Ấm ức vì vợ chăm chăm lo tết nhà mẹ đẻ

Cưới sớm khi còn trắng tay

Mới cưới nhau đầu tháng 8, cả hai vợ chồng Phan Thương (22 tuổi) và Quốc Hùng (23 tuổi) đều chưa có việc làm ổn định. Do vẫn sống chung cùng bố mẹ chồng nên hai vợ chồng không phải lo chuyện bếp núc, chợ búa.

Thương do vẫn chưa xin được việc làm mà ở quê lại càng khó khăn hơn khi tìm những công việc thời vụ hoặc tạm bợ. Cô đành phụ mẹ trồng rau đem bán. Số tiền bán được đều để mẹ chồng cầm đi mua thức ăn. Còn Hùng, chồng Thương vẫn mải mê với các cuộc nhậu. Cứ hết tiền lại chạy về ngửa tay xin mẹ.

Tết đến gần, Thương bàn với chồng ra thành phố tìm việc gì đó làm thuê để phụ cha mẹ mua ít đồ sắm tết. Nếu dư dả thì còn có chút quà cho bố mẹ cô và lì xì con cháu. 

Vấp phải sự ngăn cản của mẹ chồng vì sợ con trai làm nhọc, mất sức, Thương đành cắn răng đi làm giúp việc nhà. Còn chồng cô vẫn hằng ngày tụ tập nhậu và chơi game với đám bạn còn độc thân. Tiền chẳng kiếm được bao nhiêu, vậy mà về nhà cô nghe mẹ chồng tính các khoản mua sắm tết nào mua cây địa lan về cho bố, mua đỗ quyên thế cho cô em chồng, rồi còn các khoản linh tinh khác chưa kể tiền lì xì riêng cho các cụ và con cháu bên nhà chồng mà Thương đã toát mồ hôi. Biết Thương lo, Hùng bàn với Thương bớt xén chút tiền mừng còn dư ngày cưới ra là xong. Không việc gì phải lo lắng vất vả. Thương phản đối việc sử dụng tiền mừng ngày cưới cho việc mua sắm tết, số tiền đó là để dành sau này còn chạy việc cho cô và chồng sau khi ra tết. Giờ mà dùng vào sau này biết lấy đâu mà bù.

Thấy vợ không hài lòng, Hùng bất mãn đem chuyện kể với mẹ ruột. Bà Hoài thấy cô con dâu o ép con mình nên cả bữa ăn hôm đó, bà chì chiết Thương. Nói nào là cô không thương chồng, không biết vun vén cho gia đình khi tết đến xuân về, không biết chăm lo nhà cửa… Tủi thân, Thương chỉ biết ngồi nghe và cắn răng khóc không thành lời vì bản thân cô còn không thể mua ít đồ tết về biếu cha mẹ mình.

Ấm ức vì vợ chăm chăm lo tết nhà mẹ đẻ

Cả Việt Anh (29 tuổi) và Phượng (21 tuổi) đều đã có việc làm ổn định, có đồng ra đồng vào. Mới cưới nhau chưa được 1 tháng, tết này là cái tết đầu tiên đôi vợ chồng trẻ đi tết hai bên nội ngoại nên việc sắm tết được cả hai vợ chồng chú trọng.

Việt Anh nghĩ nhà vợ giàu có hơn nhà mình nên không việc gì phải chăm lo quá chu toàn. Mua ít quà biếu hai cụ và lì xì 1 triệu là được. Phượng lại nghĩ khác, cô cho rằng dù gia đình mình có khá hơn nhà chồng nhưng Tết năm nay cô không được cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ đón Tết nên thấy chạnh lòng. Cô quyết dùng toàn bộ tiền lương của mình để mua sắm quà tết cho bố mẹ, anh và chị. Số tiền lì xì cô sẽ dành bằng gia đình bên chồng để các cụ khỏi thắc mắc nhưng riêng việc sắm tết, Phượng vẫn muốn lo vẹn toàn cho cha mẹ.

Đỉnh điểm của sự việc là Phượng chỉ đưa tiền để chồng cùng bố mẹ đi chợ hoa tết mua cây cảnh còn mình viện lí do bận việc công ty chưa giải quyết xong, cô chạy “sô” cả ngày cùng cha mẹ đẻ lựa đào tết, mai trắng với những “thế” đẹp nhất có thể. Cô đi siêu thị mua đồ trang trí tết, bộ nồi cho mẹ… Về tới nhà cô còn chính tay trang trí từng góc phòng sao cho đẹp và sang nhất có thể. Còn Việt Anh, cứ nghĩ vợ đi làm không mua được quà gì cho bố mẹ vợ nên anh chọn một hộp quà tết đem biếu, định rằng hôm nào sẽ cùng vợ đi sắm sửa chút ít sau. Đến nơi, anh ngạc nhiên khi thấy nhà vợ đã trang hoàng xong đâu vào đấy cả. Hỏi ra anh mới biết, cô vợ trẻ của mình đã chạy cả ngày để lo sắm sửa tết cho nhà “mình”.

Ấm ức, Việt Anh về nhà chỉ trích vợ “bên trọng bên khinh”, rằng cô không coi trọng gia đình chồng, cô chỉ chăm lo cho bố mẹ đẻ mình mà quên rằng giờ cô đã là dâu con nhà anh. Phượng thấy chồng hùng hổ bèn cãi lại, cô chỉ tranh thủ ngày nghỉ đi sắm tết cho bố mẹ cô. Cô chỉ đi mua được có một ngày, còn với gia đình chồng cô sẽ toàn tâm toàn ý đi mua cả mấy ngày nghỉ, lo sao cho vẹn toàn nhất. Cô chỉ lo khi chạy nhà bên nọ bên kia sẽ mệt nên cô muốn báo hiếu với cha mẹ trước vì sợ cha mẹ nghĩ cô đi làm dâu mà quên mất bố mẹ đẻ. Chồng cô một mực cho rằng Phượng khinh gia đình anh vì không giàu có bằng gia đình cô. Cứ như vậy, đôi vợ chồng trẻ không ai chịu ai.

Thiết nghĩ, chuyện lo tết cho cả hai bên gia đình cần được hai vợ chồng quan tâm. Do “nhà mới, nhà cũ” nên việc vợ hay chồng lo cho gia đình mình hơn là điều dễ hiểu, tuy nhiên cần có sự bình đẳng, cảm thông cho nhau. Nếu làm lén lút sau này ít nhiều sẽ ảnh hưởng cuộc sống sau này, hai vợ chồng nên bàn bạc công khai, thấu hiểu hoàn cảnh và thậm chí là cả ngân sách cho việc lo tết.

Theo Vietnamnet


From the same category