Chúng tôi có một ngày, 2 người, 500 ngàn đồng với một chiếc 4 bánh nhỏ xinh để “ăn sập” Hải Phòng với các món ăn đặc trưng nhất tại những nơi mà gần như chỉ có dân thổ địa ở đó mới biết.
Có nhiều cách để bạn có thể thực hiện một hành trình foodtour Hải Phòng trong một ngày, có thể là xe khách, xe máy, xe cá nhân như chúng tôi hay đi tàu (6h sáng từ Hà Nội và khoảng 18h45 từ Hải Phòng). Và thành phố cảng ấy cũng có đến hàng chục món ăn khác nhau để bạn thoải mái lựa chọn mà thưởng thức, chỉ sợ không có “bụng” mà chứa hết thôi.
Như hành trình của chúng tôi, trên chiếc xe compact nhỏ gọn Brio để có thể dễ dàng “luồn lách” qua từng con phố cổ của đất cảng thưởng thức 7 món ăn là bánh đa cua, trà cúc, bún nem cua bể, chè, nộm bò khô, ốc, giá bể và mua bánh trung thu Đông Phương nức tiếng mang về. Hành trình ấy, chỉ vẻn vẹn chừng 12h đồng hồ với sự trợ giúp của một “thổ địa” sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hải Phòng. Nào, lên đường cùng Đẹp nhé.
Bánh đa cua cô Yến
Địa chỉ: 2B Phạm Ngũ Lão, cách ga Hải Phòng 200m
Giá: 20.000 – 30.000 đồng
Đây là món ăn rất phù hợp cho bữa sáng cũng là bắt đầu hành trình ẩm thực Hải Phòng. Bát bánh đa đỏ đầy đủ với nước dùng thanh ngọt, vị cua đậm đà cùng với đó là chả bò hoặc chả lợn, cả một viên chả lá lốt cùng tôm… đặc biệt là rau rút được cắt nhỏ vào bát khiến cho hương vị them đặc biệt hơn. Người bạn của tôi nói rằng Hải Phòng có tới hơn 10 quán bánh đa cua nhưng bánh đa cua cô Yến với gần 40 năm ở đây là đặc biệt và phù hợp với khẩu vị của nhiều khách nhất.
Trà cúc
Địa chỉ: 46 Minh Khai
Giá: 20.000 đồng
Sau bữa sáng lạ miệng với bánh đa cua cô Yến, chúng tôi giải khát bằng thức uống cũng đậm chất của thành phố hoa phượng đỏ là trà cúc cùng hướng dương được rang bằng muối. Chúng tôi chọn quán số 46 phố Minh Khai vì hương vị của trà được cho là thơm ngon nhất. Quả thật, khi đến nơi quán chật kín khách, đến 98% là người dân bản địa ở đây. Một cốc trà cúc thường có các nguyên liệu là hoa cúc khuy vàng ủ nóng với trà mạn nên khi uống có một chút vị chát của trà tàu, vị ngọt thanh ấm của hoa cúc, chút chua của quất lẫn thêm ngọt dịu của cam thảo và một chút xíu đường. Ngồi nhâm nhi ly trà cúc với cắn hạt hướng dương rang muối có vị mặn đầu môi, kèm đĩa hoa quả dầm nữa thì ngon hết nấc.
Bún nem cua bể
Địa chỉ: chợ Cố Đạo (chợ Ga)
Giá: 60.000 đồng
Cô bạn “thổ địa” Hải Phòng nhất định dẫn chúng tôi đi sâu vào chợ Cố Đạo (nay mọi người hay gọi là chợ Ga) để thưởng thức món nem cua bể sau khi đã nhàn nhã với trà cúc thanh tao. Nem được làm từ thịt cua biển, nấm hương, mộc nhĩ, giá đỗ, tôm, lòng đỏ trứng… Sau đó được cuốn trong vỏ nem làm riêng và chiên lên cho chín vàng. Điều đặc biệt là hình dáng nem cua bể là hình vuông, to khoảng bằng lòng bàn tay người lớn, giống như một chiếc bánh chưng cỡ nhỏ vậy. Bạn có thể ăn kèm với bún và nước chấm rất ngon, chút rau sống nữa thì tuyệt vời. Vị cua ngọt, lẫn cả bùi của nấm, giòn rộm của lớp vỏ nem, mặn mặn chua chua của nước chấm… khiến một ai có thể chối từ.
Chè và nộm bò khô
Địa chỉ: ngõ 96 Hai Bà Trưng (tên cũ Trương Hán Siêu)
Giá: 15.000 đồng/cốc chè, 20.000 đồng/đĩa nộm
Chiếc Honda Brio lại tiếp tục đưa chúng tôi vòng qua các con phố cổ của Hải Phòng để tới với quán chè không có tên ở ngay đầu ngõ 96 phố Hai Bà Trưng (người dân địa phương vẫn gọi là ngõ Trương Hán Siêu), cạnh đó là quán nộm bò khô đã có lịch sử hơn 66 năm. Chè thập cẩm gồm cả rong biển, mãng cầu, hạt sen… mát ngọt vô cùng. Nộm ăn giòn ngọt thanh với bánh đa bẻ vụn, lạc rang, bì bò, thịt bò khô, gan bò, chấm với thứ nước chua cay mặn ngọt, ăn cùng rau thơm cắt nhỏ là ngon không thể bàn cãi.
Giá bể xào
Địa chỉ: gần sân vận động Lạch Tray
Giá: 25.000 đồng/bát giá bể, 75.000 đồng/đĩa gỏi
Có lẽ, chỉ có mỗi đất Hải Phòng là có món ăn đặc biệt này và cả thành phố cũng chỉ còn vài chỗ làm bán mà thôi. Giá bể là loài nhuyễn thể sống vùi dưới lớp cát trên bãi biển, trông giống như cây giá đỗ, nên gọi là giá bể và có thịt ngọt, chân giòn. Món giá bể xào có màu vàng mịn quyện trong nước sốt sánh mịn, thơm nồng, phần chân giá bể dài khoảng 5cm ăn giòn giòn sật sật rất ngon, đoạn chân này cũng có thể hấp cách thủy hoặc chần nước sôi để làm nộm hoa chuối hoặc ăn kèm với giá xào rất ngon. Cách chế biến thử hai là làm gỏi giá bể, lúc này phải tách con giá bể ra để lấy phần thịt trộn cùng thính, chân, ăn kèm với các loại rau thơm và cuốn thành nem ăn rất thú vị. Chúng tôi ăn ở quán cũng chẳng có tên, ngay bên cạnh sân vận động Lạch Tray với số năm làm món giá bể cũng ngót nghét hơn nửa đời người.
Thiên đường ốc ở thành phố phượng đỏ
Địa chỉ: Hà ốc, bên cạnh sân vận động Lạch Tray
Giá: khoảng 150.000 – 200.000 đồng cho nhóm 2-3 người.
Cũng như Sài Gòn, Hải Phòng là thiên đường của các loại ốc. Cô bạn nói rằng quán ốc nào ở Hải Phòng cũng ngon cả, ăn quán nào cũng được, hương vị không khác nhau nhiều và giá cũng thế. Bạn có thể chọn các loại ốc khác nhau để hấp mắm hoặc xào. Đặc biệt có món ốc môi đỏ khá nhỏ nhưng ăn ngọt bùi rất thú vị.
Một ngày thưởng thức ẩm thực Hải Phòng của chúng tôi kết thúc với món bánh nướng hiệu Đông Phương ở 172 Cầu Đất làm quà cho mọi người. Khác với tất cả các nơi khác, bánh trung thu ở Hải Phòng được làm bán quanh năm bởi chúng là đồ lễ không thể thiếu trong các đám cưới, đám hỏi ở đất cảng. Tổng số tiền mà nhóm hai người đã ăn 7 món trên là khoảng 500 ngàn đồng. Một mức giá rẻ đến kinh ngạc với chất lượng trên mức tuyệt vời.
Nếu có thời gian lưu trú tại Hải Phòng thì bạn nên thưởng thức nhiều món ăn đặc sản khác như bánh đúc tàu, bún cá cay, bánh cuốn, xôi đỗ đen, bánh mỳ que, lẩu cua, sủi dìn (ăn mùa đông), bánh bèo, dừa dầm,…