Âm nhạc Việt Nam đang chuyển mình

Nền âm nhạc Việt Nam đang từng bước khẳng định sức hút mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Từ sức sống trẻ với những luồng gió âm nhạc hiện đại đến sự trỗi dậy của niềm tự hào văn hóa dân tộc, nền âm nhạc Việt Nam đang có những bước chuyển mình ngoạn mục, thu hút sự chú ý từ công chúng quốc tế. 

Sự trỗi dậy của một thế hệ trẻ toàn năng

Trong những năm gần đây, làng nhạc Việt Nam đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể khi thế hệ nghệ sĩ trẻ Gen Z dần chiếm lĩnh và định hình lại thị trường âm nhạc. Sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên số, những tài năng trẻ này mang đến luồng gió mới với phong cách sáng tạo độc đáo và cách tiếp cận khán giả hiệu quả thông qua nền tảng mạng xã hội. 

HIEUTHUHAI nổi bật với các bài hát đa thể loại và album “A cũng phải bắt đầu từ đâu đó” đạt hàng triệu lượt nghe, đưa anh trở thành một trong những rapper được yêu thích nhất hiện nay. Có thể nói HIEUTHUHAI đã tạo ra một làn sóng âm nhạc mới với phong cách trình diễn tự tin và câu rap bắt tai, phản ánh đúng tâm tư của giới trẻ hiện đại. MCK gây ấn tượng với “Chìm Sâu” cùng Trung Trần và album “99%” đạt thành tích streaming ấn tượng trên các nền tảng kỹ thuật số. MCK đặc biệt thành công khi kết hợp được chất liệu nhạc rap với giai điệu R&B, tạo nên một phong cách riêng biệt khó lẫn.

tlinh là nữ rapper nổi lên từ chương trình tìm kiếm tài năng Rap Việt với loạt hit như “Gái Độc Thân”, “nếu lúc đó” thu hút hàng chục triệu lượt xem. Điểm đáng ngưỡng mộ ở tlinh là cách cô đấu tranh cho tiếng nói nữ quyền một cách thông minh và đầy nghệ thuật trong một lĩnh vực vốn được cho là nam giới thống trị. Hay Wren Evans với định hướng theo đuổi dòng nhạc R&B hiện đại có MV “Từng Quen” và “Thích Em Hơi Nhiều” đạt hàng chục triệu lượt xem, giúp anh trở thành nghệ sĩ indie nổi bật. Điều đáng ngạc nhiên là cách Wren Evans tạo ra không gian âm nhạc mộng mơ nhưng vẫn rất thực tế, một kỹ năng hiếm có ở nghệ sĩ trẻ. Cùng hàng loạt các nghệ sĩ khác vẫn đang chinh phục khán giả trong nước lẫn quốc tế nhờ sự độc đáo trong âm nhạc của mình. 

Đáng mừng là các nghệ sĩ trẻ này không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn đang nâng cao chất lượng âm nhạc Việt Nam, đưa nó tiến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi một nghệ sĩ trẻ đều mang trong mình một cá tính âm nhạc khác nhau, không lẫn vào đâu được. Khiến cho thị trường âm nhạc Việt Nam đa dạng màu sắc hơn rất nhiều so với thời kỳ chỉ ưa chuộng các bản ballad buồn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của họ có lẽ là duy trì sự sáng tạo và bản sắc riêng trong một thị trường dễ dàng bị chi phối bởi xu hướng ngắn hạn. Dù vậy, tương lai của âm nhạc Việt với thế hệ Gen Z đang nắm giữ vẫn đầy hứa hẹn và tươi sáng.

video
play-rounded-fill
Không thể thiếu yếu tố dân tộc

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền âm nhạc Việt Nam đương đại không chỉ được đo bằng số lượng các sản phẩm âm nhạc hay sự đa dạng trong thể loại, mà còn được minh chứng một cách thuyết phục qua xu hướng khai thác và làm mới các giá trị văn hóa truyền thống. Câu nói “Khi kinh tế đất nước phát triển, người dân sẽ quay lại với di sản văn hóa của đất nước họ” đang dần trở thành hiện thực trên bản đồ âm nhạc Việt Nam, khi các nghệ sĩ ngày càng ý thức được sức mạnh nội tại và vẻ đẹp độc đáo của di sản dân tộc.

Album “LINK” được trang âm nhạc Pitchfork đánh giá cao với mức điểm 7.2

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự lên ngôi của một làn sóng nghệ sĩ trẻ tài năng, những người không ngần ngại đưa chất liệu văn hóa dân gian vào tác phẩm của mình, tạo nên những “cú hích” lớn cho thị trường âm nhạc. Điển hình nhất phải kể đến Hoàng Thùy Linh, người đã tạo ra một “vũ trụ văn hóa” riêng biệt thông qua các ca khúc như “Bánh Trôi Nước” (lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương) và “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” (dựa trên hình tượng nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ”). Theo thống kê không chính thức từ các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, các sản phẩm âm nhạc mang đậm màu sắc văn hóa của Hoàng Thùy Linh luôn nằm trong top những ca khúc được nghe nhiều nhất, cho thấy sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

video
play-rounded-fill

Hiệu ứng lan tỏa từ thành công của Hoàng Thùy Linh đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác. Phương Mỹ Chi, vốn đã quen thuộc với khán giả qua dòng nhạc dân ca, đã có bước chuyển mình đầy sáng tạo trong album “Vũ Trụ Cò Bay”. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa làn điệu dân ca Nam Bộ với các thể loại âm nhạc hiện đại như pop và R&B không chỉ làm mới những giá trị truyền thống mà còn mở rộng đối tượng khán giả, thu hút sự quan tâm của những người trẻ tuổi vốn ít tiếp xúc với âm nhạc dân gian. 

video
play-rounded-fill

Hòa Minzy cũng là một cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến xu hướng làm nhạc này. Các sản phẩm âm nhạc của cô như “Thị Mầu” (lấy cảm hứng từ chèo “Quan Âm Thị Kính”) hay “Bắc Bling” (kết hợp hình ảnh quan họ và rap) đã tạo nên những dấu ấn riêng biệt. MV “Thị Mầu” sau khi ra mắt đã nhanh chóng đạt hàng chục triệu lượt xem trên YouTube, cho thấy sức hút mạnh mẽ của việc kể những câu chuyện văn hóa theo một cách hiện đại và hấp dẫn. Sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc, hình ảnh, trang phục và đạo cụ mang đậm bản sắc văn hóa không chỉ tạo nên hiệu ứng thị giác và thính giác ấn tượng mà còn giúp khán giả trẻ dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ những giá trị truyền thống.

video
play-rounded-fill

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng khích lệ, việc khai thác chất liệu văn hóa trong âm nhạc cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và lòng tôn trọng đối với nguyên bản, nghệ sĩ có thể vô tình xuyên tạc hoặc làm sai lệch đi các giá trị lịch sử và văn hóa. Đã có những ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn và công chúng về việc một số sản phẩm âm nhạc sử dụng yếu tố văn hóa một cách hời hợt hoặc không chính xác. Điều này cho thấy sự cẩn trọng và trách nhiệm là vô cùng cần thiết khi “khoác áo mới” cho di sản văn hóa.

Động lực cho sự phát triển concert quốc nội

Sự chuyển đổi tích cực rõ nét nhất chính là việc Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ biểu diễn quốc tế. Trước đây, thị trường concert Việt Nam chỉ thu hút được trung bình 3- 4 nghệ sĩ quốc tế mỗi năm, chủ yếu trong phân khúc thị trường nhỏ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2024 đến nay, làn sóng các game show âm nhạc thực tế như “Chị Đẹp Đạp Gió”, “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” và “Anh Trai Say Hi” đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho thị trường biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Các concert hậu chương trình thu hút được lượng lớn khán giả. Cụ thể đêm diễn thứ 3 của “Anh Trai Chông Gai” cháy vé sau 40 phút mở bán, còn các đêm diễn của “Anh Trai Say Hi” tiếp tục thu hút lượng khán giả lớn. Chứng minh, khán giả Việt Nam vẫn sẵn sàng chi trả cho những buổi diễn chất lượng. 

Concert 3 của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” thiết lập kỷ lục Guinness Thế giới với danh hiệu “Sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống Việt Nam đông nhất”.

Cùng với việc Blackpink tổ chức concert cực kỳ thành công tại Sân vận động Mỹ Đình. Giá vé được đánh giá cao nhưng các khán giả hâm mộ vẫn chịu chi số tiền lớn để được gặp thần tượng. Chỉ tính tính riêng hai đêm diễn này, nền kinh tế Hà Nội đã thu về 13 triệu USD. Càng có thêm bằng chứng, Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng cho những nghệ sĩ mong muốn tìm một nơi để tổ chức các buổi diễn. Điều này đã được chứng thực bởi liên tục có nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc tổ chức đêm diễn tại Việt Nam trong hai năm gần đây như 2NE1, Super Junior, Daesung,…Thêm vào đó, sự nhiệt huyết của khán giả Việt là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc “lôi kéo” các nghệ sĩ về Việt Nam. Ví dụ như, các fan nước khác họ họ sẽ chỉ fanchant thay vì “song ca” cùng với thần tượng như khán giả Việt. Hay là vì thể hiện niềm tự hào dân tộc nên khán giả hâm mộ Việt Nam sẵn sàng chi tiền để chứng minh Việt Nam không thua kém với các quốc gia nào.  

Daesung quay lại với Việt Nam qua tour diễn châu Á “Daesung 2025 Tour Asia: D’s WAVE” vào ngày 3/5/2025 tại TP.HCM

Tuy nhiên, thách thức lớn là hành vi “mua đi bán lại” (scalping) đang gia tăng, với 45% vé concert hot được mua để bán lại với giá cao hơn 200-300%. Tình trạng này không chỉ gây bất bình đẳng trong việc tiếp cận văn hóa mà còn làm méo mó dữ liệu thị trường, khiến các nhà tổ chức khó đánh giá chính xác nhu cầu thực sự của khán giả. Chưa kể, khán giả Việt nhìn chung vẫn không có quá nhiều sự mặn mà đối với âm nhạc Việt Nam. Đơn giản vì họ không nhìn thấy rõ ràng về việc định hình hình tượng, các nghệ sĩ vẫn có những phát ngôn gây hiểu lầm và một thị trường nghệ sĩ phát triển tự do. Dù hiện tại, đã có những công ty quản lý, nhưng thực chất vẫn còn tồn tại ở việc, nghệ sĩ vẫn là người trực tiếp điều hành công việc và công ty chỉ phụ trách quản lý các đầu mục công việc của họ. Mà điều này chỉ phù hợp với thị trường US-UK, chứ ở thị trường châu Á đề cao giá trị “chân – thiện – mỹ” thì không phải là chiến lược tốt. 

Trở thành “newbie” trong mắt khán giả quốc tế

Trong khi âm nhạc Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong nước, thì cũng đã dần chinh phục được bạn bè quốc tế. Sơn Tùng M-TP có thể được coi là nghệ sĩ tiên phong, mở ra con đường cho âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới. Những bài hit đình đám như “Lạc Trôi”, “Chạy Ngay Đi”, và “Hãy Trao Cho Anh” không chỉ khuấy động thị trường nhạc Việt mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ trên các nền tảng âm nhạc quốc tế. Đặc biệt, ca khúc “Đừng Làm Trái Tim Anh Đau” xuất sắc debut tại vị trí 162 trên BXH Billboard Global Excl.US. Chứng minh sức hút của Sơn Tùng trên bản đồ âm nhạc thế giới. 

video
play-rounded-fill

Hoàng Thùy Linh cũng là một cái tên không thể không nhắc đến trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Ca khúc “See Tình” được phát hành vào năm 2022, đã không chỉ gây bão tại Việt Nam mà còn vang vọng toàn cầu. Sức hút của “See Tình” ngày càng gia tăng qua các năm, đặc biệt khi giai điệu của bài hát này trở thành âm thanh nền cho hơn 4 triệu video trên TikTok, nhiều trong số đó là từ người dùng Hàn Quốc, Trung Quốc, và Thái Lan. Những vũ điệu bắt mắt trong MV và sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc dân gian và hiện đại đã giúp “See Tình” trở thành một biểu tượng mới của V-pop. Thậm chí, vào năm 2023, nhiều dancer Hàn Quốc nổi tiếng như Mina Myoung, Sori Na, cùng nhiều thần tượng khác cũng đã cover vũ đạo của bài hát này, tạo nên những làn sóng văn hóa trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Instagram.

video
play-rounded-fill

Bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng, những cái tên mới như Quang Hùng Master D cũng đang tạo dấu ấn lớn trên thị trường quốc tế. Các ca khúc của anh, đặc biệt là những bài hát như “Dễ Đến Dễ Đi” (Easy Come Easy Go) đã được Trung Quốc mua bản quyền và phát hành lại với lời tiếng Trung, thu hút hàng chục triệu lượt nghe trên nền tảng NetEase Music và Douyin. Ngoài ra, bài hát còn được remix và lan truyền tại Thái Lan, trở thành bản nhạc nền phổ biến trong nhiều video TikTok của người dùng Thái, dẫn đến một cộng đồng yêu nhạc Việt Nam ngày càng lớn mạnh tại Đông Nam Á.

Cúc Tịnh Y và Hầu Minh Hạo trình bày ca khúc “Dễ Đến Dễ Đi” bằng tiếng Trung

Mới đây, Hòa Minzy với ca khúc “Bắc Bling” lại khiến cộng đồng quốc tế phải ngạc nhiên trước sự vận dụng tinh tế văn hóa Việt Nam trong âm nhạc. MV “Bắc Bling” không chỉ là sự pha trộn giữa âm nhạc hiện đại và văn hóa dân gian Bắc Bộ mà còn là một ví dụ điển hình về việc đưa văn hóa địa phương lên sân khấu toàn cầu. MV này đã nhanh chóng lọt vào top 1 trending YouTube toàn cầu sau khi phát hành, đồng thời nhận được sự quan tâm từ nhiều kênh truyền thông quốc tế như Nikkei Asian Review, khen ngợi vì “sự sáng tạo trong việc tái hiện văn hóa truyền thống qua ngôn ngữ âm nhạc hiện đại”.  Đây là minh chứng rõ rệt cho việc các nghệ sĩ Việt ngày càng biết cách phát huy giá trị văn hóa dân tộc và chuyển tải chúng vào sản phẩm âm nhạc dễ tiếp cận với người nghe quốc tế.

video
play-rounded-fill

From the same category