Ảnh minh họa: Thái Mỹ Phương
Nâu Nóng (NN): Này, ông cứ suốt ngày “dìm hàng” em Tưng, giờ thì sáng mắt ra chưa, hử?
Đen Đá (ĐĐ): Ô hay, đàn ông chúng tớ đã bao giờ là không sáng mắt khi được trông thấy Tưng đâu nhỉ?
NN: Không ạ! Sáng mắt kiểu tầm thường kia thì nói làm gì! Sáng mắt kiểu này thì mới là oách nhé: Biết em í vừa được đưa vào đề thi học sinh giỏi chưa? Đã thế, lại còn được “sánh ngang” cùng “nữ hoàng nội y” nữa chứ! Phen này không cần “cạp đất” cũng vẫn nức tiếng!
ĐĐ: Cuộc đấy rúng động thế kia làm sao không biết! Nhưng oách nhất phải nói là cả Tưng lẫn Trinh đều được gắn liền với “tiến bộ xã hội” nhá! Ôi chao, cứ gọi là “oách xà lách”!
NN: Tưng với Trinh làm sao mà oách bằng “đại gia” được! Không nghĩ cái từ “sang trọng” ấy nó lại chui được vào đề thi mà chả cần dấu nháy dấu nhiếc gì cả nhỉ? Cứ “trụi thụi lụi như không” í! Đùa, cái đề thi dở hơi này, tôi thấy nó cứ thế nào í ông ạ…
ĐĐ: Thế nào là thế nào? Bây giờ cái gì mà chả phải “đời thường hóa” đi cho nó bớt phần “nghiêm trọng”, không đáng sao? Còn hơn là để các em, nhất là những “ông tướng mọt sách” ra đời lơ nga lơ ngơ, chả biết “từ khi Trinh là Ngọc” từ lúc nào, Tưng là ai và “đại gia” là gì mà không có các bác ấy thì các em í chỉ còn nước “cạp đất mà ăn”… “Đời” thế còn gì!
NN: Gớm nữa, ông lại lo bò trắng răng! Dễ tưởng không có cái đề thi ấy thì bọn trẻ con nó không biết đến cái sự “tiến bộ xã hội” ấy chắc! Đồng ý là “đề mở” đi, nhưng mở thì cũng mở vừa vừa, chứ “mở toang hoác” thế kia thì làm sang cho các em “thiếu vải” í quá!
ĐĐ: Đúng là đàn bà, chỉ ghen ăn tức ở là giỏi! Một cái đề thi có chưa đầy 100 chữ mà cùng lúc “làm sang” cho bao người, lại “làm sang” nốt cả tờ báo được dẫn nguồn nữa, chả đáng quá còn gì! Xem ra ngành giáo dục bây giờ cũng thạo nghề PR gớm!
NN: Chỉ tiếc là toàn đi PR không công thôi! Đúng là “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, “mở toang hoác” thế thì có mà “giật lùi xã hội” chứ “tiến bộ” cái nỗi gì!
ĐĐ: Ấy chết, làm gì mà đến nỗi nặng lời thế! Đúng là cả đời không có con đi thi học sinh giỏi bao giờ nên cứ sợ bóng sợ gió! Bọn giỏi là nó được miễn nhiễm đủ thứ rồi nhá! Chính bà mới là hay lo bò trắng răng!
NN: Ừ, mà đề thi bây giờ… không sai chính tả đã là mừng rồi đấy nhỉ! Đến sách tiếng Việt lớp 1 mà còn sai chính tả kia mà! Đây, gần 100 chữ, không sai chữ nào, tài thật!
ĐĐ: Không đánh đố lại còn mừng nữa! Mừng rơi nước mắt ấy chứ!
NN: Ôi giời, có cái để đố đã mừng! Còn hơn, có đề thi trắc nghiệm, đưa ra cả 4 phương án đều… sai, hoặc chả có cái nào sai cả, vui tính thế chứ!
ĐĐ: Vụ này mới gọi là vui chứ! Đề ra: “Đàn gà có 2 con gà trống và 5 con gà mái. Hỏi đàn gà có tất cả bao nhiêu con?”. Đố bà, đáp án chính xác là gì?
NN: Hừm, ông đố cứ như đố trẻ con í nhỉ? Không là 7 thì là gì?
ĐĐ: Đấy, vấn đề là ở chỗ đấy! Vấn đề 7 ấy là 7 gì?
NN: Ô hay, thì là 7 con gà chứ chẳng nhẽ là 7 con ngỗng?
ĐĐ: Này, đừng đùa! Sai một ly đi một dặm như chơi đấy ạ! Chỉ cần viết: 2 + 5 = 7 hay 2 + 5 = 7 con gà là em gà ấy chết lăn quay ngay. “Chuẩn mực vàng” thì phải là nhốt em í vào trong dấu ngoặc đơn thì mới được tính điểm nhá! Hoặc, đề ra: Hãy đặt câu hỏi cho câu: “Đàn trâu thung thăng gặm cỏ”, có bé đặt: “Đàn trâu gặm cỏ như thế nào?”, nhưng có bé lại viết: “Đàn trâu gặm cỏ thế nào?”. Thiếu mất chữ “như” thì khỏi “gặm điểm” vậy!
NN: Thiếu cũng chết mà thừa cũng chết đấy ông ạ! Chẳng hạn: Có 13 cây bưởi và 17 cây cam trong vườn, hỏi tổng số cây? Nào, được chưa, tôi đố ông đấy!
ĐĐ: Lại khinh nhau rồi! Thưa chị là 13 + 17= 30 (cây ) ạ!
NN: Tất nhiên là ông không sai rồi! Nhưng tôi hỏi ông: Nếu viết một cách sát sàn sạt ra là 13 + 17 = 30 (cây bưởi và cam) thì thử hỏi là nó sai ở chỗ nào? Không nhẽ ở chỗ nó chính xác quá mức cần thiết à?
ĐĐ: Sai thì chắc chắn là không rồi nhưng biết đâu cháu nó lại sai ở chỗ… không chịu đi học thêm! Mà học thêm thì mới gọi là học chính nhé! “Ở trường cô dạy em thế” nhưng “ở nhà cô (còn) dạy em (nhiều hơn) thế”, nghe chửa!
NN: Hừm, chấm điểm kiểu đấy thì cần gì người, nhờ luôn người máy chấm cho rồi!
ĐĐ: Này, cái game show “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” giờ mà đổi thành “Ai máy móc hơn học sinh lớp 1” có khi lại hút người xem đấy nhỉ!
NN: Sợ là không tìm ra được người… thua ấy chứ! Vì về khoản đấy, các cô “người máy” nói trên chắc chắn là vô địch rồi!
Thư Quỳnh (nghe lén)
Việc của trường làng là… phối hợp với các đoàn xiếc, vận động phụ huynh mua vé, còn ai không mua thì sẽ chơi trò “dằn mặt”: Có 40 ngàn mà các vị cũng tiếc thì đừng trách chúng tôi làm con cháu các vị tổn thương nhé!