Alice ở xứ sở diệu kỳ

Như rất nhiều nhà văn khác, Lewis Carroll (tên thật là Reverend Charles Lutwidge Dodgson) vốn là tay ngang, giảng viên môn toán trường Christchurch. Chính ở đây, ông đã gặp cô bé Alice Liddell 10 tuổi, con gái ông hiệu trưởng, là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm tiêu biểu của mình, trong đó đặc biệt có Alice ở xứ sở diệu kỳ (Alice in Wonderland) – được coi là một tác phẩm kinh điển của văn học trẻ em thế giới, ra đời năm 1865.

Lewis Carroll, bằng tư duy khoa học khúc chiết của mình, đã xây dựng một thế giới vừa mộng mơ kỳ ảo lại vừa mang đầy tính triết lý. Nếu “Alice in Wonderland” lấy bộ bài tú lơ khơ làm nền tảng để suy tưởng, thì “Through the Looking-Glass, and What Alice Found There” (1871) lại dựa trên trò chơi cờ vua (cả hai tác phẩm này đã được đưa vào bộ phim 3D Alice in Wonderland của đạo diễn Tim Burton mới phát hành tháng 3 vừa qua). Ở đó, mỗi nhân vật là hiện thân của một quân cờ, với Nữ hoàng Trắng và Nữ hoàng Đỏ, còn Alice chỉ là một quân tốt.

Cuốn Sổ tay Văn học thiếu nhi, NXB Wordsworth Classics, năm 1992 đã viết: “Dù các câu chuyện về Alice đã được ca ngợi bởi những người theo chủ nghĩa siêu thực, và các học trò của Sigmund Freud thì chỉ ra được rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng trong đó, ta vẫn phải nhớ rằng các cuốn sách này được viết cho trẻ em.

Một phần trong con người Carroll đã không lớn lên, đó là lý do vì sao những cuốn sách này thành công như vậy. Ông hiểu được nỗi thất vọng của thời thơ ấu, khi phải là một con tốt trong trò chơi được điều khiển bởi những quy tắc phi lô-gic của người lớn.”

Tác giả: Lewis Carroll
Hình ảnh: Trích từ bộ phim “Alice in Wonderland” của đạo diễn Tim Burton


From the same category