Ấn Độ – “Đi là chết một ít…” (kì 2)

Ấn Độ – “Xứ sở diệu kỳ” hay “Một đi không trở lại”?


 

Taj Mahal – ngôi đền của tình yêu – một kiệt tác kiến trúc của Ấn Độ, tồn tại gần 5 thế kỷ 

1. Điều gây ấn tượng mạnh nhất ở Ấn Độ với tôi là… người, tất nhiên là ở khía cạnh không lấy gì làm tích cực. Chưa ở đâu và chưa bao giờ, cảm giác ngộp thở do người và mùi người gây ra lại dễ gây sốc như ở Ấn. Trung Quốc mới là đất nước có dân số đông dân nhất thế giới: hơn 1,3 tỷ người. Ấn Độ… chỉ đứng thứ nhì, theo sát đằng sau với gần 1,3 tỷ người trong cuộc thống kê mới nhất. Có điều diện tích Trung Quốc gấp 3 lần Ấn Độ. Tôi đã từng ngộp thở khi phải xếp hàng ở Thượng Hải để đi thăm một di sản văn hóa, lạc trong một đám đông cả ngàn người ở Thâm Quyến trong một hội chợ. Đến Ấn Độ, hãy nhân chúng lên 3 lần để hiểu được cảm giác của tôi. 

Tôi lập tức phải tìm hiểu nguyên do tại sao đất nước này lại sinh đẻ vô tội vạ như vậy. Trong cuốn “Lịch sử Văn minh Ấn Độ”, nhà sử học Will Durant cho biết, vào những năm 1930, dân số Ấn mới khoảng 300 triệu người, chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới ở thời điểm đó. Khoảng 20 năm sau, vào thập niên 50, khi nhà báo Ba Lan Ryszard Kapuscinski đặt chân đến Ấn, dân số vào khoảng 500 triệu người (thông tin trong cuốn “Du hành cùng Herodotus”). Và năm 2013, dân số Ấn đạt con số 1,283 tỷ người, theo wikipedia. Như vậy, trung bình, cứ một thập niên, dân số Ấn tăng thêm 100 triệu người. Khủng khiếp! 

 

Hình ảnh quen thuộc trên những đường phố ở Ấn Độ

Mahatma Gandhi, nhân vật chính trị kiệt xuất, vị cha già của dân tộc lãnh đạo đất nước Ấn Độ chống lại sự xâm lược của thực dân Anh, giành lại độc lập cho đất nước với chủ thuyết bất bạo động nổi tiếng. Từ một vị luật sư tài giỏi và sống sung túc ở Nam Phi, khi trở về Ấn, ông quyết định chọn lối sống khổ hạnh và diệt dục từ năm 35 tuổi. Có vẻ như Gandhi đã truyền được chủ thuyết bất bạo động và chủ nghĩa khổ hạnh cho người Ấn, nhưng ông không truyền được… cảm hứng cho họ về chủ nghĩa diệt dục. Ở cái xứ sở nóng lạnh bất thường này, không hiểu sao dân số lại sản sinh và tăng một cách chóng mặt đến vậy? Tự hỏi vậy rồi chợt nhớ, đây là xứ sở đã sản sinh ra bộ kinh Kama Sutra từ thế kỷ 12!

 

Trong cuốn tiểu thuyết “The White Tiger” đoạt giải Man Booker của A. Adiga, nhà văn người Ấn này ví von những người đồng hương của mình với những chú gà và sống trong những cái chuồng gà. Quả là những ví von tài hoa, khi bạn nhìn thấy hàng ngàn, hàng vạn người ken đặc trên đường phố ở Varanasi, chen chúc vật lộn trên hàng trăm chuyến tàu tỏa đi khắp đất nước hay trong khu phố cổ ở Old Delhi. Trong một số tạp chí dành cho đàn ông mà tôi mua trên đất Ấn, có một bài phóng sự độc quyền của một phóng viên kể về một gia đình lớn nhất thế giới ở một tỉnh miền núi phía Bắc Ấn. Trong cái gia đình khổng lồ đó, một người đàn ông có đến 39 người vợ, 81 người con và 161 người cháu. Họ sống quây quần và tạo thành một cái cộng đồng, một cái làng của riêng họ và ngày càng sinh sôi nảy nở!

 

Không chỉ đối mặt với tình trạng tăng dân số không cách gì phanh lại được, Ấn Độ còn nổi tiếng là một đất nước bao dung, sẵn sàng đón nhận hàng triệu người tị nạn mỗi năm trốn chạy từ khắp mọi cuộc xung đột trên thế giới, từ Tây Tạng, Iran, Iraq, Afghanistan, châu Phi, Bangladesh… Một nhà văn đã kết luận rằng: “Với người ngoài là vậy, với người cùng một nước, dù có thể nóng nảy, thiếu kiên nhẫn trong xử sự hàng ngày nhưng nhìn chung, người Ấn Độ giỏi chịu đựng và khoan dung lẫn nhau. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để họ sống sót cùng nhau, nếu không tất cả sẽ phát điên và chết”.

2. Ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal – một trong những kỳ quan của thế giới có lẽ cũng xuất phát từ chuyện sinh đẻ.. không có kế hoạch của vua chúa người Ấn xưa. Ngôi lăng mộ bằng đá cẩm thạch tráng lệ và tuyệt đẹp này được vị vua Hồi giáo Shah Jahan ra lệnh xây dựng để tưởng nhớ người vợ yêu dấu của ông, người qua đời sau khi sinh đứa con… thứ 14 của họ. Tôi thử đặt một giả thiết vu vơ: nếu hoàng hậu không phải đẻ nhiều như thế, không phải băng huyết mà chết thì liệu có tồn tại một kiệt tác kiến trúc tồn tại hơn 5 thế kỷ như thế không?! Một lần nữa, tôi phải nhắc lại đây chỉ là một giả thiết vu vơ mà thôi, bởi nếu giả thiết mà đúng thì đã không có lịch sử!

 

Điểm nhìn Taj Mahal từ sân thượng của một quán cà phê gần đó

Sau một đêm chen chúc với đám đông người Hindu trên tàu từ Varanasi, Agra đón chúng tôi trong ánh bình minh. Thành phố có di sản được Unesco công nhận là Di sản thế giới gần như sớm nhất (1983) có vẻ yên bình và trật tự hơn hẳn Varanasi, ít nhất là không còn thấy những chú bò đi lại nằm ngồi như những vị thần và hồn thiên thả chất thải đầy đường phố. 

Chúng tôi gửi hành lý ở ga tàu để đi thăm Agra fort, một pháo đài kỳ vĩ nằm sát ngay ga tàu, một trong 2 di sản nổi bật nhất ở thành phố này và được Unesco công nhận là Di sản thế giới. Đây cũng là pháo đài nhốt vua Jahan sau khi xây dựng xong ngôi đền Taj Mahal chỉ khoảng vài năm. Và người lật đổ ngôi vua và bắt nhốt ông trong pháo đài Agra không ai khác mà là vị hoàng tử cả con vua. Nghe nói, những năm cuối đời, vua Jahan thường nhìn về ngôi đền Taj Mahal cách đó chỉ 2 cây số để tưởng nhớ người vợ và những năm tháng trị vì của mình – một trong những triều đại phát triển hưng thịnh nhất và để lại nhiều di sản văn hóa nhất cho Ấn Độ. Chúng tôi cũng thử nhìn ngắm Taj Mahal từ Arga fort nhưng phải một hồi lâu, khi ánh mặt trời lên cao xua tan đám sương mù, ngôi đền màu trắng mới hiện ra mờ ảo. 

Điểm nhìn ngắm Taj Mahal thú vị nhất có lẽ là từ các quán cà phê trên sân thượng của các khách sạn, nhà hàng gần đó, với tầm nhìn chỉ khoảng 500m. Từ vị trí trên cao, nhấm nháp một li capuccino và bình thản ngồi ngắm ngôi đền màu trắng, giờ đây hiện ra càng lúc càng gần hơn, tất nhiên phải đưa tầm mắt qua những dãy nhà xây cất lộn xộn và xấu xí. Một sự tương phản không gì thú vị hơn, giống như để bước vào một khu rừng tuyệt đẹp, bạn phải vượt qua một chặng đường lầy lội và dơ bẩn. Ở Ấn, đôi khi thật khó lý giải, những di sản của tiền nhân được xây cất từ 5, 7 thậm chí chục thế kỷ to lớn, kỳ vĩ bao nhiêu thì những công trình nhà cửa của con người thời nay lại tầm thường và xấu xí bấy nhiêu. Ai đó nói rằng, “con người càng sống càng bé lại”, không phải là không có lý!

 

Một người đàn ông theo đạo Hồi đang quỳ lạy trong Jama Masjid – thánh đường Hồi giáo lớn nhất ở Ấn 

Sau khi nhìn ngắm từ trên cao, chúng tôi mua vé để vào bên trong. Càng tiến đến gần,vẻ đẹp của nó càng quyến rũ, bởi kiến trúc tuyệt đẹp của nó và cả cái bóng lung linh soi xuống mặt nước. Ngôi đền được xây dựng vào năm 1632 và hoàn thành vào năm 1648, 16 năm hoàn thành với hàng triệu nhân công để có được một tuyệt tác kiến trúc, một minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu qua gần 5 thế kỷ vẫn không phai mờ. 

Trước ngôi đền này, Will Durant phải thốt lên rằng: “Lăng Taj Mahal không phải là kiến trúc vĩ đại nhất, nhưng phải thừa nhận là đẹp nhất thế giới. Khi đứng xa xa một chút để không thấy các chi tiết thì ngôi đền có vẻ đẹp hơn là đồ sộ; có lại gần rồi mới thấy sự hoàn hảo của nghệ thuật đáng kể hơn kích thước của đền. Sống ở cái thời hăm hở, vội vàng này, thấy chỉ trong một hai năm cất xong được những ngôi nhà vĩ đại cao cả trăm tầng, chúng ta nên nhớ rằng hai mươi hai ngàn người đã phải làm trong hai mươi năm mới xây xong được cái lăng kích thước tương đối nhỏ đó, nhớ như vậy rồi mới thấy được nghệ thuật và kỹ nghệ khác nhau ra sao. Để hoài bão rồi thực hiện một công trình kiến trúc như Taj Mahal, có lẽ cần một nghị lực, một chí cương quyết cao hơn nghị lực và chí cương quyết của nhà chinh phục lớn nhất thế giới nữa. Thời gian nếu có trí khôn thì nên tàn phá hết những cái khác đi rồi hãy tàn phá Taj Mahal, để cho người cuối cùng còn sống sót được niềm an ủi này là trước khi nhắm mắt được thấy chứng tích lòng cao thượng của loài người”.

Trước những dòng này của Will Durant, tôi phải buông bút bởi những cảm thán dễ sa vào sáo ngữ và thậm chí thừa mứa tính từ của mình. 

 

Pháo đài kì vĩ Agra Fort 

Buổi chiều muộn, trước khi rời Agra để về Dehli, chúng tôi đi bộ ra bờ sông và nhìn Taj Mahal từ phía sau. Đây cũng là một trong những điểm ngắm Taj Mahal đẹp nhất, bởi vào lúc hoàng hôn, ngôi đền cẩm thạch màu trắng này lại soi bóng mình xuống dòng sông. Trong sử sách còn viết rằng, đương thời, sau khi xây xong Taj Mahal, nhà vua còn dự định xây dựng một ngôi đền màu đen bên kia sông để đối lập với ngôi đền trắng, nhưng dự định chưa thành thì ông bị con trai phế ngôi và cuối cùng chết cô đơn trong pháo đài Arga những năm cuối đời…

 

Taj Mahal nhìn từ bờ sông lúc hoàng hôn 

3. Chuyến tàu chạy từ Arga về Delhi có lẽ là loại tàu tốt nhất, có lẽ để phục vụ cho du khách nước ngoài hơn là người dân trong nước. Một năm, riêng Taj Mahal đã đón hơn 3 triệu lượt du khách quốc tế đến thăm, mang lại một nguồn thu đáng kể cho du lịch của Ấn Độ. Chặng đường khoảng 2 giờ đi tàu từ Delhi về Arga và ngược lại vì thế mà được đầu tư không kém gì những chuyến tàu tôi từng đi ở châu Âu. 

Delhi, thủ đô và một trong những trọng điểm kinh tế của Ấn cũng giống như phần lớn các thành phố khác trên đất nước tỷ dân này: luôn luôn trong tình trạng đối cực. Ở khu New Delhi, chủ yếu do thực dân Anh xây dựng khi xâm chiếm đất nước này dành cho dân nhà giàu: những đại lộ rợp bóng cây xanh, nơi dường như chỉ dành cho những chiếc xe đời mới nhất. Các khu shopping mall, khách sạn, nhà hàng hiện đại và sang trọng không kém gì các nước châu Âu. Các tạp chí thời trang hàng hiệu thành công nhất như Vogue, GQ, Bazzar, Elle… phiên bản Ấn sang trọng và phù phiếm không kém gì các quốc gia khác. 

 

India Gate – đài tưởng niệm quốc gia nằm ở khu New Delhi 

Nhưng chỉ cách đó khoảng vài cây số, khu Old Delhi hiện lên với những góc nhìn đối cực khó tưởng tượng.  Nổi bật nhất ở khu Old Delhi là thánh đường Hồi giáo Jama Masjid (được xây từ thế kỷ 16, cùng thời với Taj Mahal) lớn nhất ở Ấn với sức chứa hơn 25.000 tín đồ đến cầu nguyện hay Pháo đài đỏ (Red Fort) rộng lớn – những di sản đặc sắc của người Hồi. Nhưng chỉ cần rời khỏi hai di sản này vài bước chân, đập vào mắt tôi là một thế giới bần cùng của những thân phận cu li và người nghèo bán sức lao động trên đường phố. Những phu xe mặt mày khắc khổ đang thồ hàng ì ạch lên dốc, đám xe rickshaw chạy bát nháo không theo một trật tự nào, những ngõ ngách bé xíu ken đặc người và hàng hóa. Còn đi ra ngoại ô không xa trung tâm thành phố lắm, những dãy nhà ổ chuột mọc lên như nấm dọc đường tàu. Chúng tạm bợ và nhếch nhác đến nỗi chỉ cần một cơn gió mạnh cũng đủ thổi bay tất cả. Đám trẻ con hồn nhiên vui đùa trên những đống rác khổng lồ không ai thèm dọn dẹp và mùi khai bốc lên nồng nặc. Có đến chứng kiến hai mặt đối lập ở thành phố này, tôi có cảm giác câu chuyện cổ tích thời hiện đại như trong bộ phim “Slumdog Millionnaire chỉ là… fantasy mà thôi”.  Trong khi đó, những mặt tối và chênh lệch giàu nghèo dễ dẫn đến những tệ nạn xã hội như trong cuốn tiểu thuyết “The White Tiger” mà A.Adiga miêu tả hay nạn hiếp dâm tập thể rộ lên ở Ấn Độ trên báo chí gần đây.

Một câu chuyện cổ tích đổi đời cho hàng trăm triệu người nghèo ở Ấn, cho dù quốc gia này đang trở thành một cường quốc ở châu Á có vẻ như còn xa lắm…

 

Text: Lê Hồng Lâm
Photo: Phương Huỳnh

 


From the same category