Alex Thanh Bạch: “Không nhố nhăng không phải là tôi” - Tạp chí Đẹp

Alex Thanh Bạch: “Không nhố nhăng không phải là tôi”

Bộ Sưu Tập

Cũng nói dối một cách chuyên nghiệp

Những thay đổi lớn của anh hẳn kéo theo những kế hoạch lớn. Cụ thể thì từ nay đến cuối năm, anh có những chương trình quan trọng nào?

Tháng 8 này là lần đầu tiên tôi dẫn chương trình cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức tại Las Vegas (Mỹ). Tháng 11 tôi phát hành album tặng kèm VCD, gồm những ca khúc tôi thích và những ca khúc do tôi sáng tác trong 10 năm qua. Nếu không có gì thay đổi thì đêm Noel tôi sẽ tổ chức live show ở Sân vận động Quân khu 7 với rất nhiều tiết mục đặc sắc, và cuối năm tôi gắng hoàn thành chương trình Giải trí Giáo dục để có thể bắt đầu phát sóng trong năm 2007.

Nghe nói chương trình Giải trí giáo dục của anh dạy đời ghê gớm lắm, mà toàn “nắn” các bậc phụ huynh?

Thật ra, chương trình này vẫn mang phong cách Thanh Bạch: vui nhộn, dí dỏm, bất ngờ. Nhưng tôi làm nó với ý thức công dân của mình. Chúng ta đều biết, đối với bất kỳ quốc gia nào, thế hệ trẻ mới là người quyết định tương lai của đất nước, nên không ai dại gì đi uốn tre, mà phải uốn măng.
 

Chiếc đầu đinh “ngả” về phía sau được thay thế bằng chiếc đầu – cũng đinh – nhưng “siêu ngắn” và nhuộm màu; Những bộ vest cùng các loại nơ và cà vạt được thay thế bằng trang phục hip-hop sốc không kém; Sự tự do dàn xếp công việc được thay thế bằng một thư ký riêng khá nhanh nhẹn và mau miệng; Ngay cái tên Thanh Bạch cũng được thay thế bằng Alex Thanh Bạch.

Điều gì đã làm Thanh Bạch thay đổi như vậy?

Ngay chuyện phun nước miếng ngoài đường của Singapore, phải sau 20 năm người ta mới bỏ được thói quen đó. Bây giờ hỏi bất kỳ ai trong chúng ta về việc phun nước miếng ngoài đường, ai cũng nói đó là xấu, nhưng cần họ vẫn làm. Bởi họ không quen như thế, nên đôi khi chạy ngoài đường, một bãi nước miếng bay vào mặt, tôi cũng thấy không giận. Vì nó là sự không giáo dục của những thế hệ trước đây. Nếu mình dạy cho trẻ biết cười vui, đùa giỡn với những thói hư tật xấu nhằm làm ấn tượng để trẻ biết phân định cái này đúng, cái kia sai, thì thế hệ đó sẽ quyết định văn minh tương lai của xã hội. Nhưng trẻ con lệ thuộc vào người lớn, đầu người lớn có thông thì mới quyết định cho trẻ con được cởi mở, nên chương trình này tôi hướng đến các bậc phụ huynh.

Theo anh, văn minh của “người lớn” đang đứng ở chỗ nào mà lại cần phải giáo dục “trẻ con”? Và anh có nghĩ đang tự khoác cho mình một công việc gọi là “đao to búa lớn”?

Công việc này thường do đài truyền hình làm, hoặc các công ty đặt hàng, nhưng tôi tự làm và đi rao bán. Vì tôi cảm thấy có rất nhiều vấn đề báo động. Ngay trong cách dạy Văn cũng đã nói lên điều đó. Tả một buổi làm việc trong gia đình, nếu em nào tả mẹ em ngồi đánh vi tính, ba em ngồi xem ti vi sẽ bị rớt điểm liền. Muốn có điểm, em đó phải viết theo cái khuôn cô giáo đưa ra là tối tối mẹ em ngồi vá áo cho ba. Như vậy là chúng ta đang tập cho trẻ gian dối một cách chuyên nghiệp, và sau này sẽ trở thành một người nói dối chuyên nghiệp. Mà một người nói dối chuyên nghiệp thì không thể để người khác tin tưởng, mà sự tin tưởng là cái căn bản của sự thành công. Nên hiện nay, nhiều thanh niên bị thiệt thòi. Họ hay phải nói những điều xã hội cần, nói những điều đại đa số nghĩ, đại đa số muốn, chứ không phải nói những điều mình nghĩ, mình muốn, và chính điều đó đã vùi dập tài năng.

Anh có nói nếu chương trình này không bán được cho truyền hình thì sẵn sàng rao bán trên mạng?

Nói trước bước không qua, nhưng thật ra ý tưởng của tôi vừa mới hé mở đã có rất nhiều người tranh nhau. Bởi chất lượng là lợi nhuận. Anh là tôm tươi người ta sẽ giành nhau mua, còn anh là cá ươn người ta sẽ chê. Mà đài truyền hình có chương trình hay tất sẽ có rất nhiều nhà tài trợ nhảy vào.

Ý anh muốn nói sản phẩm của mình là tôm tươi?

Điều này để người khác đánh giá, chứ tôi không dám tự vỗ ngực khen mình.

Nghĩa là anh lại đang… nói dối một cách chuyên nghiệp?

Bởi vì tôi phải biết mình đang sống ở đâu và đang phục vụ ai. Mình phải yêu đất nước Việt Nam và yêu tất cả những điều chưa đẹp lẫn những điều đẹp thì mới là người Việt Nam hoàn chỉnh.

Nghệ sỹ hay… thợ sỹ

Anh đang có những thay đổi lớn về hình thức. Lý do sát sườn của sự thay đổi này là gì?

Tôi có nhiều kế hoạch mới, nhưng sao làm toàn không được? Vì trong suy nghĩ của mọi người, nói đến Thanh Bạch là phải mặc vest, thắt nơ, cà vạt. Hay nếu tôi để kiểu tóc trước đây, mà mặc hip-hop người ta sẽ bị dị ứng, thấy khó chịu, nói ông này đua đòi, không phù hợp. Nên dù ngọt ngào, êm ái thì đó cũng là sự bó buộc mà mình cảm thấy khó vượt qua được. Vậy sao không thay đổi, khi nó mang lại niềm vui, cảm hứng cho mình?

Nhưng sự thay đổi này không phù hợp với anh, ít nhất là về tuổi tác?

Nghệ thuật của thời gian là… ăn gian, nó giúp mình có thể sống lại thời điểm đã qua. Còn nếu sống mà cứ sợ mọi người khen chê để phải giữ hình tượng đó, nhưng thưcå ra trong lòng đang chán, để sự mệt mỏi bao trùm thì còn bi kịch hơn. Đôi khi phải để cái tôi của mình lấn át quan niệm chung của xã hội, thế mới xứng danh nghệ sĩ. Nếu không, chỉ xứng đáng là thợ sĩ thôi.

Tôi nghĩ, thoải mái là cơ sở của sự sáng tạo, mà sáng tạo mang lại lợi ích cho mọi người chứ không phải cá nhân mình. Nếu sự thay đổi của tôi làm người khác đau đầu, chóng mặt, cảm thấy ô nhiễm thì không nên, nhưng ở đây nó vô hại.

Vậy hóa ra lâu nay, anh không thoải mái và không được sáng tạo?

Nếu không sáng tạo, làm sao tôi có thể đoạt giải Cù nèo vàng, hai năm liên tiếp đoạt giải Mai vàng? Chỉ cần nhìn vào khối lượng đồ vest, cà vạt của tôi mọi người sẽ sốc. Với hình ảnh này, tôi đã yêu mến, say mê và đầy sáng tạo. Nhưng nghệ sĩ luôn thay đổi, cái gì đạt được rồi lại cảm thấy bình thường. Ngày xưa đi học, có thầy và thầy chỉ cho mình cái này nên, cái này không nên. Còn bây giờ thầy mình chính là mình.

Kéo theo sự thay đổi về hình thức là cái tên “nửa Tây nửa Ta” – Alex Thanh Bạch. Cái tên hướng ngoại này nói lên điều gì?

Không phải hướng ngoại, mà là xu hướng chung. Mỗi lần gặp những người bạn ngoại quốc, họ rất khó nhớ tên tôi, có thêm cái tên Alex sẽ dễ hơn. Ca sĩ Hồng Kông từ lâu đã có tên tiếng Anh. Ngay ở nước mình, trước đây cũng có những cái tên như Elvis Phương… Đó là điều rất bình thường, trong chừng mực nào đó, nó còn là quan hệ giao tiếp. Hơn nữa, cái tên này tôi đã có từ thời đi học ở Nga, chứ không phải bây giờ mới nghĩ ra.

Đừng gọi tôi là thằng hề, hãy gọi tôi là chú hề

Phong cách của anh có người thích, có người không. Còn anh, đã bao giờ bị nhận xét thẳng thừng là… nhố nhăng chưa?

Thường xuyên! Tôi mà không nhố nhăng mới là chuyện lạ! Cuộc sống hàng ngày của nhiều người cứ trôi đi đơn điệu, buồn chán, tẻ nhạt, lúc nào cũng tiền bạc… có một người làm mình vui, mình cười, mình quên đi tất cả những thứ đè nặng trên vai, thì người đó phải được gọi là ông nhố nhăng chứ không phải thằng nhố nhăng! Thằng hề mua vui rẻ tiền, nên đừng gọi tôi là thằng hề, mà hãy gọi tôi là chú hề. Tất nhiên chú hề rất cần cho cuộc đời.

Anh nghĩ gì khi bị nhận xét là nhố nhăng?

Xứ ta quy định không được hở 1/2 ngực, cạo trọc đầu không được xuất hiện trên ti vi đối với xứ người là chuyện cười đó! Cái đầu trọc đó ăn cướp, giết người là chuyện khác. Còn tóc người ta rụng gần hết, người ta bị hói nhìn không “xuôi” mắt, cạo đẹp hơn thì cạo chứ mắc gì lại để.

Nhố nhăng nghĩa là không đàng hoàng, còn tôi chọc cười một cách tế nhị và mang lại một thông điệp sau trận cười đó. Khán giả thấy vui với sự xuất hiện của tôi, sao cái công đó không kể đi! Mỗi lần tôi bước ra sân khấu với bao nhiêu sự chuẩn bị và đầu tư tốn kém, sao không nhìn bằng con mắt chuyên nghiệp và phân tích xem cái ông nhố nhăng này làm gì, nên tôi không cần phải đính chính và cũng không cần phải nói nhiều hơn nữa.

Nhưng anh đã có thực lực rồi, sự đầu tư tốn kém, cầu kỳ về hình thức của anh chắc gì đã giá trị bằng sự đơn giản nhưng tế nhị và tinh tế?

Một tác phẩm nghệ thuật bạn muốn nói nó hay là nó hay, nói nó dở là nó dở, căn bản là bạn phải cảm nhận lợi ích nó mang lại cho khán giả. Tôi quan niệm không khí vui tươi, hào hứng, để khán giả quên hết mệt mỏi là điều vô giá.

Tôi đi tới đâu bị người ta ghét tới đó

Có phải cát xê hiện nay của anh cao ngang hàng với những ca sĩ ngôi sao?

Ca sĩ hát bài đã thuộc rồi, còn MC phải dốc tâm trí và trải dài sức khỏe từ đầu đến cuối chương trình, phải chịu trách nhiệm chương trình đó hay hay dở, mặc dù trong đó ca sĩ cũng là mắt xích quan trọng. Rõ ràng mồ hôi của MC chảy dài hơn, nặng nề hơn và nhiều hơn, nên nếu tính theo công “cày cuốc” thì MC còn phải được trả cát xê nhiều hơn ca sĩ.

Với mức cát xê này, anh đang là MC giàu có số 1 nhờ làm nghề?

Câu đó nghe sợ quá, tôi chỉ dám nói mình là người có ngôi sao may mắn chiếu mạng để sống được bằng nghề đã học. Nhưng thật ra tiền không phải hạnh phúc, càng nhiều tiền thì càng khổ tâm. Mà tôi cũng không thích nói nhiều về chuyện này. Vì trong một xã hội còn nhiều người khổ, mình đem chuyện tiền ra nói là mình không nhân đạo, mà người giàu cũng quá nhiều, nên nói mình làm nhiều tiền đối với họ lại thành ra mắc cỡ. Bởi so với người giàu thì MC có là gì đâu, tôi chỉ là một người nghèo đáng thương, đáng giúp đỡ!

Anh có nghĩ một người giữ kỷ lục về dẫn show game, đắt sô quảng cáo, event, cát xê lại cao như mình thì sẽ bị nhiều người ganh tị?

Điều này tôi đã cảm nhận được từ khi mới tốt nghiệp về nước. Nghĩa là cách đây hơn 20 năm, tôi mang về những ý tưởng mới và kết quả học tập của mình, tôi muốn cống hiến bất kỳ đâu, mà không vụ lợi, không cần tiền. Nhưng đi tới Nhà Văn hóa nọ người ta sợ tôi chiếm vị trí của họ, đi tới câu lạc bộ kia người ta sợ tôi chiếm ghế trưởng phòng, nên tôi đi tới đâu bị người ta ghét tới đó, người ta trở mặt với tôi 180 độ mà tôi không hiểu tại sao.

Thông qua một số cuộc thi ở nước ngoài, tôi thấy sự thất bại của mình là không đoàn kết, không thương yêu nhau. Một người đi thi quốc tế đoạt huy chương vàng, hai người xuống huy chương đồng, nhưng 5 người thì sẽ ra ở vòng loại, vì họ tự hại nhau, và 5 người hại nhau gấp 5 lần. Chuyện này là kinh nghiệm xương máu đấy, tôi đã thấy và đã đau khổ, tôi muốn diễn hài về chuyện này!

Xét theo sự phát triển, thì bây giờ anh càng bị… ghét nhiều hơn?

Tôi biết các công ty quảng cáo đang rất muốn tìm một người thay thế thằng Thanh Bạch đi cho rồi. Trong chiến lược của tôi có cả việc nhận ít sô, nên lời từ chối của tôi tăng lên. Khi khách hàng muốn mời Thanh Bạch mà công ty quảng cáo không mời được, họ quay sang thù tôi, vậy là mình vừa không có tiền, vừa bị thù ngang. Đúng là càng ngày tôi càng thấm thía câu ông bà mình nói: “Càng cao danh vọng càng dài gian nan”!

Vợ tôi bó tay với tôi

Vợ anh – nghệ sĩ Xuân Hương phản ứng thế nào trước hình ảnh mới của anh?

Bây giờ cô ấy hết ý kiến rồi, gọi là bó tay toàn diện! Tôi cũng nói “cho anh bay bổng, sáng tạo đi, rồi anh sẽ đáp xuống thôi”. Nhiều người nghĩ tôi đã “đi” luôn rồi, nhưng tôi là người biết tạo cảm hứng và biết dừng lại. Khi tóc dài ra, tôi sẽ về với hình ảnh cũ của mình.

Vợ anh nhìn anh là ông nhố nhăng hay chú hề đáng yêu?

Cô ấy đang nhìn tôi theo kiểu nhìn một ông nhố nhăng! Nhưng tôi đang thuyết phục cô ấy tôi là một anh hề đáng yêu.

Vợ anh còn nghĩ anh là ông nhố nhăng thì làm sao cải biến được ánh mắt của người ngoài?

Thì đúng là như vậy. Nhưng vấn đề là trong cái nhố nhăng đó vẫn có những cái dễ thương, tôi không làm gì quá đáng, không vi phạm thuần phong mỹ tục là được.

Anh đang cố tình trẻ hóa hình ảnh của mình, còn vợ anh thì ngày một già đi. Anh có nghĩ đó là nguy cơ rạn nứt?

Vợ tôi ăn diện vào sẽ rất xinh. Nhưng nhiều khi cô ấy lười, tôi phải động viên suốt. Gần đây cô ấy bắt đầu có sự thay đổi, trang phục nhìn rất phóng khoáng và có phong cách. Xuân Hương được cái nếu quan tâm sẽ làm đến nơi đến chốn.

Vợ anh chủ động quan tâm đến hình thức hay cô ấy chịu áp lực phải quan tâm đến hình thức như nhiều phụ nữ vẫn làm để giữ chồng?

Không phải. Thời sinh viên cô ấy đã từng là một người thời trang như thế, đến khi lo công việc, suốt ngày viết lách, cô ấy không còn chú ý nhiều đến mình nữa. Bây giờ cô ấy làm theo sự động viên của tôi, và cảm thấy rất thoải mái. Hơn nữa, sự trẻ trung hay không là do tâm hồn, do sự cảm nhận của hai nhân vật chính với nhau. Nên vấn đề là tôi cảm nhận chứ không phải mọi người cảm nhận./.

Thực hiện: depweb

09/08/2006, 11:49