Thật mà như dối
Một người viết ca khúc nếu cứ bê nguyên xi hiện thực, sao chép cho càng giống hiện thực bao nhiêu tốt bấy nhiêu, thì nó sẽ chưa thành tác phẩm, chỉ như một bức phác thảo nhiều lỗi, đầy vụng về, đầy vết bôi xóa. Trong ca khúc nói riêng, tác phẩm nghệ thuật nói chung, hiện thực được tinh lọc và phản ánh lại theo một góc nhìn khác, chiều kích khác, sao cho những gì nó mô tả vượt lên trên hiện thực, hoặc như một hiện thực đã kết tinh.
Những cu Tí, thằng Tèo, cái Hĩm, những lời hát bên dòng sông – giọng hò nơi đất khách, những người đi trên phố hát và người đương thời hát nhiều nhưng ít ra phố… đều là hiện thực cả ấy chứ. Thế mà khi nghe kể cái hiện thực như thế, người ta vẫn có cảm giác rờn rợn, sường sượng, nhàn nhạt. Chẳng qua là vì những thực tế ấy không được hoặc chưa được kết tinh.
Không có cảm xúc thì không có âm nhạc. Nhưng cảm xúc phải được “thanh lọc” như thế nào để âm nhạc, khi đến với người nghe, không trở thành sến hoặc giả? Chuyện “thật giả” trong nhạc pop bản thân nó đã là một câu chuyện dài, nhiều tình tiết, và hứa hẹn dẫn chúng ta đi rất xa, vượt ra ngoài khuôn khổ một bài báo… |
Một ca sĩ giao lưu khán giả bằng giọng nói ướt sũng nước mắt, nước mắt thật hẳn hoi, lại cứ khiến người ta liên tưởng đến chuyện khôi hài về cô đào cải lương bôi dầu mẫn vào mi để đóng những đoạn mùi. Lối giao lưu với fan bằng những hành vi nhảy cỡn lên, hoặc hét váng “Tôi yêu các bạn”, “Các bạn có vui không?” xem ra không khá hơn… Đó là những gì chúng ta cảm thấy – cảm giác giả, cảm giác bị lừa, mà vẫn không lý giải được. Họ khóc thật, nhảy cỡn thật, yêu thật cơ mà? Chẳng qua là, những hành vi như thế hoặc tương tự thế đã bị trùng lặp đến mức đáng chán rồi, đã thành những “bản kẽm” bị dập tràn lan qua bao nhiêu thế hệ người biểu diễn, càng ngày càng mờ, càng ngày càng nhạt mực.
Một đám đông fan có thể yêu thật sự một vài thần tượng nào đó của riêng họ. Yêu nhiều đến mức sẵn sàng bỏ ra non nửa cuộc đời để mà post lên forum những banner hùng dũng “Tôi yêu Mỹ Tâm”, “Anh Đan Trường là đỉnh nhất”, “Jimmi Nguyễn là số 1”… và đánh nhau chảy máu đầu với các anti-fan – những người cũng trót bỏ ra hơn nửa cuộc đời để yêu đối thủ của thần tượng những người trước (!). Song tiếc thay, tôi cho rằng những nửa-cuộc-đời bị phung phí ấy cộng với bao nhiêu là tiền Internet không làm cho họ tiến đến gần thần tượng hơn. Và dĩ nhiên, chẳng thể nào tiến gần sự thật.
Dối như thật
Hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng trầm trồ, Mỹ Tâm hát câu ấy thật xúc động, Hà Trần xử lý chỗ kia sao mà cảm xúc tinh tế thế, nghe Celine Dion hát “My heart will go on” không thể không rưng rưng… Và hẳn cũng nhiều lần như thế, chúng ta tưởng tượng ra cảnh thu âm của họ, những nghệ sĩ lớn kia, chắc phải đầy nước mắt và khăn mùi xoa. Xin thưa, chẳng bao giờ có chuyện ấy. Khóc thì không thể hát, nức nở sụt sịt thì không thể thu âm. Ở những câu hát làm rơi lệ như thế, người ca sĩ vẫn bình thản, thậm chí còn… tươi hơn hớn!
Không tin? Đây nhé, nhạc sĩ (hoặc nhà sản xuất) sẽ giảng cho ca sĩ như sau: “Câu này em phải thở nhẹ ra… Câu này ngắt hơi sau chữ này… Câu kia hát nối liền một hơi như thể ấm ức từ lâu phải tuôn ra hết”, vân vân. Cứ thế mà làm theo. Người có kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo sẽ hiểu thở nhẹ ra với ngắt hơi với ấm ức là thế nào, và đem lại cảm xúc cho người nghe bằng những câu hát được thu thuần túy kỹ thuật như thế. Một trăm phần trăm kỹ thuật.
Cách đây khoảng chục năm, một ban nhạc R&B của Hà Lan, sang TP.HCM diễn. Toàn thể ban nhạc đều là người giao lưu kỳ tài, song đó là những gì đã được lên kịch bản trước: chào khán giả ra sao, nói gì mở đầu, nói gì sau bài hát thứ ba, ngồi xuống vào lúc dạo nhạc bài thứ mấy… Hai đêm diễn liên tục, họ vẫn có một kịch bản ấy, trung thành, không ngẫu hứng ẩu, và chắc chắn không cười duyên hoặc khóc nấc lên ngoài kịch bản. Nhưng khán giả thì hoan hỉ, hoan hỉ toàn diện. Vì khán giả được xem và nghe một show diễn hoàn hảo, chỉn chu, không có sự cố bất thường. “Giả” như ban nhạc kia đáng học tập lắm chứ?
Một giai thoại về nhà từ điển học nổi tiếng Webster: Khi được phỏng vấn, làm thế nào ông soạn được cả một pho tự điển đồ sộ thế, chắc ông phải yêu công việc ấy lắm và làm việc như thể ngày mai sẽ không còn? Webster đáp: “Không, tôi cãi nhau với vợ. Từ ngữ cứ thế tuôn ra!”. Đấy là một ví dụ minh chứng sự khác biệt nhiều khi đến mức mâu thuẫn giữa tâm thức và không gian sáng tạo của một nghệ sĩ với cảm xúc ông ta đem đến cho người nghe.
Trên đây là những câu chuyện có phần vô duyên và trần trụi. Nhưng chắc bạn sẽ không bắt lỗi tôi đâu! Tôi viết sau ngày nói dối đấy!./.