Ám ảnh thấp khớp tuổi mãn kinh

Ngồi trên giường bệnh để chờ thay khớp gối, giọng buồn buồn, chị Ngọc Hà (55 tuổi, ở Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, Tp.HCM) kể cách đây 4 năm, chị đã có những triệu chứng mỏi, đau nhức người và chân tay, nhất là ở vị trị 2 đầu gối. Nhưng vì chủ quan, chị vẫn cho đó là chuyện nhỏ. Mấy người bạn cũng tuổi với chị vẫn than vãn mãi về chứng đau nhức đó thôi.

Khoảng 1 năm gần đây, khi leo cầu thang hoặc đứng lên ngồi xuống, chị thường xuyên thấy đau buốt hai khớp gối. Chẳng những thế hai đầu gối của chị cũng bắt đầu sưng to hơn bình thường dù tối nào chị cũng được chồng hoặc con trai xoa bóp cho. Đến nước này thì thằng con út kiên quyết buộc chị phải ngồi lên xe để nó chở đi khám.

 

Sau khi chụp X-quang và thăm khám, chứng đau gối của chị được bác sỹ gọi là thấp khớp gối. Tuần đầu tiên uống thuốc theo đơn của bác sỹ, chị Hà cảm thấy hai đầu gối mình có đỡ đau hơn. Nhưng từ sau đó thì chị không thấy thuốc có tác dụng nữa. Những kỳ khám tiếp theo, chị cũng vài lần được bác sỹ đổi thuốc nhưng tác dụng đều không như ý.

Sau 2 tháng cố gắng chữa trị, bệnh tình chẳng những không bớt đi mà chị Hà càng ngày càng cảm thấy khớp gối mình “xuống cấp” trầm trọng hơn. Nó không chỉ đau nhức như trước mà còn bị sưng to, cảm giác bên trong như có lửa… Sự đi lại của chị ngày một khó khăn. Thậm chí chị còn không thể đứng hay ngồi xổm được nữa, và nay thì chị phải ngồi yên một chỗ chờ thay khớp.

 Đau khớp gối chiếm tỷ lệ 70% so với các triệu chứng đau khớp khác.

Vì sao chị em hay bị?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS Đoàn Văn Đệ (Chủ nhiệm bộ môn Tim-Thận-Khớp-Nội tiết, Học viện Quân y, viện 103) cho hay: trường hợp chị Ngọc Hà không phải là ngoại lệ. Việc chị em trong độ tuổi mãn kinh, cũng như sau mãn kinh chủ quan với các biểu hiện liên quan tới thấp khớp hay loãng xương dẫn đến bệnh nặng hiện rất phổ biến.

Từ tuổi ngoài 30, lượng xương của phụ nữ đã dần dần thoái hóa (mỗi năm giảm 0,25-1%). Đến thời điểm trước và sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh, nên tốc độ thoái hóa xương khá nhanh, mỗi năm giảm 1-5% với biểu hiện chủ yếu là xốp xương.

Thêm vào đó, quá trình lão hóa đã làm giảm công năng của tế bào xương, sự hấp thụ calci và sự tổng hợp vitamin D kém đi… ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của xương, sụn mỏng đi, mất tính đàn hồi… nên gây ra các triệu chứng đau nhức, khớp xương ở tay chân hay bị tê mỏi, sưng tấy… Nếu không chữa trị kịp thời, các triệu chứng này sẽ dần phát triển thành bệnh khó chữa như trường hợp chị Ngọc Hà.

Để giảm đau khớp

PGS.TS Đoàn Văn Đệ cho biết, hiện tại chưa có thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Hiện chỉ có các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì vận động khớp. Một số phương pháp điều trị sẽ giúp ích cho bạn:

– Vật lý trị liệu: Với mục đích giảm đau, chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị đau gân và cơ kết hợp tăng sức mạnh của cơ. Các biện pháp bao gồm massage cơ, tập vận động cơ và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân… )

– Tập thể dục: Có thể tập các bài tập như chạy bộ, đi bộ mỗi ngày 20-30 phút khi khớp chưa có tổn thương X-quang, nghĩa là khe khớp vẫn còn bình thường.

– Thuốc giảm đau: Như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein (efferalgan codein). Trường hợp không đáp ứng thì dùng phối hợp thuốc giảm đau chống viêm không Steroid toàn thân (uống hoặc tiêm) hoặc bôi tại chỗ.

– Điều trị bằng nội soi khớp gối: Bác sỹ chuyên khoa có thể rửa khớp loại bỏ các yếu tố gây viêm, lấy bỏ các dị vật trong khớp, gọt giũa bề mặt không đều của sụn, cắt bỏ các sụn chêm bị tổn thương.

– Đục xương chỉnh trục ở xương chày hoặc xương đùi: Là kỹ thuật tốt để sửa chữa các khớp bị lệch trục như khớp gối vẹo vào trong hoặc cong ra ngoài.

– Thay khớp gối nhân tạo từng phần hoặc toàn phần: Chỉ định đối với các trường hợp thoái hóa khớp gối nặng mà các biện pháp điều trị khác không hiệu quả.

Lưu ý:

Tránh đi bộ nhiều trong giai đoạn khớp gối đang đau: Đây là một sai lầm mà nhiều bệnh nhân hay mắc phải. Bơi hoặc đạp xe đạp tại chỗ là các biện pháp tập luyện tốt.

Tiêm khớp phải có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa và tiến hành tiêm trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối.

Tránh xa bệnh

Chị em phụ nữ có thể đối phó với chứng thấp khớp vào tuổi mãn kinh bằng những lưu ý sau:

– Chuẩn đoán loãng xương sớm là bước rất quan trọng để giúp hạn chế mất xương ở giai đoạn sớm nhất có thể

– Không mang vác các vật nặng, nên vận động một cách nhẹ nhàng, tránh mang giầy cao gót, chú ý đề phòng trượt ngã.

– Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng.

– Duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao một cách đều đặn, tập các bài tập bổ ích, tốt cho hệ thống xương khớp như thái cực quyền, các bài tập dưỡng sinh, các bài tập tốt cho khớp gối để tránh cứng khớp gối.

– Cần có một chế độ ăn uống đủ chất: calci, florua, magiê, và bổ sung vitamin D bằng cả việc ăn uống kết hợp hoạt động ngoài trời, tăng cơ hội sưởi nắng để làm tăng lượng vitamin D3 tổng hợp ở tế bào da, làm tăng khả năng hấp thụ calci qua đường tiêu hóa, làm cho xương chắc hơn. Bạn cũng nên bổ sung đầy đủ calci tối thiếu 1000mg/ngày.


 

– Sử dụng liệu pháp nội tiết tố thay thế ở giai đoạn mãn kinh theo chỉ định của bác sỹ.

– Đối với một số trường hợp cần phải được bổ sung estrogen và calci, hạn chế tối thiểu hiện tượng gãy xương.

Theo Khoa học & Đời sống


From the same category