Chiến binh nữ nhỏ tuổi nhất nhà SM vừa phát hành full album đầu tay “Armageddon”. Trong khi thị trường ưa chuộng những bài hát dễ nghe và dễ thương, aepsa vẫn tiếp tục liều lĩnh thử nghiệm dòng nhạc và phong cách kén người nghe. Trái ngược các sản phẩm trước của nhóm, lần này album “Armageddon” ghi nhận thành tích đột phá cho các cô gái thuộc gen 4 Kpop.
Album “Armageddon” gồm 10 bài, trong đó 2 bài title là “Supernova” và “Armageddon”. Ngày 13.5, “Supernova” được phát hành và đạt thành công nằm ngoài dự đoán của người hâm mộ. Bởi lẽ, ca khúc thuộc số ít sản phẩm hiện tại của Kpop mang thể loại pop dance, kết hợp chất liệu điện tử và tiếng bass dồn dập. Chưa dừng lại, “Supernova” còn sở hữu cấu trúc bài hát hỗn tạp, ca từ “quái đản” về không gian khiến người nghe bị “chưng hửng” ở lần đầu xem.
Tuy nhiên, khi nghe lại nhiều lần, khán giả bị cuốn vào vào những phân đoạn “killing-part” như “su-su-su-supernova”, hay “ah-oy-ayy”. Do đó sau 9 ngày, “Supernova” nhanh chóng đạt perfect-all-kill (PAK), là ca khúc đứng thứ nhất toàn bộ các bảng xếp hạng âm nhạc tại Hàn Quốc. Ca khúc còn là “Siêu tân tinh” trong sự nghiệp của nhóm, khi đây là lần thứ hai aespa đạt PAK sau 3 năm kể từ lần cuối với “Savage” (2021).
Sau cú hit đầu tiên, át chủ bài “Armageddon” chính thức ra mắt vào ngày 27.5. Sản phẩm gây ấn tượng với giai điệu hip-hop dance và synth bass ma mị, cùng điểm nhấn là chút cổ điển mang vibe old-school pha trộn màu sắc hiện đại, độc đáo vốn có của nhóm. Đặc biệt, ca khúc còn khoe trọn khả năng hòa âm giữa bộ đôi rappers Karina, Giselle và dàn vocals Winter, Ningning. Nối tiếp “Supernova”, thì “Armageddon” kể về cuộc gặp gỡ của aespa đến từ 2 thế giới quan vũ trụ luôn tồn tại song song. Qua đó, ca khúc truyền tải thông điệp rằng, “Only I can define myself”, (tạm dịch: “Dù ở thế giới nào, thì chỉ tôi mới có thể định nghĩa bản thân mình”).
Sau 3 tiếng phát hành, bài hát chễm chệ hạng 11 trên Melon Hot 100, và đã leo lên hạng 5 để đuổi kịp “Supernova” vào tối ngày 3.6. “Armageddon” cũng sở hữu nhiều phân đoạn “killing-part” như “imma get it done”, “bang chitty bang bang”. Vì vậy, ca khúc được khán giả trông đợi sẽ tăng tốc vươn lên top 3 để bắt đầu “Armageddon” (tạm dịch: “Trận chiến cuối cùng”) khốc liệt với chị em cùng nhà “Supernova”.
Ngoài 2 bài title đã phát hành, aespa tiếp tục dẫn đưa khán giả vào bữa tiệc âm nhạc với menu mang đa dạng màu sắc trong album “Armageddon”. Trong đó, “Set The Tone” và “Mine” mang giai điệu hip-hop cá tính. Ngược lại, “Melody” lại là bản ballad ngọt ngào, sâu lắng với tiếng đàn piano. “Long Chat” mang tinh thần nhí nhảnh và dễ thương , còn “Prologue” là bản pop động viên người nghe đừng quá lo lắng về tương lai.
Bộ ba ca khúc còn lại gây ấn tượng mạnh mẽ là “Licorice”, “Bahama” và “Live My Life”. aepsa khắc họa bức tranh biển cả với bản disco pop “Bahama”, được viết bởi Kenzie – nữ nhạc sĩ chuyên tạo những bản hit đình đám cho nhà SM. “Licorice” sở hữu giai điệu gây nghiện, được kết hợp khéo léo giữa chất giọng của các thành viên và tiếng nhạc cụ. Cuối cùng là “Live My Life”, mang thể loại pop-punk gợi đến màu sắc của nữ ca sĩ Avril Lavigne.
Chỉ sau 5 ngày mở bán, aepsa ghi nhận hơn 1,154 triệu bản album bán ra, vượt mức pre-order là 130 nghìn bản. Con số này chỉ tính tại nội địa Hàn Quốc và số ít khu vực Đông Nam Á. Được đón nhận tích cực trên các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế, “Armageddon” dự kiến sẽ còn bùng nổ khi mở rộng sang thị trường Trung Quốc và các nước châu Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, vì fandom “Xứ tỷ dân” Trung Quốc đang bất mãn với cách làm việc của công ty chủ quản SM, nên khả năng cao album sẽ không thể bán chạy tại đây.
Không chỉ mang đến màu sắc âm nhạc mới lạ, aespa còn đầu tư lớn vào phần hình ảnh trong album “Armageddon”. Nhóm tung tổng cộng 2 MV, và 3 track video gồm “Long Chat”, “Licorice” và ‘Live My Life”. Bên cạnh đó, MV “Armageddon” được khen ngợi với phần kỹ xảo hoành tráng. MV không ghi hình quá nhiều ở địa điểm ngoài trời hay sử dụng thương hiệu thời trang đắt đỏ. Thay vào đó, nhóm tập trung vào phong cách “đóng hộp” thường thấy, diện những trang phục “nhà làm” và có hẳn đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp để dựng hiệu ứng.
Ngoài ra, album “Armageddon” còn sở hữu bản vật lý bắt mắt. Album gồm 4 ver mang 4 màu sắc âm nhạc đặc trưng của nhóm. Đặc biệt, CDP Ver. hiện được săn lùng với tính năng như chiếc máy nghe nhạc. Người nghe có thể kết nối bluetooth hoặc sử dụng tai nghe cắm trực tiếp trong liên tục 4 giờ. Khi hết pin, người dùng cắm sạc và sử dụng lại máy khi đầy pin. Sự sáng tạo này không chỉ cho thấy khát vọng tạo ra công nghệ hiện đại trong âm nhạc của SM, mà còn đưa thời Y2K trở lại. Khán giả không chỉ nghe nhạc trên điện thoại, mà giờ đây họ vừa có thể nghe nhạc và sắm thêm phụ kiện trang sức với chiếc máy CD.
“Armageddon” đã mang lại chiến thắng vẻ vang cho các chiến binh aespa và thể hiện đúng thông điệp mà album hướng tới. Từ khi ra mắt vào năm 2020, aespa thường “lên xuống thất thường” trước thị trường âm nhạc nhiều thay đổi. Tuy nhiên, thay vì chạy theo xu hướng âm nhạc thịnh hành, nhóm vẫn chậm rãi thử nghiệm nhiều phong cách và định hình bản thân với bản sắc riêng của nhóm.
Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa với 4 cô gái nhà SM, mà còn đối với nền âm nhạc Kpop. Có thể sau màn lội ngược dòng mang tên aespa, Kpop sẽ lại chứng kiến những tên tuổi dám ra mắt sản phẩm độc đáo và đi ngược thị hiếu số đông. Điều này sẽ giúp thị trường Kpop thêm chất lượng, phong phú và mở ra thế giới âm nhạc đa màu sắc cho khán giả.