìa, rựa mận, cuốn lá lốt, sáo măng, cháy cạnh, dồi, chả đùm. Còn muốn nâng cấp hơn nữa thì có thể biến tấu thành 12 món vì có thêm cuốn mỡ chài, sáo măng móng, sáo măng đặc biệt.
Thịt chó có mùi mỡ, lá mơ có mùi hôi thế nhưng tất cả hợp chất đậm mùi hương ấy được cho vào miệng, nhai từ từ để vị đặc biệt của lá mơ, riềng hòa trộn với cái mềm, cái ngọt và mùi đặc trưng của cầy tơ, chiêu thêm cốc rượu Làng Vân nữa là đủ để cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp sao.
Chia sẻ bài viết này