Ăn dặm không phải là để "nhồi" dưỡng chất cho con - Tạp chí Đẹp

Ăn dặm không phải là để “nhồi” dưỡng chất cho con

Sống

Chuyên đề “Và mẹ đã lớn lên như thế, cùng con”

Làm mẹ là một công việc vô cùng khó, mà lại không có thời kỳ “thực tập”. Vì thế mà mẹ cũng có nhiều lúc “sa lầy” vào những quan niệm sai lầm. Nhưng, cùng với quá trình trưởng thành của con, mẹ đã học được những bài học cho riêng mình. Và, mẹ đã lớn lên như thế, cùng con.

>> Ăn dặm không phải là để “nhồi” dưỡng chất cho con

>> Nhu cầu ăn của con không phải do mẹ quyết định

>>  Ăn dặm thế nào cho … sung sướng?

Chuyện về những câu hỏi “không đâu vào với đâu”

Hồi My 6 tháng, mọi người xung quanh đều nói với mẹ rằng, vì sữa không còn đủ dinh dưỡng cho My, nên mẹ cần phải cho My ăn dặm. Mẹ xay bột cho My, có đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong mỗi bữa. Nhưng sự thể không hề dễ chịu chút nào. Hết một tuần đầu tiên, ngày nào em cũng “hợp tác” với mẹ ngon lành. Nhưng đến tuần thứ 2, nhìn thấy bát bột, ngửi mùi bột là em khóc thét. Ông bà và bố mẹ lo lắng lắm, sợ em suy dinh dưỡng nên bắt đầu bế rong. Mỗi ngày 1 tiếng đồng hồ, mẹ hết đi ra ngõ lại quay vào nhà để nhồi bột cho My nuốt, chưa kể bà bế, ông hò hét, bố đi theo dọa dẫm. Có lúc My chán ăn quá, giãy giụa oằn oèo, và nôn trở ra hết số bột vừa cố dỗ bé ăn. Bao nhiêu công sức của cả nhà đi tong.

Mẹ liền gọi điện cho bác sĩ tư vấn ở trung tâm dinh dưỡng, hỏi vì sao, mẹ làm sai chỗ nào, mẹ đổi món rồi: bột bò, bột gà, bột rau củ quả không bữa nào trùng nhau; mẹ dỗ dành rồi, mẹ có quát mắng đâu. Mẹ cố gắng lắm rồi, sao My không chịu ngồi ăn và cười tươi như những em bé trong tờ rơi của ngành y tế? Bác sĩ cáu lên, mắng mẹ “phải kiên nhẫn chứ”. Mẹ hỏi cụ thể rằng kiên nhẫn thế nào, bác sĩ quát mẹ thêm lần nữa “Chị đẻ ra con chị hay tôi đẻ ra mà chị hỏi không đâu vào đâu như vậy hả. Tôi bận lắm, tôi còn phải bảo chị làm gì hay sao?”.

Thay đổi từ quan niệm

Hóa ra, chính cái quan niệm “sữa không còn đủ dưỡng chất nên phải ăn thêm” đã làm cho mẹ sa lầy! Mẹ may mắn có một số người bạn định cư ở nước ngoài, họ cũng đã nếm đủ mùi “nuôi con kiểu cổ”. Nghe mẹ tâm sự, họ bật cười, và cho mẹ đọc rất nhiều tài liệu. Hóa ra không ở đâu người ta quan niệm “ăn dặm là chính, sữa là phụ” cả. Sữa mới là nguồn dinh dưỡng chính cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi. Sữa cực kỳ quan trọng. Con cần phải uống sữa, uống thoải mái theo nhu cầu để không bị đói và không thiếu chất. Chính sữa sẽ là phần “bù trừ tương đối” ngay cả những khi con biếng ăn sinh lý – thời kỳ con bỗng thấy chán ăn. Trong lúc ấy, mẹ có thể để con nhịn ăn mà vẫn uống sữa suông cả tuần, thậm chí lâu hơn mà không lo lắng gì, nếu con không sẵn sàng ăn dặm.

 

Như vậy là ăn dặm, hiển nhiên, không phải là để nhồi dưỡng chất cho con! Lượng dinh dưỡng con thu được qua những lần ăn dặm, thật ra là chẳng đáng kể gì. Vì mục đích ăn là để tập, những bữa ăn phải là khóa học đầu tiên của con về thế giới và làm quen vận động: tập bốc, tập nhai, tập cảm nhận hương vị và màu sắc…

Và “hành động”

Mẹ bắt đầu bày thức ăn thành từng món riêng, trang trí thật xinh trong chiếc đĩa nhiều ngăn, để con tự chọn món ăn mà con thích. Con có thể chỉ ăn chút rau mà không ăn thịt, chỉ gặm chút hoa quả mà không động đến chút cháo, bột nào mẹ cũng tạm hài lòng. Đó mới thật sự gọi là đổi món. Nếu làm theo cách cũ, dù có là thịt hay cá hay rau củ quả thì băm nhuyễn ra, trộn đều lên đều ngán ngán như nhau. Con cần phải biết đâu là rau ngót, đâu là củ cải; thế nào là hương vị thịt bò và thịt lợn luộc có gì khác biệt với thịt hầm không. Đôi khi, mẹ cũng nấu chung. Nhưng việc nấu chung cần tuần thủ nguyên tắc không tùy tiện. Trộn chung phải làm cho món ăn ngon hơn bởi những nguyên liệu hợp vị nhau: như rau ngót nấu trong thịt nạc, mướp có thể nấu cua, bí nấu nạc gà… Nhưng nếu như trước đây, vì nghĩ trẻ con là phải ăn lẫn lộn, mẹ sẵn sàng cho rau ngót vào nấu cùng với đỗ xanh, cà rốt và cá. Nghĩ lại mà khiếp quá!

Dù ăn thật ít, hương vị đồ ăn vẫn phải thật tự nhiên. Mẹ đã không còn ép con ăn món bột có thêm dầu ăn và mắm muối “đậm đà” như trước. Việc đó ngoài làm mất đi hương vị tự nhiên, lâu dần con sẽ không muốn ăn những món ăn như rau củ quả, còn khiến thận của con phải vất vả hơn trong việc đào thải độc tố ra ngoài. Các tài liệu mẹ được tiếp cận cũng cho mẹ biết rằng nguyên nhân trẻ em nghiện bim bim, snack, fast food và đồ uống công nghiệp cũng bởi vì cha mẹ đã nêm nếm gia vị từ quá sớm.

Mẹ giấu tiệt mấy chai thuốc kích thích trẻ ăn nhiều, do bố và ông bà con, trong lúc cuống quýt đã mua về. Mẹ nghĩ, không gì quan trọng hơn việc kích thích con ăn uống tự nhiên và chấp nhận dừng lại khi con không sẵn sàng.

Một điều nữa khiến mẹ nhẹ nhõm và vui vẻ, đó là mẹ đã không còn phải mất thời gian cho con ăn riêng rồi mới ngồi vào ăn cùng cả nhà. Đến bữa, nhà mình cùng ăn cơm. Con ngồi ghế ăn riêng, và thức ăn được đặt trên khay của ghế ăn, cạnh ông bà, bố mẹ. Nhà mình nói chuyện với con, hỏi han con, và được tận hưởng không khí gia đình, được nghe mọi người nói chuyện, lại thoải mái quan sát cách người lớn nhai, nuốt bằng sự thích thú, hồ hởi vô cùng.

 

Làm mẹ là một quá trình “không thực tập”. Nhưng không có nghĩa là không thể nào khắc phục những sai lầm. Mẹ tin, với sự điều chỉnh đúng đắn và dũng cảm, mẹ và con sẽ đến đích an toàn và hạnh phúc!

Bài và ảnh: Trúc An
logo

Mẹ sẽ hà tiện từng 30 phút mỗi ngày, để có nhiều thời gian ở bên con


Thực hiện: depweb

26/05/2014, 11:23