Thời gian vừa qua, cái tên Amanda Nguyễn đã viral khắp mạng xã hội bởi cô là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian. Thế nhưng câu chuyện của cô không chỉ dừng lại ở đó. Bên cạnh cột mốc trọng đại này, cô còn tích cực thành lập tổ chức riêng nhằm bảo vệ nhân quyền và đã góp phần thay đổi các bộ luật còn lạc hậu tại nhiều quốc gia. Vũ trụ mà Amanda Nguyễn chinh phục không chỉ là bầu trời rộng lớn, mà còn là xã hội tồn đọng nhiều bất công đối với con người, đặc biệt là người phụ nữ trong thời bình.
Vào năm 1995, cô gái nhỏ chỉ mới 4 tuổi, Amanda Ngọc Nguyễn cùng mẹ di chuyển từ mảnh đất hình chữ S đến đất nước nằm ở nửa kia bán cầu – Mỹ. Theo cô chia sẻ, bà làm vậy vì hy vọng mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho con gái. Về sau, con gái của bà trúng tuyển đại học danh giá Harvard và theo học chuyên ngành về vũ trụ học. Đồng thời, cô từng thực tập tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2013.
Năm thứ ba tại đại học Harvard, bang Massachusetts, ước mơ trở thành phi hành gia của Amanda đã buộc dừng lại. Cô bị lạm dụng trong ký túc xá của trường. Amanda liền trình báo cảnh sát, sau đó được yêu cầu đến bệnh viện địa phương để thu thập bằng chứng bị tấn công tình dục (rape kit). “Tôi đã chứng kiến một bộ máy hoàn toàn đổ nát. Tại trung tâm tiếp nhận các trường hợp bị xâm hại tình dục, họ còn chẳng chuẩn bị ghế cho nạn nhân ngồi trong lúc chờ đợi”, Amanda kể lại.
Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Amanda chưa vội đệ đơn kiện lên tòa án vì cô còn vướng bận thời gian làm việc tại Nhà Trắng, Mỹ (cách bang Massachusetts 6 tiếng đi xe). Thế nhưng, bằng chứng duy nhất có thể bảo vệ cô chỉ được bang Massachusetts lưu trữ trong 6 tháng. Điều này có nghĩa rằng, dù thời hạn xử lý hồ sơ của cô lên tới 15 năm, thì chứng cứ cũng không thể sử dụng nếu quá hạn 6 tháng.
Ngoài bang Massachusetts, thì New Hampshire chỉ lưu trữ chứng cứ trong 60 ngày, còn Florida chỉ có 30 ngày. Nhiều nạn nhân phải chờ đợi theo tháng, hoặc theo năm và buộc tự chi trả khoản tiền đắt đỏ để nhận kết quả xét nghiệm mẫu. Sau khi được trả mẫu, nạn nhân không được chính phủ hướng dẫn hoặc trợ giúp bảo vệ quyền lợi của mình.
Amanda Nguyễn chỉ còn 2 lựa chọn, một là cô phải từ bỏ, hoặc hai cô phải viết lại dự luật mới. “Tôi chưa từng nghĩ rằng bản thân lại rơi vào tình huống như vậy, và tôi cũng không biết mình cần phải làm gì. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải bước tiếp con đường của chính mình. Tôi nhận ra rằng, đây không chỉ là câu chuyện của riêng tôi. Vì vậy, tôi đã quyết định viết lại bộ luật, và tôi đã thắng”, Amanda chia sẻ.
Năm 2014, Amanda Nguyễn cùng với sự trợ giúp từ những bạn nữ khác, đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ và mở rộng quyền lợi của những người sống sót – Rise. Amanda cùng các nhân sự trong tổ chức soạn thảo các dự luật, và dành ra 14 tiếng tại Toà thị chính Boston, bang Massachusetts để tuyên truyền dự luật và vận động mọi người cùng tham gia.
Dự luật hướng tới xử lý các vấn đề tồn đọng, bao gồm thời hạn lưu trữ chứng cứ kéo dài tối đa 20 năm, nạn nhân không phải chi trả khoản tiền xét nghiệm thu thập chứng cứ (trong khi thực tế, tội phạm xâm hại tình dục dù bị kết án không phải đền bù), và nạn nhân phải được báo cáo với chính quyền và nhận sự bảo vệ.
Dự luật của cô đã được bang Massachusetts cân nhắc. Dù xác suất được thông qua là rất thấp, song phần nào câu chuyện của cô và các nạn nhân đã được cơ quan cấp cao chú ý đến. “Chứng cứ mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có là những câu chuyện đau thương được kể trực tiếp bởi nạn nhân. Nhờ vào đó, chúng tôi có thể tạo ra cơ hội thay đổi từ 0% lên đến 100% chỉ trong 14 tiếng”, Amanda bày tỏ.
Không dừng lại tại Massachusetts, Amanda Nguyễn tiếp tục đề xuất dự luật tại 50 bang lớn nhỏ trải dài khắp nước Mỹ và các quốc gia khác. Đã có 12 bang liên lạc Amanda nhằm tham khảo dự luật, và cô hay tin nhiều bang khác cũng tự tạo dự luật riêng. Amanda nhấn mạnh rằng, “Phụ nữ cần được ai đó bảo vệ và chiến đấu vì họ. Khi mọi người nhận thức được tính sâu sắc của vấn đề này, họ sẽ quyết tâm bắt tay vào thực hiện. Đây cũng là lúc mà niềm hy vọng được lan toả”.
Năm 2016, “Luật về Quyền của những người sống sót sau khi bị xâm hại tình dục” do cô soạn thảo đã thông qua hơn 65 luật tại Mỹ, và được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật. 6 năm tiếp theo, Amanda Nguyễn và tổ chức Rise nỗ lực vận động hành lang. Điều này thôi thúc Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết đầu tiên trên toàn thế giới, rằng nhu cầu của những nạn nhân bị xâm hại tình dục cũng là quyền con người trong thời bình. “32 bộ luật bảo vệ được thông qua ở thế kỷ 21 đã cứu lấy hơn 82 triệu nạn nhân bị cưỡng hiếp. Bạn hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt cho thế giới”, Amanda Nguyễn viết về thành tựu của cô.
Sau hành trình lấy lại công lý, Amanda Nguyễn quay trở lại thực hiện ước mơ còn dang dở. Hiện tại, cô nghiên cứu thiết kế phục trang chuyên dụng cho nữ phi hành gia vào các ngày kinh nguyệt. Ngày 25.03, Amanda Nguyễn chính thức thông báo về cột mốc cô chuẩn bị du hành vào không gian. Theo đó, chuyến đi của cô thuộc chương trình Phi hành gia công dân, được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity. Theo trang Next Shark, chương trình hướng đến trao quyền cho các phi hành gia công dân giải quyết các thách thức toàn cầu với tầm nhìn rộng mở.
“Chuyến du hành của Amanda thật đặc biệt, một tấm gương sáng và truyền cảm hứng cho nhiều người”, Giám đốc Điều hành Antonio Peronace của tổ chức chia sẻ. Về phía Amanda, cô bày tỏ rằng, “Tôi là người Việt Nam. Tôi bay vào không gian để những cô gái trẻ Việt Nam có thể nhìn thấy chính mình giữa những vì sao. Điều quan trọng là tôi có thể đưa cộng đồng đi cùng tôi. Tôi có thể là người đầu tiên, nhưng sẽ không phải là người cuối cùng”.
Amanda Nguyễn từng được đề cử Nobel hòa bình vào năm 2019 sau khi lên tiếng bảo vệ quyền bình đẳng cho người châu Á tại các nước phương Tây. Cô còn được Forbes bình chọn là người dưới 30 tuổi có sức ảnh hưởng, và trở thành Người phụ nữ của năm 2022 do Time vinh danh. Chuyến du hành của Amanda Nguyễn được thắp sáng bởi những vì sao. Giờ đây, tia sáng này cùng cô hướng đến tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại và tất cả sinh vật cùng sinh sống trong hành tinh xanh này.