“Án oan” chanh Việt Nam

Xem Clip ghi nhận thị trường chanh của phóng viên Đẹp Online

Trên thực tế, loại chanh được cảnh báo độc hại là giống chanh vỏ vàng Trung Quốc. Còn quả chanh vỏ xanh quen thuộc thì hoàn toàn được trồng và cung ứng bởi người Việt, chủ yếu từ Cao Lãnh, Đồng Tháp. “Tùy theo thời vụ, có những thời điểm còn có chanh Vinh, Thanh Hóa hay Long An. Nhưng hoàn toàn không có giống chanh vỏ xanh như vậy từ Trung Quốc” – đó là lời khẳng định của cô Vũ Thị Luyên, chủ cửa hàng cung cấp nguồn chanh cho rất nhiều mối buôn ở chợ đầu mối Long Biên nhiều năm nay. Cô Luyên cũng cho hay: “Trong suốt ngần ấy năm làm nghề này, tôi chưa bao giờ bán chanh Trung Quốc và chưa từng nhìn thấy một quả chanh xanh Trung Quốc nào”. 

Chanh tươi ở chợ đầu mối Long Biên hiện được nhập chủ yếu từ Cao Lãnh, Đồng Tháp

Tại chợ vùng biên Móng Cái, những người buôn bán ngành hàng rau củ quả ở đây cũng cho hay, họ phải nhập chanh từ trong nước để bán, thậm chí đổ buôn cho thương lái Trung Quốc. Thử trong vai một người đi “tìm mối” và mua chanh trồng tại Trung Quốc về Việt Nam kinh doanh, phóng viên chỉ nhận được những câu trả lời “không biết”, “chưa thấy chanh Trung Quốc bao giờ”, “làm gì có mà mua”… 

Vì đâu chanh xanh dính “án oan”? 


Các thông tin cảnh báo đề cập đến loại “chanh tươi” khiến cho đa số người tiêu dùng Việt Nam nhầm tưởng rằng, đó là loại chanh họ hay ăn thường ngày. Trên thực tế, lô hàng được phát hiện có dư lượng carbendazim vượt quá mức cho phép là loại chanh được nhập từ Trung Quốc – có vỏ màu vàng.

Cuối tháng 5 vừa qua, hàng loạt báo đã đưa tin về công văn cảnh báo (số: 896 /QLCL-CL2) của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD – Bộ NN-PTNT) gửi tới Cục An toàn Thực phẩm Xuất nhập khẩu; Tổng cục Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa -AQSIQ. 

Công văn đề cập và liệt kê các lô hàng nhập khẩu có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, trong đó bao gồm 6 tấn chanh quả tươi.
Lô hàng này được phát hiện vào ngày 11/4/2014, phát hiện dư lượng carbendazim 0,7 mg/kg vượt mức MRL quy định là 0,5 mg/kg. 

Đáng tiếc, công văn trên chỉ nêu đó là “chanh tươi” mà không ghi rõ “chanh tươi loại vỏ vàng” nên trên hàng loạt báo, hình ảnh của những quả chanh xanh đã được đưa lên minh họa cho các thông tin đáng lưu ý được trích dẫn từ công văn trên. 

Rất nhiều báo đã phản ánh nội dung công văn trên kèm các hình ảnh minh họa có thể gây nhiều nhầm

Hiện tại, khi tra cứu thông tin trên Google bằng các từ khóa như “chanh tươi Trung Quốc”, hay “chanh Trung Quốc nhiễm độc” vẫn cho ra hàng loạt kết quả được minh họa bằng hình ảnh của những trái tranh xanh mọng nước mà xuất xứ chính xác của chúng là… Việt Nam. 

Đại diện cơ quan chức năng nói gì?

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, theo tổng hợp báo cáo thống kê số liệu (từ ngày 1/1/2013 đến ngày 15/12/2013), kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu theo quy định của thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT và kết quả kiểm tra phân tích ATTP kết quả như sau: 

Tổng số lô: 47,373 lô với tổng trọng lượng là 3.912.349.592 tấn với hơn 140 mặt hàng nhập khẩu từ 68 quốc gia xuất khẩu. Tổng số mẫu kiểm tra phân tích: 805 mẫu (rau, củ, quả) trong đó: 

+ 788 mẫu đảm bảo ATTP, chiếm 97,89 (không phát hiện dư lượng hoặc dưới ngưỡng cho phép) 

+ 17 mẫu vượt ngưỡng quy định MRL chiếm 2,21% gồm: Nho, chanh (vàng), hồng, táo, củ cải trắng, quý quả tươi, cà rốt tươi…áp dụng các biện pháp xử lý và truy xuất nguồn gốc theo quy định. 

>> Xem chi tiết danh sách các lô hàng thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn thực phẩm tại đây.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý An toàn Thực phẩm và Môi trường – Cục Bảo vệ Thực vật cũng đã khẳng định rõ lại với phóng viên của Đẹp Online: “Theo thống kê từ các đơn vị của Cục Bảo vệ Thực vật, lượng chanh được nhập vào Việt Nam tập trung ở Tp.HCM, những loại chanh này thường có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Trung Quốc, Nam Phi, Úc…và hầu hết là chanh vỏ vàng. Lượng nhập khẩu loại chanh này cũng rất thấp, tổng lượng chanh vỏ vàng được nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2013 khoảng hơn 40 tấn, năm 2012 là 14,5 tấn. 6 tháng đầu năm nay, ước tính đã nhập (từ Mỹ) hơn 100 tấn…” 

PGS.TS Vũ Mạnh Hải – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết: Về cơ bản các giống chanh nằm trong 2 nhóm là chanh có tép màu xanh và chanh có tép màu vàng. Nếu phân chia theo lát cắt hình dạng quả, có thể có thêm các tên gọi khác là chanh quả tròn và chanh núm (đỉnh quả nhô lên như một cái núm, ví dụ chanh Persian Việt Nam – đã từng du nhập từ nước ngoài trong những năm của thập kỷ 80 của thế kỷ trước). Tên gọi giống chanh ở Việt Nam thường gắn theo địa phương xuất xứ nên có thể cùng một giống lại có nhiều tên gọi khác nhau. 

Các giống cơ bản như vừa trình bày ở trên đều có mặt ở cả Việt nam và Trung Quốc, tuy nhiên truyền thống và tập quán của người Việt Nam có xu hướng tiêu dùng thiên về nhóm chanh tép xanh nên trong thực tế các giống thuộc nhóm này đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất. 

Trong khi đó, người Trung Quốc lại chú trọng hơn nhóm có tép màu vàng. Sự phân chia này chỉ mang ý nghĩa rất tương đối, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế, không ít người Việt Nam đang rất ưa chuộng loại chanh núm, sử dụng trong việc uống trà hoặc bổ sung vào thức ăn hàng ngày (ví dụ nộm, salad…).

Các bí quyết lựa chọn chanh tươi ngon


PGS.TS Vũ Mạnh Hải cũng cho biết, để mua được chanh tươi ngon, nên ưu tiên chọn các quả còn tươi dựa vào màu sắc, sự căng mọng ở bề mặt quả.

Một số cách chọn chanh được các bà nội trợ nhiều kinh nghiệm chia sẻ: 

Nên:

– Dùng tay bấm nhẹ lớp vỏ bên ngoài, nếu tinh dầu vị chanh bắn ra là quả chanh đạt chất lượng, có thể không còn hóa chất bảo quản.

– Hãy chọn mua chanh tươi có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ (khi mua ở siêu thị), hoặc hỏi người bán hàng (nhất là khi dùng vỏ chanh tươi để làm bánh, ăn trực tiếp) để giảm thiểu yếu tố nhiễm độc hoặc có dư lượng hóa chất bảo quản. 

– Nên chọn những quả chanh nhỏ vừa phải, có cành, cầm nặng tay, vỏ xanh láng mịn, sáng màu, không sần sùi – là những quả có lượng dinh dưỡng, vitamin cao hơn so với những quả có vẻ bề ngoài nổi cục xù xì. Những quả chanh nhỏ thường có lượng nước nhiều và có chất lượng hơn những quả chanh to và nhẹ.

Không nên:

– Không chọn những quả chanh có kích thước quá to.

– Tránh mua chanh tươi có màu xanh xỉn, hoặc có đốm vàng nhợt nhạt vì có thể quả bị thu hoạch từ lâu, không còn tươi và tốt cho sức khỏe.

– Không chọn những quả chanh bề mặt vỏ có các vết nấm mốc, bởi ăn những quả chanh bị bệnh không có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin mà còn đe dọa sức khỏe.

Đẹp Online cải chính thông tin

Đầu tháng 6 vừa qua, sau khi có thông tin về công văn cảnh báo của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Đẹp Online đã đăng bài viết tư vấn cách chọn chanh tươi ngon – an toàn cho các bà nội trợ. Tuy nhiên, do các nguồn thông tin tham khảo chưa đề cập rõ loại chanh và nguồn gốc, phóng viên của chúng tôi đã thiếu cẩn trọng trong việc kiểm chứng thông tin qua nhiều nguồn, do đó dẫn đến sơ suất đưa thông tin tư vấn có thể gây hiểu nhầm rằng có tồn tại chanh xanh Trung Quốc tại Việt Nam. 

Ngay sau khi nhận được một số phản hồi của độc giả, chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận thực tế. Qua đó cho thấy, thông tin chanh xanh Trung Quốc có trên thị trường Việt Nam là thiếu cơ sở. 

Chúng tôi chân thành xin lỗi về sơ xuất trên và hy vọng bài viết này sẽ giúp độc giả có các thông tin đa chiều hơn. 

Hiện nay, trên nhiều trang báo điện tử vẫn còn tồn tại những bài viết và hình ảnh minh họa chanh xanh gây hiểu nhầm cho bạn đọc. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp để đưa những thông tin chính xác nhất đến với bạn đọc.

Ban biên tập tạp chí Đẹp/Đẹp Online 

Nhóm phóng viên Đẹp Online 
logo


From the same category