Album “The Tortured Poets Department” của Taylor Swift: Đi đến tận cùng của tan vỡ để tự chữa lành - Tạp chí Đẹp

Album “The Tortured Poets Department” của Taylor Swift: Đi đến tận cùng của tan vỡ để tự chữa lành

Review

“The Tortured Poets Department” (TTPD) không dành cho bất kỳ “chàng thơ” nào, mà nó dành cho chính bản thân Taylor Swift. Album này hẳn sẽ khiến những người yêu thích các bản radio hit của siêu sao tóc vàng cảm thấy rất hụt hẫng. Nhưng đối với những người mê mệt Taylor bởi chất thơ trong ngôn ngữ, kỹ năng kể chuyện (story-telling) cùng sự thấu cảm trong âm nhạc – đây thực sự là một kiệt tác.

*Lưu ý: bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và mang tính chất tham khảo cho bạn đọc. 

Kỷ nguyên nhận nhiều ý kiến trái chiều nhất

Những tấm ảnh đại diện đơn sắc với khung màu trơn phủ sóng mạng xã hội; những nội dung liên quan đến máy đánh chữ, bệnh viện tâm thần, những nhà thơ “cùng khổ” bỗng trở nên trending; giai điệu bay bổng cùng câu hát “I love you, it’s ruining my life” (tạm dịch: “Em yêu anh, điều này đang huỷ hoại đời em) ngân vang khắp nơi… Cả thế giới dường như đang cùng Taylor Swift khóc than cho hết thảy những đổ vỡ, cô đơn mà một đời người có thể trải qua. Đi qua 10 kỷ nguyên album, Taylor đã vẽ nên một bức bích họa dài hai thập niên về đời sống tâm hồn của cô, với đủ mọi cảm xúc mà bất kỳ ai cũng sẽ trải qua một lần. Nhưng “TTPD” là một tuyển tập dữ dội, khốc liệt và tang thương hơn rất nhiều. Vậy, thế giới đang đón nhận sự hỗn loạn đó như thế nào?

Với hơn 300 triệu lượt phát trực tuyến chỉ trong ngày đầu, trở thành album bán chạy nhất tại Hoa Kỳ chỉ với một ngày tính điểm, “TTPD” đang thể hiện cực tốt về mặt thương mại. Thậm chí, chuyên trang HITSDD cho biết rằng họ không thể đưa ra dự đoán cho doanh số album tuần đầu tại Mỹ, nhưng chắc chắn nó sẽ không dưới 2,3 triệu đơn vị tiêu thụ. Tuy nhiên, về nội dung và chất lượng âm nhạc, đã có sự chia rẽ rất lớn. Giới phê bình chia thành hai phe: một bên đánh giá cao sự “trần trụi” và chiều sâu cảm xúc của các bài hát; một bên “chê mạnh” vì album quá dài dòng, thiếu sự đột phá về giai điệu. Đối với người nghe nhạc, album tiếp tục nhận về hai luồng đánh giá phổ biến nhất: dễ đồng cảm, sâu sắc hoặc quá nhàm chán, không bắt tai.

Tình yêu có thể hủy hoại chúng ta đến mức nào?

Album mới của siêu sao tóc vàng được đánh giá là: “Tuyển tập các tác phẩm mới phản ánh những sự kiện, ý kiến ​​và cảm xúc từ một thời điểm thoáng qua nhưng mang tính định mệnh – vừa giật gân vừa đau buồn”. Vậy nên, cách hay nhất để thưởng thức “TTPD” sẽ giống như bạn đang đọc nhật ký của một người khác: từ tốn, nghiền ngẫm, không hối hả, không ồn ào. Album này thực sự không dành cho những người yêu thích giai điệu bắt tai, sôi động hay đòi hỏi sự mới lạ. Nó thiên về tự sự với dày đặc chí tiết, cùng những cảm xúc hỗn loạn, buộc bạn phải thực sự chú tâm vào từng câu chữ.

Album mở đầu bằng “Fortnight” – bản synth-pop mang âm điệu du dương như một giấc mơ, nhưng lại nói về cảm giác cô đơn trống trải đến nao lòng: “I love you, it’s ruining my life/I touched you for only a fortnight” (Tạm dịch: Em yêu anh, điều đó đang hủy hoại đời em/Em chỉ có thể “chạm đến” anh trong vỏn vẹn nửa tuần trăng). Cứ thế, thật chậm rãi, album mở ra mê cung cảm xúc của một trái tim mang đầy thương tổn, một người luôn khao khát yêu thương nhưng lại không ngừng bị bỏ rơi. Cô đã bị một kẻ xa lạ “bắt cóc” khỏi quê nhà, cho cô thấy vẻ đẹp không tưởng của thế gian rộng lớn. Rồi khi họ rời đi và trả cô gái về chốn cũ, cô không thể chấp nhận được, cô khao khát được sống lại những tháng ngày màu nhiệm đó: “Show me that this world is bigger than us/Then sent me back where I came from/For a moment I knew cosmic love” (Tạm dịch: Anh cho em thấy rằng thế giới này thật rộng lớn/Rồi lại đưa em trở về chốn xưa cũ/Trong một khoảnh khắc em đã biết đến tình yêu mang tầm vóc vũ trụ).

Và cũng như nhiều người trong chúng ta, cô gái ấy bị thu hút một cách mù quáng bởi chàng trai “cờ đỏ” chính hiệu, sẵn sàng nổi điên với ai ngăn cản cô yêu anh ta: “I’d rather burn my whole life down/Than listen to one more second of all this griping and moaning/I don’t cater to all these vipers dressed in empath’s clothing” (Tạm dịch: Tôi thà đốt cháy cả cuộc đời mình/Hơn là nghe thêm một giây than vãn và rên rỉ/Tôi không chiều lòng những con rắn độc đang khoác lên mình “chiếc áo” của sự đồng cảm). Cô ngây thơ tin rằng mình có thể thay đổi một gã trai không ra gì, để rồi phải cay đắng thừa nhận đó là điều bất khả thi: “They shook their heads saying, “God help her”/When I tell them he’s my man/But your good lord didn’t need to lift a finger/I can fix him, no, really I can/Whoa, maybe I can’t (Tạm dịch: Họ lắc đầu nói, “Chúa cứu rỗi cô ấy”/Khi tôi nói anh ấy là người đàn ông của tôi/Nhưng Chúa không cần động tay đâu/Tôi có thể “sửa chữa” anh ấy, không, thực sự tôi có thể/Ồ, có lẽ tôi không làm được).

Và còn rất nhiều những cảm xúc hỗn loạn khác cuồn cuộn dâng trào trong những giai điệu tưởng như thật nhàm chán: mộng mơ, thất vọng, đau đớn, giận dữ, dằn vặt bản thân, dù tuyệt vọng nhưng vẫn phải cố tỏ ra rằng mình ổn, mình phải làm việc để sống tiếp,… Đó chẳng phải là chính chúng ta, ở một thời điểm nào đó trong đời hay sao?

“Khi kể được câu chuyện buồn nhất, chúng ta sẽ thoát khỏi nó”

Hơn cả câu chuyện xoay quanh tình yêu, album này còn “chất vấn” bản ngã của một người làm nghệ thuật giữa vô vàn những hỗn loạn, phán xét của người đời. Họ có thể “điên rồ” trong mắt mọi người nhưng lại là những tâm hồn cực kỳ đồng điệu trong cá tính nghệ thuật, họ nhìn thấy ở nhau điều mà người khác vĩnh viễn không thể hiểu thấu: “I chose this cyclone with you/And who’s gonna hold you like me?/And who’s gonna know you like me?” (Tạm dịch: Em đã chọn cùng anh cuốn mình vào cơn lốc này/Và ai sẽ giữ lấy anh như em/Và ai thực sự hiểu về anh như em đây?).

Taylor cũng thể hiện rõ sự phản kháng, châm biếm những điều tiếng mà công chúng áp đặt lên cô, họ đè ép cá tính nghệ thuật của cô, đem nỗi đau của cô ra làm trò cười: “Is it a wonder I broke?/Let’s hear one more joke/Then we could all just laugh until I cry” (Tạm dịch: Có đáng ngạc nhiên không khi tôi tan vỡ?/Mình nghe thêm một trò đùa nữa nhé/ Rồi chúng ta sẽ cùng cười cợt cho đến khi tôi oà khóc). Cô cũng căm ghét sự đánh giá đầy cay nghiệt của truyền thông đối với các nghệ sĩ nữ, luôn tìm cách để so sánh họ với nhau, coi họ chỉ là bản sao của một ai đó hơn là cá thể riêng biệt: “You look like Clara Bow in this light/Remarkable/All your life, did you know/You’d be picked like a rose” (Tạm dịch: Em hệt như Clara Bow trong vầng sáng này/Đừng có quên/Cả đời này, em có biết/Rằng em sẽ được “hái” tựa một đóa hoa hồng).

Lần đầu tiên, Taylor Swift thể hiện hết thảy những gì là trần trụi, dễ tổn thương nhất của mình, không hề che giấu, không hề né tránh. Bi kịch tình yêu và sự đau đớn của cô vốn luôn là “miếng mồi ngon” để truyền thông và công chúng mổ xẻ. Họ khoét sâu nỗi đau của cô, nhưng đồng thời cũng lại khiến chúng mau lành hơn. Khoảnh khắc những người hâm mộ cùng hát vang bài hát của cô, biến nó thành bài hát của họ, cô đã chẳng còn đau đớn nữa. Như chính Taylor Swift đã viết: “Giai đoạn này của cuộc đời tác giả đã kết thúc, chương này đã khép lại. Không cần trả đũa, chẳng có gì để giải quyết khi vết thương đã lành. Khi nhìn lại, phần lớn những tổn thương đó hóa ra là chính mình gây ra. Người viết những bài hát này có niềm tin vững chắc rằng nước mắt của chúng ta thiêng liêng như giọt mực trên trang giấy. Một khi đã kể ra câu chuyện buồn nhất của mình, chúng ta đã có thể thoát khỏi nó rồi.”

Có thể nói, “TTPD” là hành trình nàng thi sĩ gom nhặt những mảnh vỡ từ trái tim mình, cố tìm cách ghép chúng lại dù có bị góc cạnh sắc lẹm của ký ức cứa đến chảy máu. Cuối cùng, một trái tim hoàn thiện lại thành hình, dẫu xù xì vết sẹo nhưng ít nhất nó vẫn có thể yêu thương. Khi những giai điệu của album này đến được với bạn, người viết ra nó đã nguôi ngoai phần nào, và hy vọng bạn cũng có thể tìm thấy sự bình yên trong chính trái tim mình!

Tác giả: Vũ Thảo

24/04/2024, 20:40