Ăn, như một người Sài Gòn

Người Sài Gòn chính ra thích ăn tiệm hơn ăn ở nhà. Tiệm quán lúc nào cũng thấy đông, có khi phải xếp hàng chờ đến lượt, nhất là những nơi có tiếng. Câu cửa miệng “ăn quận 5, nằm quận 3, vào ra quận 1” vẫn còn đúng, ít nhất là đến ngày hôm nay.

Tôi vốn không phải là người ưa ăn ngoài quán, rất nhiều năm tôi chỉ ăn cơm nhà mẹ nấu. Nhưng khoảng ba bốn năm trở lại đây, mẹ tôi già yếu không nấu được nữa, tôi đành xuống phố ăn. Sáng tỉnh giấc phải trả lời cho được câu hỏi “Hôm nay ăn gì?”. Cứ thế, tôi biết nhiều tiệm quán mặc dù thực đơn không được phong phú mấy.

Người Sài Gòn chính ra thích ăn tiệm hơn ăn ở nhà. Tiệm quán lúc nào cũng thấy đông, có khi phải xếp hàng chờ đến lượt, nhất là những nơi có tiếng. Câu cửa miệng “ăn quận 5, nằm quận 3, vào ra quận 1” vẫn còn đúng, ít nhất là đến ngày hôm nay.

Nhưng tôi không ăn ở quận 5 mấy vì xa nhà quá. Thời điểm trước Covid, có một quãng thời gian dài tôi ăn ở Jaspas Đồng Khởi cả ba bữa sáng, trưa, chiều như thể đó là bếp nhà mình. Ở đó, sáng tôi thường gọi một ly trái cây xắt trộn với sữa và hạt chia; trưa thì ăn salad; và chiều ăn mì Ý hoặc pizza gì đó. Từ lúc Jaspas đóng cửa, tôi bơ vơ mất ít lâu, lại phải lọ mọ tìm những quán khác để lấp đầy dạ dày mỗi ngày. Khu vực ăn uống của tôi vòng vòng quận 1 cho gần nhà, và chọn những nơi nào hợp khẩu vị mình. Thành thử bài viết này không đại diện cho bất kỳ người Sài Gòn nào ngoài tôi. Đúng ra phải đặt tựa là “Ăn như Quốc Bảo”, nhưng đặt vậy hóa ra bị lầm tưởng là Quốc Bảo chỉ biết có ăn!

Ảnh: Hồ Tiến Đạt

Nói về ăn sáng, ngàn vạn lần không thể không nhắc đến nhà hàng Thanh Niên, nơi có thực đơn ăn sáng phong phú nhất và chỗ ngồi thoải mái nhất. Nhà hàng nằm trên đất Nhà văn hóa Thanh Niên, có khoảng sân đầy nắng mà thực khách có thể vừa ăn vừa ngắm cây xanh trên đầu. Thực đơn Thanh Niên có mấy chục món, bạn đến đó hai tuần lễ liền cũng chưa ăn hết món. Tôi thường chọn bún bò Huế (nấu rất ngon, phong vị lai Sài Gòn chứ không còn đúng Huế, nhưng mà ngon), hoặc croque monsieur (bánh sandwich kiểu Pháp), hoặc đơn giản hơn thì bánh mì trứng ốp la – ngay cả món ăn quen thuộc này, ở Thanh Niên vẫn ngon hơn những chỗ khác: bánh mì tuyển chọn, trứng tươi, bơ ăn kèm béo thơm và nhất là đủ no đến trưa. Gọi một phần bánh mì trứng, một tách cà phê sữa pha phin thật đậm, giở tờ báo của hôm nay (báo luôn luôn được thay mới mỗi ngày), là bạn lạc ngay vào không khí một Sài Gòn Chủ nhật cách đây 50 năm, thời mà các văn nghệ sĩ Sài Gòn vẫn hay ra Thanh Thế ngồi ăn sáng đọc truyện chưởng Kim Dung đăng từng kỳ.

Ciao mới mở lại hồi tháng Sáu vừa rồi, cũng là một chỗ ngồi tốt để ăn sáng. Quán được hai mặt tiền đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiệp nên ánh sáng tự nhiên rất tuyệt. Thực đơn Ciao không bì được với Thanh Niên nhưng cũng vào loại “khủng”, mấy chục món. Ở đó, tôi thường gọi “Bữa sáng kiểu Ciao”, tức là món bò né signature của Sài Gòn bao năm nay; trong thành phần có trứng ốp la, thịt bò nướng tái và bánh mì. Cũng lại nên gọi một tách cà phê sữa nóng bạn nhé!

Thời sau dịch Covid, tôi hay ăn sáng ở Brodard. Đây cũng là quán tọa lạc trên hai mặt tiền – đường Đồng Khởi và Nguyễn Thiệp. Brodard có bánh croissant nóng hổi mới ra lò ăn kèm bơ và mứt quả. Tôi lại không uống cà phê sữa ở đây mà hay gọi espresso (các bạn bartender pha món này rất khéo), vừa ăn uống vừa ngó nghiêng qua ô kính nhìn mọi người qua lại. Brodard hơi chật và hơi nhiều ánh sáng quá nên chói mắt. Nếu ghé muộn, có thể bị hết bàn. Tốt hơn cả là đến quán lúc 8 rưỡi sáng, vừa kịp giờ bánh mới ra lò vừa không sợ hết chỗ ngồi. Brodard còn một điểm trừ là không cho khách ly nước lọc. Ăn sáng uống cà phê xong, muốn uống nước lọc bạn phải gọi một chai.

Tuy chuộng đồ ăn Tây, có những khi tôi cũng thèm món Tàu món Việt nên thỉnh thoảng tôi ghé ăn mì khô xá xíu chợ Cũ hoặc phở 31 Hải Triều. Ở phố Hải Triều có đến mấy hàng phở nhưng tôi chỉ ăn ở số 31 vì có món phở bắp bò thơm giòn (chủ quán quê Thanh Hóa), và gọi một ly cà phê đá giá 6 ngàn đồng ở góc đường. Sài Gòn nhiều nơi có bán tỉm sấm (dim sum) nhưng họ phục vụ trễ, phải sau 10 giờ sáng mới mở nên ít khi tôi ăn được. Ăn tỉm sấm thì nên vào khách sạn Legend Lotte đường Tôn Đức Thắng, ngon lắm. Hay bạn muốn ăn món Việt? Nhà hàng Tuấn & Tú trước kia ở Thái Văn Lung, giờ mới dời về Tôn Đức Thắng, cũng gần Lotte, ở đó có những món cầu kỳ như xôi cá rô hay bún cá, bánh cuốn, các thức đều ngon và nóng hổi.

Ảnh: Foodholicvn

Giờ đến cơm trưa. Có những hôm tự nhiên thèm cơm tấm (lẽ ra đó là món ăn sáng), tôi ghé về hẻm 150 Nguyễn Trãi, có tiệm cơm tấm đầu hẻm ngon miễn bàn. Miếng sườn óng mượt như một tác phẩm điêu khắc, nước mắm làm vừa miệng, cơm rời hạt và mềm. Hẻm 150 là nơi có một phòng khám nha khoa nên tôi hay ăn trưa sau mỗi lần đến nha sĩ, tất nhiên là trừ lúc nhổ răng. Còn để ăn cho no, mời bạn đến Vittorio đường Khánh Hội, họ có thực đơn ăn sáng nhưng mãi tận 11 giờ trưa mới mở. Quán gần nhà tôi, trưa nào không biết ăn gì thì tôi đến đó. Ở đó có món mì Ý nghêu làm rất vừa khẩu vị, mì hải sản ngon ngậy, hoặc nếu chay tịnh hơn thì tôi gọi mì aglio e olio (tức là mì Ý với xốt tỏi và dầu ô liu). Quán cũng có món signature mà tôi thấy ngon nhất trong mọi chỗ, là sinh tố dừa. Cùi dừa được xay chung với sữa đặc, rượu malibu và đá, uống đến đâu mát lịm người tới đó. Những hôm dừa không ngon, người phục vụ nói ngay cho bạn biết để đổi thành sinh tố xoài hay dâu, nhưng dĩ nhiên tôi vẫn mong có sinh tố dừa nhất.

À ăn trưa? Mời bạn đến Truyền Ký ở hẻm đường Lý Thường Kiệt quận 5 nhé. Hai món mà bạn phải thử ở đó là gà hấp muối và khâu nhục. Quán do chủ người Hẹ mở lâu đời lắm rồi (chắc già nửa thế kỷ), món gà hấp muối có công thức bí truyền sao đó mà tan trong miệng như có phép thần thông. Khâu nhục là thịt quay hấp nước tương kẹp trong những lát khoai môn. Tôi nghe nhạc sĩ Bảo Chấn kể hồi anh còn nhỏ (vậy là xưa lắm rồi) từng được cha dẫn đến Truyền Ký ăn gà hấp muối đó.

Ăn trưa ở khách sạn Palace cũng ngon lắm bạn à. Ở đó có cái lounge trên tầng 2 rất rộng và yên tĩnh. Thực đơn cũng phong phú, đủ để bạn chọn mệt nghỉ. Điểm duy nhất hơi phiền (có thể) là vấn đề giá cả. Đồ ăn ở đó đắt khủng khiếp và bạn không thể ăn liên tục ngày này qua tháng nọ được. Lâu lâu tôi ghé Palace ăn một món ruột: phở đuôi bò thố đá. Tiệm phục vụ món này trong một cái thố đá sôi sùng sục chứa nước dùng, bạn tự bỏ thịt, hành, bánh phở vào. Thố đá giữ nóng lâu nên bạn thưởng thức xong thố phở mà nước vẫn chưa nguội bao nhiêu. Cà phê sữa Palace cũng ngon, tôi đánh giá vào loại nhất hạng, dĩ nhiên là giá cũng không hề rẻ.

Ảnh: Foodholicvn

Còn chiều, bạn muốn trà chiều ư? Mời bạn vào khách sạn Sheraton, hoặc quay lại Brodard. Brodard được tôi chọn nhiều hơn vì có trà gunpowder, một loại trà xanh mà khi gặp nước nóng chìm xuống thành tầng dày như thuốc súng. Bánh Brodard cũng phong phú, kem ngon (và nhiều). Tôi thường hẹn bạn hoặc các nhà báo phỏng vấn đến Brodard buổi chiều là để thưởng thức trà chiều đó.

Về ăn tối, tôi quen đến nhà hàng Yen, một nhà hàng Nhật có nhiều chi nhánh mà tôi chọn ăn ở Ngô Đức Kế, thuộc khuôn viên khách sạn Grand. Vào đây, thứ mà bạn khỏi lăn tăn suy nghĩ là món cá tuyết nướng kiểu Nhật. Có nhiều cách chế biến cá tuyết, song nướng kiểu truyền thống Nhật này tôi thấy ngon nhất: miếng cá mịn màng tan ngay trong miệng, sung sướng không nói nên lời. Sashimi cũng tươi mới, đầu cá hồi nướng cũng béo thơm. Và trà gạo lứt pha trong ấm tetsubin, món bánh mochi tráng miệng đủ cho bạn một bữa tối đầy đủ, ngon lành.

Vào cuối tuần, tôi hay dẫn con trai đến Con Voi Vàng đường Hai Bà Trưng. Nơi này có cách làm bếp chuẩn phong vị Thái nhất (mà tôi từng biết). Ở đó có gỏi cá trê chiên giòn, có món laab (thịt trộn thính) đậm vị, có xúp tom yum thơm ngậy. Hoặc nếu muốn thay đổi, mời bạn đến Tandoor đường Ngô Đức Kế, nơi phục vụ các món ăn miền Bắc Ấn (tôi nghe người quản lý nói vậy, không chắc lắm), nhưng mà dù Bắc dù Nam thì cà ri vẫn là cà ri và rất ngon, cơm nị ăn kèm nồng nàn mùi nhụy hoa nghệ tây, và trà Ấn thì ngon một vị riêng. Có lần tôi vào Tandoor một mình mà ham gọi nhiều quá, phải gói hộp đem về. Nói chung món Ấn ăn thì ngon mà rất mau no.

Giờ đến bún đậu. Chỉ người Sài Gòn mới ăn bún đậu buổi chiều tối, người Hà Nội ăn trưa thôi. Bún đậu Cô Khàn tôi cho là ngon nhất, trong một con hẻm đường Cống Quỳnh gần trường Sân khấu. Quán bún đậu này còn có thêm món giả cầy ăn với bún, tôi ăn thấy vừa miệng chứ không bị quá mặn như những nơi khác.

Hôm nào bạn thử ghé những chỗ tôi vừa kể nhé. Đó là những nơi tôi chủ quan chọn lựa, có thể bạn thích hoặc không thích mấy. Tôi kể về quán xá thì ngon lành vậy đó nhưng lòng thì chỉ muốn được ăn một bữa cơm nhà, “chuẩn cơm mẹ nấu”, tiếc rằng không còn được vậy!

SÀI GÒN TRONG MẮT AI

Một Sài Gòn rực rỡ hoa lệ cũng là một Sài Gòn rất đỗi bình dân. Một Sài Gòn từng trải qua những nốt trầm thương đau cũng là một Sài Gòn sôi nổi luôn tiến về phía trước. Sài Gòn trong mắt tôi là một thành phố sống động, cầu thị và đặc biệt bao dung.
Sài Gòn trong mắt bạn thế nào?

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy


From the same category