Amanda Nguyễn: Ngoài vũ trụ và trong tâm hồn

Ngày 4/3/2025, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt Amanda Nguyễn vừa xuất bản quyển sách hồi ký kể về hành trình chữa lành của cô. Đối với Amanda, nơi an trú bình yên là vũ trụ bao la, ở đó, cô được giải thoát khỏi những nỗi đau, những ràng buộc về thể lý. Nơi an trú bình yên cũng chính là tâm hồn, nơi cô được kết nối sâu sắc với cội nguồn và ước mơ. Amanda Nguyễn gửi đến tất cả những người từng trải qua tổn thương thông điệp: hành trình chữa lành của bạn chỉ là của riêng bạn và nó có thể nhanh hoặc chậm. Suy cho cùng, chúng ta chỉ cần làm hài lòng hai con người: bản thân mình lúc 5 tuổi và bản thân mình lúc 80 tuổi.

Bay lên từ tận cùng nỗi đau

“Em có nghe thấy nó không? Đó là nhịp điệu vững chãi của hàng ngàn bước chân sẽ còn vang vọng qua nhiều thế kỷ. Một con đường, một hiện thực mới đã trở nên hữu hình nhờ sự tồn tại của em. Dàn hợp xướng đang cất vang tiếng hát” – Amanda nói với phiên bản 22 tuổi của mình.

Quyển sách “Saving five: a memoir of hope” – hồi ký đầy đau thương về sự sống còn và hy vọng của Amanda Nguyễn sau lần bị tấn công tình dục tại trường Đại học Harvard vào năm 2013 – mở đầu bằng một khung cảnh được vẽ nên trong tưởng tượng của cô.

Amanda của hiện tại quay về ký túc xá, gặp lại mình năm 22 tuổi, bảo rằng mọi chuyện đã qua, những nỗi đau về thể xác và tinh thần từng khiến cô muốn đốt cháy cả thế giới giờ đây có thể trút bỏ được rồi. Phiên bản 22 tuổi ngày ấy đã tiễn Amanda ra cổng bằng thái độ điềm tĩnh, trái ngược với ít phút trước đó khi chất vấn Amanda vì sao quay lại nơi tối tăm này. Ngày đó, nỗi đau như bám rễ xuống mặt đất khiến cô không thể nào gượng dậy. Nhưng giờ đây, cô nhận ra ở nơi tận cùng của nỗi đau vẫn lưu giữ nhiều ký ức đẹp đẽ cùng những người bạn sinh viên. Những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt Amanda trong giây phút đó, khi đã chiến thắng nỗi sợ và hết mình chiến đấu cho sự thay đổi không chỉ vì riêng mình mà còn vì tất cả những người gặp hoàn cảnh tương tự như cô. Dàn hợp xướng mà cô nhắc tới chính là dàn hợp xướng của công lý.

Amanda chia sẻ rằng cô viết quyển sách này cách đây 10 năm như một cách cứu rỗi bản thân. Trong quyển sách, Amanda gặp lại chính mình ở các cột mốc 5, 15, 22 và 30 tuổi – những thời điểm mà cô trải qua sự hỗn loạn. Bốn cột mốc đó tương ứng lần lượt với bốn giai đoạn: thời thơ ấu, khi cô đến Mỹ và phải thích nghi với cuộc sống mới, khi cô không nhận được đủ sự hỗ trợ từ hệ thống pháp luật, cuối cùng là khi cô trở thành một nhà hoạt động nhân quyền trong lúc vẫn phải tự chữa lành chính mình.

Trước câu chuyện này, tôi tự hỏi, mỗi bài học ở từng cột mốc là một sự chữa lành hay tất cả những bài học ở các cột mốc mới cộng vào mới giúp vết sẹo của cô lành lại, và việc đối diện với quá khứ khó khăn đến nhường nào?

Amanda chia sẻ: “Nhớ lại một cách chi tiết nỗi đau buồn luôn là một thử thách, nhưng hơn hết, tôi cảm thấy tự hào khi đi qua hành trình đó và thấy mình đã tiến xa như thế nào. Sau khi bị tấn công và chọn viết lại luật, tôi đã gửi email cho những tổ chức và cá nhân mà tôi biết, yêu cầu họ đồng hành cùng tôi. Chính vì sự nhiệt tình giúp đỡ của mọi người, tôi đã có thể làm được điều mà trước đó tưởng chừng như tuyệt vọng. Tôi đã phải trải qua một loạt các kiểu chữa lành khác nhau, nhưng mãi cho đến bây giờ, sau khi hoàn thành ý nguyện về việc thông qua 91 luật của Quốc hội Mỹ và một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, tôi mới cảm thấy hoàn toàn lành lặn. Thêm một điều chắc chắn, viết lách đã giúp tôi trong toàn bộ quá trình chữa lành”.

Q&A

Những hoạt động yêu thích của bạn trong cuộc sống hàng ngày là gì?

Tôi yêu nghệ thuật và thời trang. Khi thực hiện cuộc phỏng vấn này với Đẹp, tôi đang ở New York. Tôi đã dành cả tuần qua để đến thăm các cửa hàng và phòng trưng bày nghệ thuật trong thành phố.

Nơi nào cho bạn cảm giác bình yên và an toàn nhất?

Tôi đã biến ngôi nhà của mình ở Washington D.C thành một nơi trú ẩn. Tôi có một thư viện nhỏ được lấp đầy bằng những kỷ vật từ các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Đây chắc chắn là nơi tôi cảm thấy bình yên nhất, sáng tạo nhất. Tôi đã viết toàn bộ cuốn sách của mình tại đây.

Quyển sách yêu thích của bạn là gì?

“Born a crime” của Trevor Noah, “Know my name” của Chanel Miller và “Educated” của Tara Westover là ba cuốn sách đã giúp tôi tìm ra tiếng nói của mình để thực hiện cuốn sách của riêng tôi.

Còn bộ phim yêu thích của bạn?

“Interstellar” và “Gravity”. Năm ngoái tôi có tổng cộng 97 chuyến bay và đó chắc chắn là những bộ phim mà tôi xem đi xem lại nhiều nhất khi ở trên máy bay.

Sau vũ trụ, nơi tiếp theo bạn muốn chinh phục là đâu?

Sau chuyến du hành vào không gian, tôi sẽ nghỉ ngơi và tìm kiếm cảm giác yên bình. Có thể là trên chiếc giường của tôi ở nhà hoặc trên một chiếc thuyền ở Hạ Long. Tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng tôi sẽ tự hào vì đã hoàn thành lời hứa với bản thân khi còn trẻ.

Tình yêu với các vì sao

Hiện tại, Amanda đang tập trung chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ trong đợt phóng tên lửa đẩy New Shepard của Tập đoàn Hàng không vũ trụ Blue Origin, thực hiện ước mơ làm phi hành gia. Cô sẽ trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

Ước mơ bay vào vũ trụ của Amanda xuất phát từ tình yêu với các vì sao. “Mẹ tôi đã vượt biển đến Hoa Kỳ. Bà dùng mặt trăng, các ngôi sao làm la bàn dẫn đường qua biển. Khi đến Mỹ, cả cha và mẹ tôi đều học ngành khoa học kỹ thuật. Chính tình yêu với các vì sao đã thúc đẩy tôi theo đuổi không gian từ khi còn rất nhỏ”.

Hành trình vượt biển từ Việt Nam đến Mỹ của mẹ cô và hành trình từ trái đất bay vào vũ trụ của cô dường như có điểm tương đồng, chính là khao khát muốn chạm tới sự tự do, những điều lớn lao hơn cơ thể vật lý bé nhỏ. Nếu nhìn rộng ra, ta sẽ tìm thấy sự liên kết giữa gốc rễ và ước mơ của mỗi con người. Lớn lên với tư cách là một cô gái gốc Việt ở miền Nam California, Amanda Nguyễn học cách chấp nhận bản sắc văn hóa của mình. Cô sống trong một khu dân cư và đi học ở ngôi trường mà người Việt Nam chỉ chiếm phần thiểu số. Vào cuối tuần, cả gia đình cô thường lái xe ra khu Little Saigon và đó là nơi cô thực sự học về ý nghĩa của việc là một người Việt Nam.

“Đầu năm ngoái, tôi về thăm quê hương mình ở Bạc Liêu, Sài Gòn và Huế. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa rất lớn. Khi tôi viết cuốn sách này và thông báo rằng tôi chuẩn bị bay vào không gian với tư cách là nữ phi hành gia gốc Việt đầu tiên, tôi hơi lo lắng về việc đất nước Việt Nam sẽ đón nhận tôi như thế nào. Giờ đây, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước tình yêu và niềm tự hào mà người Việt Nam dành cho tôi. Sau lần về thăm quê đó, tôi đã quay lại Việt Nam thêm hai lần nữa và chắc chắn sẽ còn trở lại trong tương lai”.

Amanda Nguyễn sinh năm 1991 tại bang California, Mỹ.

Cô tốt nghiệp Đại học Harvard, từng thực tập tại NASA vào năm 2013.

Cô là nhà sáng lập của tổ chức nhân quyền Rise tại Hoa Kỳ, là người khởi xướng phong trào Stop Asian Hate và đấu tranh cho quyền của những người sống sót sau bạo lực tình dục.

Với những đóng góp của mình, cô được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019 và là một trong những “Người phụ nữ của năm 2022” do tạp chí TIME bình chọn.
Trong năm 2025, Amanda Nguyễn sẽ bay vào vũ trụ theo dự án “Space for humanity”.

Cuốn hồi ký “Saving five: a memoir of hope” của Amanda Nguyễn chính thức phát hành tại Mỹ vào đầu tháng 3 và dự kiến có mặt ở Việt Nam vào mùa hè năm nay.

Dù mang quốc tịch Mỹ, sâu thẳm bên trong cô vẫn luôn có mối liên kết sâu sắc với quê hương Việt Nam. Ước mơ được quay về nguồn cội của Amanda cũng lớn như giấc mơ bay vào vũ trụ. Tôi từng đọc được rằng có một sự tương đồng giữa cấu trúc của vũ trụ và mạng lưới dây thần kinh trong não. Vũ trụ chứa các thiên hà, cụm thiên hà và siêu cụm thiên hà, kết nối với nhau bằng mạng lưới các sợi vũ trụ. Tương tự, hệ thống dây thần kinh trong não kết nối với nhau bằng các synapse. Con người ta dù đi sâu vào việc khám phá vũ trụ hay khám phá chính mình đều để trả lời cho những câu hỏi hiện sinh: “Tôi là ai?”, “Ý nghĩa của cuộc đời tôi là gì?”. Những chuyến quay về nguồn cội và chuyến thám hiểm không gian có lẽ sẽ giúp Amanda khép lại hành trình chữa lành của mình một cách toàn vẹn nhất. Câu chuyện của cô khiến tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo: “Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao”.

CHUYÊN ĐỀ: IN HER PLACE

Nơi chốn riêng của người phụ nữ có thể là bất cứ đâu: trong trang sách, trên đỉnh núi hay ngoài vũ trụ… Miễn là ở đó, cô ấy tìm thấy đầu sợi dây kết nối với bản thân.

Thanh Vũ: Từ đường đua về nhà
Amanda Nguyễn: Ngoài vũ trụ và trong tâm hồn
NTK Marielle Genet: Sống giữa bảo tàng ký ức


From the same category