Ấn Độ - "Jaisalmer xứ mơ" - Kỳ 3 - Tạp chí Đẹp

Ấn Độ – “Jaisalmer xứ mơ” – Kỳ 3

Sự Kiện

 

1.
Có lẽ tôi nên kể một chút những trải nghiệm trên các chuyến tàu ở Ấn. Với 1,3 tỷ dân, phương tiện đi lại chủ yếu từ vùng này đến vùng khác của người dân Ấn là những chuyến tàu. Hệ thống tàu lửa ở Ấn thuộc vào loại bận rộn nhất thế giới, thử tưởng tượng một ga tàu như Varanasi mỗi ngày có đến 230 chuyến tàu ghé qua vài phút để trả và đón khách. Và cũng chưa ở đâu trên thế giới này, vé tàu rẻ như ở Ấn. Một chuyến tàu từ Delhi đi Jasaimer, mất 18 giờ đồng hồ chỉ tốn khoảng hơn 200.000 đồng cho vé nằm hạng thường. David, anh bạn người Anh đi cùng lại chọn loại vé rẻ, cùng khoang với những người dân Ấn thay vì khoang “hạng sang” dành cho dân du lịch nước ngoài, có lẽ anh muốn “thâm nhập” sâu hơn vào đời sống của những người dân Ấn trên những chuyến tàu. Tất nhiên, cùng với cái giá vé “rẻ giật mình” đó, chúng tôi cũng phải chịu không ít phiền toái. Đầu tiên là những cuộc sấn sổ làm quen của những anh chàng Hindu ồn ào, hết hỏi tên tuổi, đến từ nước nào lại nhiệt tình dạy nói tiếng Hindu (cho người mới bắt đầu) và cười ha hả khi chúng tôi phát âm sai. Tiếp đến là mang cơm đùm cơm nắm nặng mùi cà ri ra mời ăn và chỉ dừng lại khi tôi cố để cho một miếng vào miệng rồi nhắm mắt nuốt. Nhóm bạn đồng hành thân thiện vui tính xuống ga dọc đường và đón một nhóm khách mời. Lần này là những cái nhìn chòng chọc vẻ soi mói không giấu giếm… 

Từ Golden Fort nhìn qua một ô cửa, bên dưới là những ngôi nhà của cư dân thành phố Jaisalmer 

Sau một đêm lắc lư trên tàu với cái lạnh thấu xương của những ngày cuối Đông đầu Xuân, chúng tôi mở cửa sổ để đón ánh nắng ấm áp đầu ngày. Càng đi về phía Tây Bắc, sự khác biệt càng rõ hơn, đặc biệt là những cơn gió của sa mạc kéo theo bụi cát và những bụi cỏ lớn chết khô hoặc những ngôi làng dân cư thưa thớt. Cảm giác như đang đi trên một đất nước khác chứ không phải một Ấn Độ của những đám đông cuồng đạo chen chúc như Varanasi hay cái ngột thở của hai mặt đối lập giàu nghèo như ở Delhi. Dấu hiệu để nhận biết chúng tôi đang ở trên đất nước Ấn Độ là lâu lâu, dọc đường tàu tiến về sa mạc, những cư dân hồn nhiên ngồi chồm hổm khoe mông sau những bụi cây thưa để thực hiện công việc… bài tiết buổi sáng. Nghe nói vào những lúc không có tàu chạy qua, họ còn ngồi hẳn trên đường tàu để làm công việc đó. Will Durant nói người Ấn Độ coi nhà ga như ngôi làng của họ, còn đường tàu thì như nhà của họ – vế sau là tôi thêm vào!

Golden Fort nhìn điểm cao nhất xuống thành phố Jaisalmer và nhìn từ sân thượng của khách sạn lên

Jaisalmer là thành phố cuối cùng của bang Rajasthan nằm trên sa mạc Thar rộng lớn ở phía Tây Bắc Ấn Độ. Thành phố này còn nổi tiếng với tên gọi “Golden City” để phân biệt với 3 thành phố khác của bang Rajasthan là “Pink City”- Jaipur, thủ phủ của bang; “White City” – Udaipur và “Blue City” – Jodhpur. Mỗi thành phố có một màu sắc chủ đạo, chủ yếu dựa vào các công trình kiến trúc hay các di sản nổi bật của thành phố. Và đúng như tên gọi, khi đặt chân xuống ga tàu ở Jaisalmer, chúng tôi đã nhận thấy một màu vàng của đá sa thạch phủ khắp thành phố, từ những di sản, công trình kiến trúc của lịch sử đến những ngôi nhà của người dân…

Hai góc nhìn ở hai thời điểm khác nhau trong ngày đem đến những màu sắc khác biệt

Là một đất nước của những tôn giáo đa thần lại trải qua một lịch sử nhiều biến động với những cuộc chiến tôn giáo giữa đạo Hindu và đạo Hồi nên Ấn Độ có một hệ thống di sản rất đặc biệt và trải rộng khắp đất nước. Tôn giáo nào cũng tranh giành sức ảnh hưởng nên di sản để lại đều rất đẹp và kì vĩ. Đạo Hindu nổi tiếng với những Temples (ngôi đền), đạo Phật với những Pagoda (Chùa) trong khi Hồi giáo lại gây ấn tượng với những Mosques (Thánh đường) rộng lớn… Đạo Hồi còn để lại nhiều di sản kiến trúc lớn cho Ấn Độ, trong đó phải kể đến các Mauloseum hay Tomb (Lăng mộ) mà Taj Mahal là di sản nổi tiếng nhất và các Fort (pháo đài), những thành trì kiên cố vững chắc để bảo vệ thành phố khi có chiến tranh. Nếu Fort ở Arga và Delhi nổi bật với màu đỏ thì ở Jaisalmer, đúng như tên gọi của nó – Golden Fort gây ấn tượng mạnh mẽ với một pháo đài kỳ vĩ nằm ở trung tâm thành phố, nổi bật với màu vàng cát sa mạc. Pháo đài này được xây dựng từ năm 1156 dưới thời cai trị của vua Jaisal Rawal và đến nay vẫn được coi là một trong những pháo đài lớn nhất thế giới. Trong suốt lịch sử tồn tại gần 900 năm, Golden Fort đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với những trận đánh lớn nhưng đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Sở dĩ Golden Fort được xây dựng kiên cố và kỳ vĩ như vậy vì Jaisalmer nằm ở một vị trí đặc biệt về địa lý, từng là cửa ngõ giao thương của các thương gia Ấn Độ với bên ngoài, đặc biệt là các nước Trung Đông, Ai Cập hay châu Phi…

Bên trong Golden Fort

Khách sạn chúng tôi ở cách Golden Fort ở một khoảng cách rất gần. Tầm ngắm đẹp nhất là ở sân thượng, nơi có thể nhìn toàn cảnh pháo đài. Ở những thời điểm khác nhau trong ngày, dù vẫn với màu vàng chủ đạo, nhưng màu sắc của Golden Fort cũng thay đổi theo ánh nắng mặt trời chiếu vào: có khi là màu vàng rực rỡ của ánh bình minh; màu vàng nâu xám xịt khi mây đen kéo đến rồi khi mây tan và trong ánh hoàng hôn là màu vàng mật. Đi len lỏi qua những con đường hẹp để tiến vào bên trong, càng thấy được sự kì vĩ của nó với những bức tường thành cao đến 76m, có đến 99 tháp canh, 4 cổng thành đồ sộ  và 3 lớp thành bảo vệ. Những chạm trổ tinh xảo trên nền đá sa thạch càng cho thấy sự tài hoa và kỳ công của người xưa…

Đi một vòng trong bảo tàng, lắng nghe lịch sử gần 900 năm đầy biến động của pháo đài qua tai nghe của chiếc audio và khi đứng ở điểm cao nhất của pháo đài này, cảm xúc của tôi như vỡ òa khi nhìn thấy cả thành phố Jaisalmer như nằm gọn trong tầm mắt với những ngôi nhà kiên cố kiểu sa mạc và một màu vàng đồng nhất. Khác với những di sản ở Ấn và nhiều nơi trên thế giới chỉ để khách du lịch chiêm ngưỡng, Golden Fort là một di sản “sống”, là nơi sinh sống và kinh doanh của những cư dân thành phố. Bên trong pháo đài có các cửa hàng nhỏ bày bán những đồ thủ công mỹ nghệ, gấm vóc, thảm thêu tuyệt đẹp, hay các món đồ lưu niệm xinh xắn. Du khách vừa có thể dạo bước len lỏi trong pháo đài, vừa có thể chọn một quán cà phê có tầm nhìn đẹp để ngắm toàn thành phố nhờ vị trí đắc địa của Golden Fort…

2.
Nhưng ở Jaisalmer không chỉ có Golden Fort tráng lệ như xứ sở cổ tích của Ngàn lẻ một đêm mà còn nổi tiếng với những chuyến hành trình vào sa mạc Thar trên lưng lạc đà. Đó là những trải nghiệm đặc biệt khiến tôi phải gọi chuyến hành trình này là “best exotic trip of my life” (Chuyến du lịch kỳ thú nhất trong đời).

Khám phá sa mạc Thar trên lưng lạc đà là một trải nghiệm kỳ thú ở Jaisalmer

Tôi cũng đã từng cưỡi lạc đà trên sa mạc ở Dubai, nhưng đó là kiểu… cưỡi lạc đà xem hoa, đúng 5 phút đã bị đuổi xuống để dành chỗ cho một hàng dài du khách háo hức đứng chờ. Còn ở sa mạc Thar thì chẳng có ai tranh giành hay chờ đợi cả, mỗi người một lạc đà cho chuyến hành trình 2 ngày 1 đêm. Sa mạc Thar ở Jaisalmer cũng khác hẳn sa mạc ở Dubai, nói đúng ra, nó là một kiểu bán sa mạc, tức là không chỉ là những đụn cát mênh mông mà vẫn có cây cối mọc, những bản làng của người dân sinh sống. Dọc đường thi thoảng có những đàn nai phóng vun vút; những đàn dê, cừu thong thả gặm cỏ; những chú công xòe cánh để thu hút bạn tình, những giống cây hoặc hoa dại mọc trên cát có hình thù rất bắt mắt…
 
Hóa ra cưỡi lạc đà không sung sướng như tôi tưởng, sau lúc đầu phấn khích vì trải nghiệm đặc biệt này, cả ba chúng tôi đều đau mông ê ẩm do kiểu đi lắc lư của lạc đà. Đến trưa, Kan, anh hướng dẫn viên người Hồi, mới 31 tuổi mà trông như 51, dáng người khắc khổ cho dừng lạc đà ở một dune cát giữa sa mạc mênh mông và không một bóng người. Kan làm việc cho công ty du lịch, một kiểu hướng dẫn viên đa năng, vừa huấn luyện lạc đà kiêm luôn đầu bếp. Kan bắt chúng tôi đi nhặt củi khô để nhóm lửa, còn anh thì chuẩn bị nấu nướng. Buổi trưa có món Chai, một thứ đồ uống phổ biến khắp Ấn Độ, súp rau cà ri và nhào bột làm bánh nướng. Chúng tôi ăn như những kẻ du mục chính hiệu. Trong vị súp mặn đắng thi thoảng lẫn vào vài hạt cát, nhưng có lẽ trải nghiệm thú vị khiến cả ba đứa ăn rất ngon miệng. Ăn xong thì ngả lưng trên sa mạc, ngủ một giấc giữa tiếng chim huyên náo vì phát hiện có khách lạ.

Buổi tối trên sa mạc

Buổi chiều, Kan đưa chúng tôi quay về một dune để hạ trại. Buổi tối có thêm một cặp du khách người Úc và 2 người bạn đồng nghiệp của Kan. Khi ánh mặt trời đỏ ối rồi khuất dần, bóng đêm bao trùm khắp sa mạc với những cơn gió lạnh buốt. Chúng tôi được đưa đến một ngôi làng gần đó của dân bản địa để thưởng thức một show diễn kiểu truyền thống dân gian của người Rajasthan rồi mới quay về ăn tối. Thực đơn buổi tối cũng không khác buổi trưa là mấy, chỉ khác là ăn bên ánh lửa bập bùng của đống lửa giữa sa mạc. 10h tối, sau một chương trình giải trí tổng hợp, không còn gì để làm nữa, cả bọn kéo nhau đi ngủ. Đôi tình nhân người Úc được ngủ trong lều, còn ba chúng tôi thì ngủ ngay giữa trời, với một lớp đệm bên dưới và… 5 lớp chăn đắp lên người, không thể nào cựa quậy nổi. Trăng non đầu tháng và những vì sao lấp lánh đầy trời tỏa một thứ ánh sáng ma mị như ở một xứ sở huyễn hoặc nào đó.  
 
Ánh nắng buổi sáng tràn ngập các dune cát và tiếng chim chóc hót tưng bừng đánh thức chúng tôi dậy. Ở mỗi thời khắc, sa mạc lại mang đến một cảm giác khác. Với tôi, ngắm sa mạc lúc hoàng hôn, giữa ánh trăng non, những vì sao giữa đêm và ánh mặt trời lúc bình minh là những trải nghiệm khó quên nhất giữa sa mạc Thar.

Sau bữa sáng được nhóm tour guide chuẩn bị chu đáo, chúng tôi leo lên lưng lạc đà đi tiếp một chặng đường sa mạc rồi lên xe Zeep để trở về Jaisalmer.

Chuyến du hành trên đất Ấn sắp kết thúc.

Ngôi nhà của một người dân bản địa ở sa mạc

3.
Đêm cuối ở Ấn, sắp kết thúc chuyến hành trình nửa tháng không thể nào quên. Hai chuyến trekking, một đi bộ 16 giờ trong hai ngày lên dãy Himalaya ở Nepal, một cưỡi lạc đà vào sa mạc Thar. Cuốc bộ hàng chục cây số ở Varanasi, chứng kiến nỗi thống khổ của dân cuồng đạo. Đến Agra ngắm đền Taj Mahal, một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, trải qua gần 5 thế kỷ mà vẫn đẹp tuyệt vời. Hai mặt của Delhi, một New Delhi hiện đại văn minh, một Old Delhi của những dãy nhà ổ chuột dọc đường tàu với những căn nhà tạm còn tệ hơn cả chuồng bò, rác rến ngập tràn, mùi khai nồng nặc. Và không thể quên là 3 ngày tuyệt vời ở Jaisalmer, ngạc nhiên với một Ấn Độ thật khác biệt với Golden Fort đẹp kì vĩ. Nhớ nhất là lúc ngồi cà phê trên sân thượng ngắm pháo đài gần một thiên niên kỷ hay đêm ngủ giữa sa mạc ngàn sao…  

Điệu múa truyền thống của Rajasthan trong một show diễn

Trong chuyến bay dài trở về, tôi lật giở cuốn Lonely Planet Ấn Độ, thấy còn hàng chục điểm kì thú muốn đi, phía Đông Bắc là đất Phật gần dãy Himalaya, Buhtan, Tibet; miền Trung có những ngôi đền nổi tiếng, nơi khai sinh Kama Sutra; miền Tây Nam có Mumbai với Bollywood phù phiếm; tận cùng phía Nam nơi giao nhau của ba vùng biển vịnh Begal, Ấn Độ Dương và biển Ả Rập, có vùng Pondycherry quê hương của chàng Pi trước khi gặp kiếp nạn trên đại dương… Tôi đã phải lòng xứ này, hứa với lòng sẽ quay lại một dịp nào đó để đi hết những vùng đất tuyệt vời trên đất Ấn…

Hai ông cháu trước một ngôi nhà của người dân vùng sa mạc

Một cô bé Hindu trên chuyến tàu

 Text: Le Hong Lam
Photo: Phuong Huynh

Thực hiện: depweb

10/07/2013, 13:57