Chẳng riêng “ăn gì?”, mà “ăn đâu?” cũng là một mệnh đề gợi lên cảm giác được thưởng thức và hưởng thụ. Không biết đến bao giờ, trong giấc mơ tôi, mới gợi sự trở về êm ái của một khung cảnh thanh bình. Khi nào buồn, tôi thường nhớ đến nơi chốn ấy, nơi của sự thanh thản, của những cảm giác bình yên đã trôi qua mà dường như không chút bụi trần nào có thể vương lại.
Hôm ấy, lần đầu tiên tôi được ăn cơm chay tại chùa Thầy trong một buổi sáng tĩnh mịch. Bạn đã bao giờ ăn cơm chay chưa? Bạn đã từng đến thăm chùa Thầy vào một buổi sáng đẹp trời nào chưa? Bước chân vội vã ở ngoài phố thị hãy dừng lại, đi thật nhẹ, thật khẽ, đừng vội vã nữa… Hãy thử tập bước đi bằng những bước chân an lạc.
Rồi bạn tưởng như lạc giữa một nơi nào đó thanh mát, lánh xa những cát bụi hè đường, đó là vườn phong lan ở chùa Thầy, nơi những giò hoa e ấp trong ánh xanh của những thân cây thẳng tắp. Nếu bạn có thiện duyên, bạn sẽ được sư thầy cho một bữa cơm chay. Và thật duyên hơn nữa, khi bạn được thầy cho phép ăn cơm ngay tại dưới vườn phong lan ấy. Thật là một sự bất ngờ, có lẽ, không bao giờ còn quay trở lại một cơ hội lần thứ hai trong đời.
Một chiếc chiếu được trải xuống nền đất ẩm ánh rêu xanh. Một sư cô nhẹ nhàng bưng mâm cơm ra, rồi chắp những ngón tay thon, cô niệm A Di Đà Phật, xin mời các Phật tử dùng bữa cơm chay của nhà chùa. Vườn lan nằm ở giữa những bức tường của chùa vây quanh. Đó đây, tiếng mõ vang lên, đều đều chầm chậm. Mùi hương trầm kín đáo thoang thoảng trong làn gió. Và tôi, như đang lạc vào nơi thời gian ngưng đọng.
Trong sự bình an ấy, tôi quan sát những món ăn. Vẫn là tương, là dưa, là rau, là đậu, là chuối xanh, nhưng quả thực, mâm cơm chay đãi khách hôm đó làm rất ngon, trình bày giản dị nhưng đẹp mắt, khiến cho lũ chúng tôi – những người đã quen thuộc với sự ồn ào, xô bồ của phố thị, bất chợt khẽ nghiêng mình trước sự thanh đạm của cơm chay.
Sau này, tôi được lộc ăn cơm chay tại chùa Hương. Khung cảnh không được tĩnh lặng như ở chùa Thầy cũng bởi chùa Hương vốn là chốn Tổ. Mỗi lần có hội, có giỗ, nhà chùa lo làm hàng trăm mâm cỗ phục vụ các phật tử khắp nơi về Hương. Khi ấy, là mùa xuân, những bông hoa gạo đang chuẩn bị một mùa hoa rực cháy ven bên bờ suối Yến. Những cánh hoa đại lặng lẽ thả mình, đưa hương quấn quýt theo khách vào chùa.
Nhà bếp ở chùa Hương dường như không đủ sức chứa khách, nên họ cũng được trải chiếu, ngồi ăn dưới gốc cây thị gần ngàn năm tuổi. Ở ngoài sân là vậy, nhưng nếu như ở trong trai phòng, trước bữa cơm chay, bạn sẽ được tăng ni hướng dẫn cách niệm Tam Đề, Ngũ Quán trước khi ăn. Miếng cơm thứ nhất: Nguyện đoạn trả hết thảy việc ác. Miếng thứ hai: Nguyện tu học hết thảy việc thiện. Miếng thứ ba: Nguyện cầu giúp hết thảy mọi người, mọi loài. Còn Ngũ quán, có nghĩa là biết ơn những người đã nấu ăn cho ta, soi chiếu xem bản thân ta đã xứng đáng ăn những vật phẩm ấy chưa, và đề phòng tâm tham nổi lên…
Và trong luồng gió xuân ẩm ướt, se se lạnh, những cánh đào phơn phớt hồng rung rinh, tâm hồn con người cũng nhẹ nhàng và cảm thấy hạnh phúc khi được ngồi trong trai phòng.
Nhà trai được thiết kế ngay gần bếp, có tượng Phật cai quản việc bếp núc. Trong nhà trai có bày những bộ bàn ghế và những tấm phản gụ màu nâu. Những chiếc mâm nhôm truyền thống vẫn được sử dụng. Tôi ngồi khoanh chân trên sập gụ và quan sát chiếc mâm có 6 bát, 6 đôi đũa, đôi bát canh, món đậu kho, lạc rang…
Chuyện ăn uống, giản tiện mà cũng trở nên nghiêm túc biết bao nhiêu. Ngồi cạnh tôi đây, toàn những thanh niên, đã quen chuyện ăn uống từ trên giời, dưới bể, từ đồng bằng đến miền biển, những thứ thức ăn của thị thành, hoặc trong các restaurant, hay các bar sang trọng. Ấy vậy mà họ trở nên thuần tính, nhẹ nhàng ăn uống, trong một không gian thấm đẫm chất Thiền.
Làm sao có thể ăn tục uống tục được, làm sao có thể cụng ly choang choác một hai ba zô 100%, làm sao có thể thanh toán những phiếu tiền ăn uống hết tới bạc triệu được. Ở cửa thiền, nhất là những nơi sơn môn, chuyện ăn uống đơn giản lắm, miễn là biết nấu ngon và đúng cách là được.
Chưa ở đâu, sự trân trọng những thức ăn giản dị được đề cao như ở trong chùa. Sự đề cao, tôn trọng đó, là do chính khi ăn, ta tự cảm nhận được, mọi điều, mọi vật đều không phô trương, mà chỉ bình lặng thường như vật tự nó.
Nhưng cuộc sống, rồi lại cuốn hút con người theo những bước đi của số phận. Làm sao lúc nào ta cũng có thể được ngồi trong một khung cảnh thảnh thơi, quẳng hết ưu phiền lo âu, để thưởng thức một bữa cơm chay của nhà chùa được?
Tìm đến các quán ăn chay ở thành phố. Và lòng ngậm ngùi, nhớ đến những bữa chay đơn giản của nhà chùa biết bao. Cơm chay ngoài quán có nhiều món làm giả các món mặn, các món Tàu, món Nhật chay lai Việt Nam… Tìm đến, như tìm một hơi hướng của sự giản đơn, như để giải toả nhu cầu tự thân.
Ngồi quán ăn chay một mình, và lắng nghe chuyện đời của bà chủ quán – một người đàn bà vốn bị bệnh ung thư đã ăn chay, để tự cứu sống đời mình. Con trai bà ăn chay từ năm 6 tuổi, và trở thành một vị tu hành. Rồi người đàn bà đó tìm thấy ánh sáng theo Phật pháp, bà đã đi tu.
Quán ăn chay của bà nhượng lại cho hai cô cháu. Khách tây, ta dập dìu. Quán nho nhỏ, bàn ghế bằng mây tre, trên trần nhà chăng những chiếc đèn lồng, nhưng chẳng mấy khi thấy bật sáng. Phía đằng trước có tủ kính bày những sách liên quan đến Osho, Yoga, Tử thư Tây Tạng… và sách dạy các phương pháp ăn chay khác.
Cũng những thức ăn đó, có khi nấu còn cầu kỳ hơn. Gạo thì dùng gạo lứt, cơm ăn xong có người dọn, chứ không tự đi rửa bát như khi ăn chay ở chùa Hương. Cũng thấy hay hay, khi thấy một chàng lãng tử, với khuôn mặt rất ngầu, vào quán và gọi một món chay nào đó, trầm ngâm lật giở trang sách mang theo, và không hề để ý tới ngoại cảnh xung quanh.
Nhưng sao lạ thật, ngồi quán ăn thức chay, một mình, hay với bạn, nhưng sao lòng vẫn cảm thấy cô đơn – thứ cảm giác không hề có khi ở chùa. Và có điều gì đó gợn lên, khi mỗi lần nghe cô chủ quán tính tiền, chợt giật mình, thấy tiền ăn chay ở thị thành, giờ sao đắt hơn cả tiền ăn “mặn”… Lòng bâng khuâng, biết bao giờ mới lại được có cảm giác khi ta ăn, ta biết mình đang ăn, khi ta thở, ta biết mình đang thở?