Alex Morgan: “Chân sút sát thủ” tài sắc vẹn toàn của đội tuyển bóng đá mạnh nhất thế giới

Tuyển Mỹ vừa khép lại một mùa World Cup nữ 2019 thành công rực rỡ, mang về chiếc cúp vô địch cùng chuỗi trận toàn thắng. Và Alex Morgan là một trong số những cầu thủ của đội bóng xứ cờ hoa để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu bóng đá. Người hâm mộ biết đến cô với danh hiệu “chân sút sát thủ”, danh xưng “hoa khôi của làng bóng đá thế giới”, nhưng chính nỗ lực vì quyền bình đẳng giới trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung mới là điều khiến nữ tiền đạo mang áo số 13 được ca ngợi nhiều nhất.

Từ nhỏ, Alex Morgan (2/7/1989) đã bộc lộ đam mê với thể thao đặc biệt là bóng đá, và bố cô chính là một trong những huấn luyện viên đầu tiên của cô. Nhưng phải đến khi gia nhập CLB Cypress Elite vào năm 14 tuổi mới, cô bé Alex Morgan mới được nuôi dưỡng và khai thác tiềm năng bóng đá trời phú. Cùng với CLB Cypress Elite, cô cầu thủ trung học đã giành được chiếc cúp vô địch đầu tiên tại mùa giải Coast Soccer League. Mong muốn vượt qua mọi giới hạn và khao khát trở thành nữ cầu thủ giỏi nhất thế giới đã thôi thúc Alex Morgan mỗi ngày một tiến xa hơn.

Alex Morgan – hoa khôi tài sắc vẹn toàn của làng túc cầu nữ

Hoa khôi tài sắc song toàn của làng bóng đá 

Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Alex Morgan đã được các đồng đội đặt biệt danh là “Ngựa con” bởi tốc độ đáng gờm và sự nhanh nhẹn ai cũng phải dè chừng. Ra mắt đội tuyển quốc gia Mỹ vào năm 2010 tới nay, nữ cầu thủ ra sân tổng cộng 169 trận và ghi được 107 bàn thắng. Thành tích này giúp cô lọt vào “Top 6 chân sút vĩ đại nhất lịch sử bóng đá nữ Mỹ” và là cầu thủ nữ thứ 16 trong lịch sử chạm tới cột mốc 100 bàn thắng trong sự nghiệp. Trong màu áo đội tuyển Mỹ, Alex tiếp tục gặt hái vô số thành công với 7 danh hiệu lớn, nhỏ khác nhau suốt 6 năm, mà đỉnh cao chính là chức vô địch World Cup nữ 2015 tại Canada. Trong trận chung kết với Nhật Bản năm đó, dù chỉ đóng góp một trong tổng số 5 bàn thắng nhưng tài năng của tiền đạo xinh đẹp này là không thể phủ nhận.

Bước vào World Cup 2019 với tư cách nhà đương kim vô địch, mục tiêu của Alex Morgan cùng các đồng đội không gì khác ngoài việc bảo vệ thành công danh hiệu giành được 4 năm về trước.

Tại giải đấu năm nay, bên cạnh thủ quân Carli Lloyd, Alex Morgan, Becky Sauerbrunn và Megan Rapinoe là 3 cầu thủ được “chọn mặt gửi vàng” luân phiên đảm trách dẫn dắt tuyển Mỹ (tùy theo chiến thuật của từng trận). Trong cuộc chạm trán đội tuyển Thái Lan hồi tháng 6, nữ tiền đạo khiến người hâm mộ choáng ngợp khi để lại dấu giày ở 8 trong 13 bàn thắng vào lưới đội bạn (5 cú sút và 3 bàn kiến tạo), giúp đội nhà thắng với tỷ số áp đảo 13-0. Thành tích trên đã giúp cô trở thành nữ cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong một trận World Cup, ngang bằng kỷ lục với đàn chị đồng hương Michelle Akers lập được ở World Cup 1991.

Tuyển Mỹ lập kỷ lục với 4 lần vô địch World Cup trong các mùa giải 1991, 1999, 2015, 2019.
Tháng 6/2015, Tạp chí Time đã chỉ ra cô là cầu thủ bóng đá nữ được trả lương cao nhất ở Mỹ (bao gồm cả những nguồn thu nhập khác).

Ở lượt trận tứ kết, nữ cầu thủ sinh năm 1989 cũng là người góp công trong nhiều bàn thắng quyết định. Thậm chí, trong trận chung kết cùng tuyển Hà Lan, bàn thắng mở tỷ số đầu tiên cho tuyển Mỹ đến từ chấm phạt đền cũng bắt nguồn từ việc cô bị phạm lỗi trong vòng cấm. Vậy là sau ngày 7/7/2019 vừa qua, Alex Morgan cùng đồng đội đã hoàn thành sứ mệnh bảo vệ ngôi vô địch, hạ gục đội tuyển “cơn lốc màu da cam” với 2 bàn thắng. Ở tuổi 30, Alex Morgan gần như sở hữu đầy đủ mọi danh hiệu quý giá nhất với một cầu thủ nữ.

Alex Morgan trên trang bìa Tạp chí Sports Illustrated và Tạp chí Time.

Không chỉ là một ngôi sao bóng đá trên sân cỏ, nữ tiền đạo còn trở thành gương mặt ảnh bìa yêu thích của nhiều tạp chí tên tuổi như Sports Illustrated, ESPN The Magazine, Shape, Vogue, Elle, Time, Fortune… vì sở hữu khuôn mặt xinh đẹp và thân hình săn chắc, gợi cảm.

Tích cực chiến đấu vì quyền bình đẳng giới trong thể thao

Bên cạnh sự nghiệp bóng đá rạng danh, Alex Morgan còn là một người tích cực chiến đấu vì quyền bình đẳng giới trong thể thao.Trên thực tế, thành công của Morgan và đồng đội giúp phụ nữ quốc gia này có thêm một lĩnh vực nữa để khẳng định tài năng của mình.Nói về những trở ngại mà các cầu thủ nữ gặp phải, cô cho biết: “Vấn đề lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt trong quyền thể thao chính là sự chênh lệch giải thưởng quá lớn so với nam giới và FIFA không hề quan tâm đến các cầu thủ nữ. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ thế giới thật sự xem trọng nữ giới trong lĩnh vực thể thao, nhưng nếu FIFA đi đầu trong việc tôn trọng sự cống hiến của phụ nữ thì sự thay đổi tích cực ấy sẽ lan tỏa, sự khác biệt giữa nam và nữ trong thể thao mới dần được thu hẹp”.

Năm 2019, Alex Morgan và Kyrie Irving được PETA trao vương miện là “Người nổi tiếng thuần chay đẹp nhất năm”.

Dù các cầu thủ nữ đang nhận được số tiền thưởng nhiều hơn sau mỗi mùa World Cup nhưng nếu so với nam giới đó vẫn chỉ là một khoảng vô cùng khiêm tốn. Theo CNBC, mùa World Cup 2018, đội nam vô địch nhận được tổng cộng 38 triệu USD, trong khi đội nữ vô địch chỉ được nhận vỏn vẹn 4 triệu USD. Thậm chí, tổng số tiền thưởng dự đoán trong mùa World Cup nam 2022 và World Cup nữ 2023 cũng đã có – lần lượt là 440 triệu USD (tăng thêm 40 triệu USD) và 40 triệu USD (tăng thêm 10 triệu USD). Dù giải thưởng của nữ được tăng thêm so với 2019 nhưng tỉ trọng tiền thưởng của nữ so với nam vẫn không có thay đổi lớn.

Vào tháng 9/2017, cô và đồng đội Megan Rapinoe (phải) tham gia chiến dịch “Common Goal” với mục đích tận dụng sự ảnh hưởng của bóng đá để tạo nên thay đổi trong xã hội và cải thiện cuộc sống của mọi người; theo đó, mỗi người sẽ trích 1% tiền lương vào quỹ từ thiện nói trên.

Cô tin rằng nữ cầu thủ cần được công nhận và hưởng nhiều quyền lợi xứng đáng hơn, khi rõ ràng ngày càng nhiều khán giả yêu thích và quan tâm đến bóng đá nữ: “Những cầu thủ chuyên nghiệp như chúng tôi nếu không được lên tuyển sẽ phải lặn lội đi tìm việc làm ở các viện thể thao, trong văn phòng hay các nơi cắm trại. 4 năm trước, lương cầu thủ nữ rơi vào khoảng 6.000USD cho mỗi giải đấu, nguồn thu nhập này không đủ trang trải cho cuộc sống về lâu dài. Đó là lý do vì sao các bạn thấy nhiều nữ cầu thủ mới 25 tuổi đã phải khép lại sự nghiệp bóng đá” – nữ cầu thủ 30 tuổi thẳng thắn cho biết.

Nỗ lực chiến đấu vì quyền bình đẳng giới trong thể thao, Alex Morgan và các nữ cầu thủ nói chung đang trở thành hình mẫu và nguồn cảm hứng cho phụ nữ nói riêng và thế giới nói chung.

Ngoài ra, Alex Morgan còn tham gia chiến dịch #LikeAGirl vào năm 2014 với mong muốn khích lệ và cổ vũ các bé gái hãy nuôi dưỡng giấc mơ thể thao, với thông điệp được truyền đi rằng: “Rất nhiều người nói rằng con gái thì không chơi được cái này hay cái kia. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chơi bất kỳ môn thể thao nào mình muốn vì như tất cả mọi người, chúng ta xứng đáng và có quyền theo đuổi giấc mơ của mình. Vậy nên, đừng để bất kỳ ai nói rằng chúng ta không thể làm được”. Và thành tựu của họ ngày hôm nay cũng đã quá đủ để thấy rằng chẳng có giấc mơ nào là quá lớn.

Cuộc chiến vì bình đẳng giới sẽ là một chặng đường dài cam go cho các cầu thủ nữ nhưng lại vô cùng cần thiết. Bởi việc điều chỉnh mức thu nhập và những điều kiện đãi ngộ không chỉ thể hiện sự trân trọng họ xứng đáng có, mà còn tạo thêm nhiều cơ hội cho các tài năng bóng đá được sống và cống hiến quên mình trên sân cỏ.


From the same category