Alexander không là huyền thoại - Tạp chí Đẹp

Alexander không là huyền thoại

Sự Kiện

Alexander  

Có phải đây là bờ Địa Trung Hải xinh đẹp? Có phải đây là thành phố Alexandria ở Ai Cập, ở Bắc Phi? Nơi đây từng là thủ đô của Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ai Cập trong gần một ngàn năm, một trung tâm quan trọng của nền văn minh Hy Lạp cổ đại? Có phải nơi đây được khai sinh và mang danh Alexander một thiên tài quân sự vĩ đại bậc nhất, một chính trị gia kiệt xuất, một nhân vật huyền thoại của lịch sử? Có phải nơi đây Alexander bắt đầu cho những cuộc hành binh mới về phương Đông để mở mang bờ cõi đế chế rộng hơn 5 triệu km2? Và hôm nay, Alexander đang đứng ở đâu trong hào quang của chính mình?

Alexander

Alexander 

Khi ngược dòng thời gian, khi lần theo một dòng chủ lưu của nền văn minh nhân loại, những câu hỏi như thế có thể bất chợt xuất hiện trong bất kỳ ai. Khó tránh được tò mò, hoài nghi, tự vấn và cả những dằn vặt giữa cái người ta đã đọc, đã xem, đã nghe và cái trực quan. Hậu thế luôn ngả nghiêng giữa khoảng mờ của hiện tại và quá khứ, giữa hiện thực, liên tưởng hay suy lý.

Và khi đến với Alexandria, để tìm kiếm những khúc xạ, hồi quang từ năm 300 trước công nguyên, để kiểm chứng tri thức, để có một trải nghiệm riêng, người ta thường tìm đến trụ cột, giảng đường, nhà hát La Mã cổ đại, Bảo tàng Alexander… Không mấy ai bỏ qua Pháo đài Qaitbay hay Thư viện Alexandria như những chứng tích hùng hồn nhất, tiêu biểu nhất của lịch sử thành phố.

Nhưng khó thay, Pháo đài Qaitbay chỉ còn là tọa độ, dấu mốc của nơi từng hiện diện chiếc đèn biển, một trong bảy kỳ quan cổ đại của nhân loại. Mọi câu chuyện về đèn biển chỉ còn đọng lại trong ký ức, hằn trên những cuốn sách, những họa phẩm hay chuyển dịch rất chậm trong những đoạn phim tư liệu quý mà các nhà khảo cổ đã ghi lại dưới đáy biển sâu.

Alexander

Sau bao biến cố của lịch sử và sau bốn lần hỏa hoạn, vỏ xác của thư viện nguyên thủy Bibliotheca Alexandrina cũng đã biến mất. Trên nền đất cũ, Thư viện Alexandria hôm nay đã choàng khoác một diện mạo mới sau những “phù phép” của kiến trúc sư Snohetta. Trong một phối cảnh lớn, mặt cắt của kiến trúc này cũng có thấp thoáng hiển thị hình ảnh Kim tự tháp. Trên bức tường đá lớn phía Tây Nam, những nét khắc chữ tượng hình Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ai cập cổ chỉ muốn làm giảm bớt sức nặng của vật liệu và tăng khả năng biểu cảm cho kiến trúc. Nhưng điều đáng suy ngẫm nhất của kiến trúc này là nó đã cố gắng không mô tả lại cái đã có hay mô phỏng những giá trị, biểu tượng lớn. Ngôn ngữ, hình thức kiến trúc mách bảo tri thức là một vũ trụ rộng lớn và trí thức là tầng khí quyển bảo đảm cho một trái đất phát triển bền vững. Thông điệp lớn nhất của nó là hướng đến tương lai.

Alexander

Alexander  

Thư viện Alexander 

Trên một không gian hiện đại mang đầy tính biểu hình, biểu tượng ấy, bất chợt bức tượng Alexander Đại Đế xuất hiện chỉ như một cái cớ? Bản sao một tác phẩm có từ thời Hy Lạp cổ đại hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Anh là khá nhỏ.

Phải vận dụng năng lực suy diễn từ hình họa về cấu tạo cơ thể người ta mới thấy đây là chân dung của một thanh niên vạm vỡ, một chiến binh vĩ đại.

Đó là một kích cỡ quá khiêm nhường so với vị thế, hình ảnh, tầm vóc của người đầu tiên tạo dựng Alexandria, một vị Vua của Macedonia, Hegemon của Hy Lạp, Pharaong của Ai Cập, Shahenshah của Ba Tư, vua của châu Á? Phải đọc, nghiền ngẫm rất nhiều về lịch sử mới nhận thấy từ điêu khắc này ý chí kiên cường, sự thông tuệ, tài lãnh đạo siêu phàm mà Alexander thừa hưởng từ người cha hay người thầy dạy Aristotle? Và phải rất nhạy cảm, phải có trí tưởng tượng thật phong phú mới cảm được năng lực tưởng tượng mang tinh thần tôn giáo mà Alexander tiếp nhận từ người mẹ…?

Alexander

So với những tác phẩm khá nổi tiếng như Alexander thuần phục chú ngựa hoang Bucephalus ở thủ đô Edinburgh Scotland, điêu khắc đá chân dung đại đế đang lưu giữ ở Bảo tàng khảo cổ Istanbul hay tranh gốm mô tả trận chiến Issus trong bộ sưu tập tư nhân lớn nhất, ấn tượng nhất ở Pompeii, Ý… điêu khắc này có vẻ không hoành tráng.

Ngay trong sân thư viện, chân dung Alexander, chân dung con trai thần mặt trời Amon, chân dung người thừa kế các Pharaon cũng thấp nhỏ hơn bức tượng vua Menkaura (vương triều Pharaon thứ 4, 2500- 2482 TCN). Ngôn ngữ nghệ thuật bức tượng Alexander cũng không hiện đại như điêu khắc một thiếu nữ có gương mặt của thần Ptah. Ptah hiện đại, hiện sinh đang cầm trên tay was- biểu tượng của sức mạnh, sự giàu có, djed- biểu tượng của ổn định và ankh- biểu tượng của sự sống.

Alexander

Vua Menkaura 

Nhưng khi hình bóng Alexander đang phơi trần với ào ạt sóng và gió Địa Trung Hải, dấu tích này dù nhỏ, di chỉ này dù rất khiêm nhường cũng dễ dàng xúi bẩy người ta rơi vào một trường liên tưởng thật lạ. Ấy là lúc Thư viện cổ xưa chợt hiện ra như một không gian thiêng. Khi Alexander đứng giữa một không gian ba chiều của lịch sử, thời gian hơn 2400 năm chỉ tựa nháy mắt. Khi Alexander đối diện với chính ta, trong một môi trường ký ức đã cong đi một cách bất thường, con đường tự ý thức như mờ dần để nhường chỗ cho một giấc mơ hoang ảo.

Đó cũng chính là lúc cảm giác thật rõ không phải mình đang đọc những gì mà Plutarch, người viết lịch sử Hy Lạp cổ đại để lại. Dường như thần Ptah đang thì thầm. Ptah cha đẻ của các nhà hiền triết Imhotep đang muốn hậu thế dần quên đi huyền thoại về thần Zeus hay Hoàng đế Philip II là cha đẻ của Alexander. Thần sinh đẻ Ptah muốn chúng ta quên đi giấc mộng của Hoàng hậu Olympias. Bà đã cảm thấy có những tia sét dội vào tử cung và làm bùng lên bao ngọn lửa chói lóa khi bắt đầu mang thai Alexander. Ptah vị thần của sức mạnh cũng muốn chúng ta quên đi giấc mơ của Hoàng đế Philip II về một Hoàng tử bất khả chiến bại. Giấc mơ với dấu vết mãnh sư hằn lên trên tử cung Olympias.

Alexander

Nhân thần Menkaura lại có thái độ rất khác với các vị thần trong thần thoại Ai Cập. Quay lưng lại với Đại đế, ánh mắt dõi xa về phía biển và gương mặt hơi lạnh lùng khi Pharaon nhắc hậu thế những quá khứ rất trần tục của Alexander. Một trong những Pharaon hùng mạnh, giàu có nhất thế giới Ai Cập, thế giới cổ đại vẫn có pha chút ghen tị khi kể về thói ăn chơi hưởng lạc của Alexander trên con đường hành binh về phương Đông. Người cuối cùng xây dựng một kim tự tháp vẫn đang hiện tồn ở Giza gợi cho hậu thế suy ngẫm kỹ lưỡng hơn về việc hàng chục thành phố từng mang tên vị Đại đế kiêu hùng đã mau chóng biến mất trên bản đồ thế giới ngay khi thời kỳ Hy Lạp hóa do ông ta khai sáng chưa kịp lụi tàn…

Alexander

Alexander  

Trước những hiện thực hôm nay của Alexandria, đối diện với Alexander, chẳng phải thần hay nhân thần, người viết chỉ biết lặng lẽ tiếp nhận một phần nhỏ huyền thoại về một Đại đế tột đỉnh quyền lực, vinh quang hay cực đỉnh giàu sang. Trong phòng đọc mênh mông, áp mặt lên cuốn sách in trên giấy cói, không biết là ngủ hay thức nhưng lại nhớ rất rõ một ngày đầu năm 331 trước công nguyên, bên bờ Địa Trung Hải, Alexander đã dùng bột bánh để phác thảo mô hình quy hoạch thành phố. Có phải những lớp bột thô mộc, sần sùi ấy như đã hóa đá, đã biến thành chất liệu để nghệ sĩ vô danh ghi tạc lại chân dung một người đàn ông rất đẹp trai, mái tóc rũ mềm, vầng trán thông minh, ánh mắt đa cảm. Có lúc nào đó dường như ta đang nghe chính Alexander chậm rãi kể lại cuộc đời ngắn ngủi và quá đỗi bình thường của mình. Không phải ông đang nghiêng đầu về bên trái như ta đang nhìn thấy. Ông đang lắc đầu mà rằng: Alexander đã từng muốn, từng đắm say với khát vọng, với cuồng vọng được là huyền thoại của muôn đời. Nhưng… hơn 2400 năm đã qua đi… Mẹ thời gian đã dạy ta…: để tiếp tục sống và hành động chỉ như một bổn phận, để cơ may trường tồn, xin hậu thế đừng phong thánh, dựng thần!

 

Bài & ảnh: Xuân Bình

Xem thêm: Con đường di sản văn hóa

Thực hiện: depweb

09/11/2013, 11:37