Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.
Cầu cổ trên sông đào
“You may all go to hell, I’ll go to Texas”. Trên đường tới Texas, bang có số dân và diện tích lớn thứ hai của Hoa Kỳ, chúng tôi để ý thấy nhiều đồ lưu niệm có in dòng chữ tiếng Anh này. Hơn cả pho tượng hiên ngang ở Lawrenceburg Public Square hay dòng suối mang tên ông ở phía Đông của bang, người Mỹ tưởng niệm đại tá Davy Crockett, hy sinh trong cuộc tử thủ ở giáo xứ Alamo, sự kiện quan trọng nhất của cuộc cách mạng Texas, trước hết bằng cách chia sẻ với du khách câu nói quả cảm và hóm hỉnh ấy của người anh hùng dân gian.
Di tích nhỏ bé trong lòng một Texas rộng lớn
Nếu sống cùng thời với Crockett, chắc tôi sẽ hỏi “Đến Texas để làm gì nhỉ, ngoài nuôi bò hay khoan dầu? Hay để tận hưởng cảm giác mênh mông rộng lớn của những cánh đồng, đầm lầy, rừng cây bạt ngàn?”. Người ta thường nói đùa rằng “Mọi thứ đều lớn lên ở Texas”, thậm chí “Dân Texas ư? Họ dùng bút chì để xỉa răng cơ đấy!”. Song ở Texas cũng có những nơi thật sự êm đềm lãng mạn, như tỉnh lỵ Nước Xanh nhỏ bé, được mệnh danh là “đậm chất Texas nhất Texas”, có một dòng suối trong mát quanh năm. Vào mùa thu, mây trời và lá vàng rải khắp mặt nước, gió thổi triền miên trên mái những căn nhà gỗ và những mảnh sân chất đầy các thùng rượu, nhưng cảnh vật hoàn toàn không giống với châu Âu cổ kính. Có gì đó giản dị, thực dụng và chân phương hơn.
Không biết Crockett nghĩ gì khi cùng với nhiều người Mỹ từ Tennessee và các bang khác tới đây vào những năm 1830 để trợ giúp những người Texas chống lại ách đô hộ của thực dân Mexico. Thực ra có rất nhiều đáp án giả định, như những câu chuyện sử thi hư cấu trong phim truyền hình nhiều tập “Davy Crockett” và phim điện ảnh “The Alamo” rất quen thuộc với dân Mỹ, nhưng lại ít được biết tới trên thế giới. Song có lẽ nhiều người xem sẽ không chỉ muốn thấy những câu chuyện nửa hư nửa thực trên phim hay “làng Alamo”, trường quay của bộ phim cùng tên. Sau lễ trao giải Oscar năm nay, tôi đã háo hức tới thăm hai trường quay được dựng cảnh cho phim “Lincoln” ở Virginia, để rồi thất vọng vì không cảm nhận được điều gì, dù những tài liệu hướng dẫn du lịch đã mời chào rất hấp dẫn về các phim trường này. Một trong những đặc điểm quan trọng của các di tích là tính nguyên bản và chân thực, nếu không, chúng sẽ chẳng khác gì những công trình mới hoặc được xây dựng lại.
Giáo xứ Alamo nhìn từ quảng trường Alamo Plaza
Tuy vậy không ai chỉ tới thăm một nơi để chăm chăm tìm di tích và tìm cách vén một bức màn bí mật nào đó của lịch sử. Không phải lúc nào ta cũng may mắn có được cảm xúc gần gũi với quá khứ trong một chuyến đi, phải tùy duyên và có một chút may mắn nữa. Chúng tôi cũng vậy, hôm đó khi dừng chân ở San Antonio để nghỉ đêm, chúng tôi chỉ kịp biết thành phố lớn này có khu phố đi bộ ven kênh đào rất đẹp, và cuộc sống ban đêm ở đây nhộn nhịp hơn ở Houston hay Austin rất nhiều. Còn hình ảnh giáo xứ Alamo gần đó thì chỉ mơ hồ hiện ra trong trí nhớ.
Ngược dòng lịch sử
Khác hẳn cảm giác thất vọng khi thăm trung tâm Houston, thành phố lớn nhất Texas, về đêm vắng hoe hoắt ngay vào thứ Bảy, River Walk của San Antonio, thành phố lớn thứ hai, sáng choang và nhộn nhịp như ở một khu nghỉ nào đó. Ánh đèn lấp lánh rơi xuống mặt sông cùng tiếng nhạc, lâu lâu lại hòa lẫn với tiếng chim kêu rõ to hay tiếng chuông âm vang vọng tới từ nhà thờ San Fernando. Nghe nói trong nhà thờ này có đặt một quan tài bằng đá chứa tro cốt của những người đã hi sinh trong cuộc tử thủ Alamo năm 1836, gợi trí tò mò. Song tiếng nhạc ngoài đường hấp dẫn hơn nhiều, và chúng tôi dự định sẽ thăm nhà thờ và giáo xứ Alamo vào sáng hôm sau, để tận hưởng nốt tối thứ Năm của tuần lễ Thanksgiving (Tạ ơn) thật trọn vẹn bên bờ kênh nhộn nhịp. Những hàng cây đang ngả màu vàng sẫm, những quán hàng khảm đá mosaic, cây cầu cổ bằng đá, cảm giác lẫn lộn giữa cổ tích và hiện đại. Giữa lúc thảnh thơi nhất ấy, thì chợt nhìn về phía quảng trường thành phố, được gọi là khu phố lịch sử, cách đó không xa, bỗng thấy một vầng sáng rực. Không hiểu sao lòng tự nhiên xao xuyến khi cổng và những bức tường còn lại của giáo xứ Alamo nổi bật trong màn đêm đông đen thẫm.
Nhà thờ San Fernando ở San Antonio – nơi cất giữ tro cốt các chiến binh Texas
Sau bức tường kia từng là nhà thờ Công giáo, nơi giảng Kinh Thánh cho các giáo dân da đỏ mới cải đạo, sau được thế tục hóa và trở thành chiến lũy phòng thủ của quân cách mạng Texas. Họ đã thất thủ sau hai tuần chống trả anh dũng cuối tháng Hai đầu tháng Ba năm 1836. Hầu hết quân Texas, gần ba trăm người đã tử trận, quân Mexico cũng thiệt hại không kém, với số lượng thương vong gần gấp ba. Bức tường chết chóc đang đứng bình thản phía xa kia. Chợt nhớ lại những câu chào tạm biệt trên phim: cha dặn con, chồng dặn vợ trước khi vào thành cố thủ. Ngoài 13 người dân bản xứ, hàng trăm người gốc Âu và Mỹ từ những nơi khác đã tình nguyện đến đây để quyết chiến. Không khí ngột ngạt của chiến tranh bỗng lan tỏa khắp, khiến chúng tôi thấy bồn chồn và không thể đợi. Rời khu vui chơi đông đúc, băng qua quảng trường không rộng lắm, là tới chân bức tường. Cũng như khi nhìn từ xa, bức tường tỏa sáng nhẹ nhàng và thân ái, không có cảm giác ghê sợ nào ngoài những xúc động và xốn xang khó tả.
Ít ra còn có một cái gì đó để nhớ. Hồi bé mỗi khi đi qua chợ 19-12 nằm trên đường Hai Bà Trưng (nay đã được dời đi, nhường chỗ cho một con đường rợp bóng cây), tôi cứ băn khoăn không hiểu sao dân gian gọi đây là chợ Âm Phủ. Tấm bảng nhỏ không đủ nói lên điều gì về cuộc quyết tử năm 1946 và về những người lính đã hi sinh ở đó. Ở Việt Nam có rất ít những nơi như gò Đống Đa, ải Chi Lăng, bến Bạch Đằng, và kể cả những nơi này cũng không được trình bày ấn tượng và mang lại những liên tưởng thấm thía về quá khứ. Còn ở đây, trước một cuộc chiến xa vời của một dân tộc khác, chỉ được biết tới rất qua loa trên phim ảnh, sao lại có thể cảm động dường ấy?
Một góc sông đào
Theo số phận long đong của một di tích
Cho tới sáng hôm sau khi quay lại di tích, chúng tôi vẫn không thoát khỏi những liên tưởng về quá khứ. Những bài học về tinh thần giành độc lập và lòng dũng cảm thấm thía hơn rất nhiều bằng sự nhìn tận mắt những dấu tích lịch sử. Điều này quan trọng hơn việc tìm hiểu xem giáo xứ được xây từ giữa thế kỷ 18 hay trước đó, theo kiến trúc nào, dùng gỗ đá ở đâu, tại sao lại có tên như vậy và do ai cai quản. Không thể và không nên thuộc lòng những thông tin không khó tìm đó. Song cảm giác thực và những hiểu biết bao quát về một nơi nào đó thì rất cần có, dù không phải lúc nào cũng dễ đạt được.
Sau khi chiếm được giáo xứ, quân Mexico đã tàn phá hầu hết các tường thành và công trình bên trong, số phận của giáo xứ kể từ đó đến nay cũng khá long đong. Có lẽ công cuộc khôi phục và bảo tồn một di sản bao giờ cũng phức tạp và liên quan đến nhiều mâu thuẫn quyền lợi không thể dung hòa. Giáo xứ Alamo đã từ nhà thờ Công giáo trở thành căn cứ quân sự, rồi lại bị bỏ ngỏ trở thành nhà thờ. Sau đó, cũng như nhiều di tích khác, trải qua một loạt việc sang tên đổi chủ: nhà thờ bán lại cho nhà nước, nhà nước giao lại cho Hiệp hội những người con gái Texas… Rồi công cuộc gây quỹ khá gian truân với sự hảo tâm của rất nhiều cá nhân sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để bù đắp vào những thiếu hụt, nhiều khi do quan niệm của một thống đốc cho rằng tiền đóng thuế của người dân không thể được chi cho việc xây lại những công sự cũ.
Mặt chính của Alamo Mission trong đêm
Ngay cả khi đã có đủ tiền rồi, thì làm sao để xây dựng lại, phá gì khôi phục gì, rồi làm sao để quang cảnh chung quanh cũng thoáng đãng giúp di tích trở nên nổi bật. Câu chuyện tranh cãi hồi đầu thế kỷ 20, giữa hai người phụ nữ nhiều tài và nhiều tiền, thành viên của Hiệp hội những người con gái Texas, De Zavala và Driscoll, chỉ khiến ta thêm ngưỡng mộ tâm huyết của họ. Dù họ có quan điểm rất khác nhau, người muốn tạo lại cảnh vật cũ, người muốn phá đi hết mọi ngổn ngang và xây dựng một đài kỷ niệm uy nghi, song cái đích cuối cùng chỉ có một – làm sao cho giáo xứ Alamo trở thành một “nơi chôn giữ những con người đã hi sinh vì tự do của Texas”.
Và bằng lòng với những bí ẩn
Khác với những ầm ĩ quanh dự án bảo tồn, và những tranh chấp quyền sở hữu vẫn còn tiếp diễn đến năm nay, giáo xứ Alamo, bao gồm bức tường cổng trước nhà thờ và những dấu vết tường công sự, và một bảo tàng trên nền cũ cùng những mảng tường cũ lại rất im lặng và khiêm tốn. Chúng tôi đứng dưới bóng một cây du cổ thụ nhìn ra quảng trường có bài trí khá giản dị, có chân các bức tường cũ được gia cố lẫn vào những mảng sân được xây mới. Đêm cũng như ngày, tiếng chuông nhà thờ San Fernando vẫn vang những tiếng trầm buồn. Có người nói rằng tro cốt của Davy Crockett cũng nằm trong quan tài quàn tại đây, có người nói ông được chôn cất đâu đó ngoài kia.
Đường đi bộ ven sông đào (River Walk) ở San Antonio
Ngoài con dao còn trưng bày trong bảo tàng và sự tích bi hùng của một nhà yêu nước thất thế (hai lần mất ghế trong Hạ nghị viện Hoa Kỳ), một thợ săn lành nghề, một người kể chuyện truyền kỳ thâm thúy với hình ảnh dùng súng trường hết đạn phang vào đầu quân Mexico nổi tiếng trong nhiều tác phẩm điêu khắc và hội họa, Crockett không để lại gì nhiều. Tin vào chính nghĩa mà mình theo đuổi, “bằng một tư duy chính trị minh mẫn nhưng ngây thơ”, như nhiều sử gia nhận xét, ông từng khích lệ chiến hữu: “Phải luôn luôn biết chắc là mình đúng, rồi tiến lên phía trước”, và không quan tâm việc mình sẽ bỏ lại phía sau điều gì. Song những gì ông để lại còn đặc biệt hơn cả những hiện vật tay sờ mắt thấy, và có lẽ ông chưa bao giờ ngờ tới việc gần hai thế kỷ sau, người đời còn bàn luận không thôi về cái chết của mình. Tuy ông và các chiến binh Texas thất thủ ở Alamo, nhưng sau đó không lâu, vào đầu tháng Tư năm 1836, quân Mexico đã thua trận, Texas giành được độc lập, rồi gia nhập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, kéo theo cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico. Về thời kỳ lịch sử này, quan hệ hai nước vẫn chứa đựng nhiều chi tiết nhạy cảm. Mexico không thích các tác phẩm điện ảnh của Mỹ về Alamo, và ngược lại Mỹ cũng không vui gì khi từ Mexico đã lưu hành rộng rãi những tài liệu cho rằng Davy Crockett nằm trong số bảy người lính Texas đã đầu hàng và bị quân Mexico của tướng Santa Anna hành quyết.
Lịch sử vốn vậy, luôn luôn có nhiều bí ẩn. Nhưng cũng như cảm giác bằng lòng với sự quang quẻ gọn gàng của giáo xứ Alamo ngày nay, trên nền của những tàn phá cũ, có lẽ nên thỏa mãn với những gì ta thấy được và biết được. Cả Davy Crockett và các chiến hữu, cả những người đã vất vả ngày đêm để bảo tồn chiến trường xưa đã yên nghỉ, đều đem theo những bí mật của họ. Để lại một Alamo thật bình yên và thư thái trong tiếng chuông của hiện tại.
Kỳ sau: Mostar – Nước xanh chảy dưới chân cầu
Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh