Âm nhạc: Dự thi, lên sóng rồi thì... đi đâu? - Tạp chí Đẹp

Âm nhạc: Dự thi, lên sóng rồi thì… đi đâu?

Review

Con dao hai lưỡi

Giờ này nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng giành giải cao tại một cuộc thi hát truyền hình sẽ là con đường tiến thân tốt nhất cho sự nghiệp âm nhạc của chính họ. Họ không hiểu rằng trong một thị trường âm nhạc rối như tơ vò, không bản lề, định hướng, người giỏi chui vào vỏ ốc, người dở nhúng nhoắng chiêu trò tiến thân thì sự hiện diện của các tài năng âm nhạc trên truyền hình chỉ có ý nghĩa duy nhất là câu view cho nhà đài.

Một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp là khi mà cả truyền hình, phát thanh, báo chí… tạo thành một guồng quay thống nhất, biết đãi ngọc tìm vàng, biết biến những xù xì, thô ráp thành tinh phẩm. Trong khi đó ở ta, “guồng quay thống nhất” là phạm trù xa lạ, đèn nhà ai nấy rạng, báo nhà ai nấy sáng và người thiệt thòi nhất chính là… những tài năng.

Điểm lại những tài năng của Sao Mai Điểm Hẹn, đến giờ này còn những ai? Ngoài Tùng Dương, Hà Anh Tuấn đi đúng những con đường mà họ vạch ra thì hầu hết những giọng ca đi ra từ cuộc thi này hầu như mất tăm. Kasim Hoàng Vũ giờ phần nhiều đi hát ở nước ngoài. Mỹ Dung biến mất một thời gian dài cho đến khi cô bất ngờ xuất hiện tại Bài Hát Yêu Thích cách đây vài tháng. Đặng Trần Vi Thảo sau tám năm mới ra album thứ hai Tàu Đêm Năm Cũ và ngay lập tức bị thu hồi. Ngọc Khuê sau Chuồn chuồn ớt rất được yêu thích giờ cũng lui về phía sau…

Những tài năng mới nhất như Hoàng Nghiệp, Duy Khoa, Minh Chuyên, Lương Viết Quang… hiện vẫn loay hoay, họ chưa bật lên được và quan trọng là không có lực để bật lên được. Khánh Linh, một tài năng âm nhạc từ Sao Mai từng được đánh giá rất cao. Giờ cũng vào Sài Gòn để hâm lại tên tuổi.

Khánh Linh cũng phải Nam tiến để vực lại sự nghiệp

Vietnam Idol sau ba mùa chỉ đọng lại được mỗi cái tên: Uyên Linh và Văn Mai Hương. Những Idol trước đó như Quốc Thiên và Phương Vy đến giờ vẫn chưa thật sự được biết đến nhiều cho dù họ đã hết sức cố gắng ra nhiều sản phẩm âm nhạc có chất lượng. Ngọc Anh, người từng đọ sức với Phương Vy trong đêm chung kết Vietnam Idol mùa đầu tiên, bỏ tất cả để vào Sài Gòn để lập nghiệp ca hát, giờ cũng mất tăm. Thanh Duy, á quân Idol mùa 2, sau album vol1 làm cùng Phương Uyên giờ thì đang làm trong ê kíp của… Vietnam’s Next Top Model.

Nhiều người đang nói về một quốc gia có dân số 80 triệu mà các cuộc thi âm nhạc truyền hình nhiều không kể xiết và rối lấy đâu ra cho đủ những tài năng âm nhạc đi thi. Cũng như các cuộc thi hoa hậu, người rớt bên này có thể gặp lại ở cuộc thi khác, không trúng năm nay sang năm lại quảy gánh đi thi tiếp, như một cuộc việt dã đi tìm ước mơ.

Nhưng còn một chuyện nữa, rằng, những tài năng ấy, sau các cuộc thi, thì họ sẽ đi đâu? Một câu hỏi giống như nhân vật Holden Caufiel đã từng tự hỏi trong Catcher In The Rye (Bắt trẻ đồng xanh) rằng “mùa đông khi mặt ao đóng băng thì bọn vịt sẽ đi đâu?”. Biết đi đâu khi những giá trị âm nhạc đang bị đảo lộn và các giá trị khác đang chiếm diễn đàn? Cơ hội gần như không có, vào Nam tránh rét (như Ngọc Anh, Minh Chuyên…) cũng chẳng làm nên được gì, cố thủ ở phương Bắc (Hà Hoài Thu, Đinh Mạnh Ninh, Hà Linh…) giờ phần nhiều chỉ biết thông tin trên… facebook. Khi thị trường âm nhạc Việt như đang đi vào thời… hỗn mang thì lối ra cho các tài năng trẻ nằm ở đâu?

Văn Mai Hương đi lên từ Vietnam Idol

Một thế hệ… candy

Candy là kẹo ngọt, có một thế hệ ca sĩ kẹo ngọt đang nằm diễn đàn âm nhạc phổ thông Việt.

Đặc điểm của dòng nhạc này không nằm ở kỹ thuật thanh nhạc, hát sao cũng được, phô chẳng thành vấn đề, đứt hơi hay không lên nổi quãng tám hoàn toàn được thông cảm miễn là ca từ phải thật vui nhộn, bình dân, thật “teen” và dễ nhớ. Cái dễ nhớ của “candy” không nằm ở phạm trù “Không yêu xin đừng nói lời cay đắng” hay “Người ấy và tôi, em phải chọn”. Nó phải nhẹ hơn, trong trắng hơn và đừng quá nhiều bi kịch. Bởi giờ là đón đầu 9X- một thế hệ chưa thông tỏ chuyện tình cảm, mê Harry Porter và mơ về bầu trời xanh cùng những mối liên hệ tình cảm, những ngộ nghĩnh của rung động đầu đời – cho những phân khúc âm nhạc mới.

Khi những giá trị mới hiện ra và không làm nguôi ngoai những dấu ấn cũ thì người ta thường… hoài niệm. 15 năm trước, mở đĩa lên là nhận ra ngay đâu Thanh Lam, đâu Hồng Nhung, Mỹ Linh… Đó là thế hệ đầu tiên của Làn Sóng Xanh, thế hệ đưa nhạc trẻ Việt thời mở cửa lên một đỉnh cao mới. Đợt sóng tiếp theo phải kể đến Hà Trần, Phương Thanh, Quang Dũng… Từ đây nhìn lại, những người trên đã vào hàng có tuổi, liệu có nhận ra được thêm ai mới?

Hà Trần là một giọng ca khó lẫn của làng nhạc Việt

Giọng ca là trời phú, sống được là nhờ tài năng và khổ luyện. 40 năm sau vẫn không thể lẫn Lệ Thu với Khánh Ly, nghe Lệ Uyên vẫn biết chỉ có giọng hát ấy mới điểm nét âm nhạc Lê Uyên Phương thần sầu đến vậy… Họ nổi từ thời tuổi trẻ. Họ thoát ra khỏi những bóng cây cổ thụ và tìm cho mình một chỗ đứng riêng. Họ định danh bằng giọng hát thiên bẩm và cả nỗ lực sáng tạo không ngừng. Mỗi thời đại đều có nhân vật tiêu biểu, hay nhỏ hơn, đều có những giọng ca tiêu biểu. Vài năm trở lại đây, với những gì đang diễn ra và nhìn xa hơn, việc tìm ra một giọng ca tiêu biểu cho nhạc Việt hiện đại đang trở thành một khát khao xa xỉ.

Đó còn là chưa nói nhạc trẻ Việt sau một thời gian dài đã chững lại và rơi vào vòng luẩn quẩn cũ – mới. Những giá trị cũ được tôn xưng và người ta không đoán được dòng chảy mới sẽ được bao lâu. Một nền tân nhạc nếu cứ đánh trống quay về là một nền tân nhạc đứng yên tại chỗ. Bế tắc sáng tác thì lại trở về. Nêu cao giá trị mới bằng những bài teen mang hâm hưởng nước ngoài, dường như nhạc trẻ Việt vẫn chưa báo hiệu được những tín hiệu đáng mừng. Những giọng ca đã định hình vẫn chưa thấy động đậy, những tài năng mới thì không tìm được đường đi… Vé vàng nào cho “vạn ước mơ” trong những cuộc thi âm nhạc đang diễn ra? Và trong những chiếc vé ấy có chìa khóa nào được gắn kèm để mở cửa thành công?

Theo Sành điệu

Thực hiện: depweb

06/08/2012, 10:35