Giữa cơn sốt thịnh hành của “yêu bản thân” và xu hướng “sống tích cực”, bạn có bao giờ dừng lại và tự hỏi: liệu ánh sáng mình đang cố gắng lan tỏa là sự tự tin chân thật, hay chỉ là thứ hào quang phù phiếm của một cái tôi quá lớn? Ranh giới giữa cái tôi lành mạnh và cái tôi ái kỷ giờ đây trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Chúng ta đã thực sự học được cách trân trọng con người mình, hay chỉ đang mải mê tô vẽ một vỏ bọc hào nhoáng?
Trong khu vườn cổ tích của thần thoại Hy Lạp, Narcissus – chàng trai được tạo hóa ban cho vẻ đẹp tuyệt sắc nhưng lại quá kiêu ngạo, tin rằng chẳng ai trên đời này xứng đáng với tình yêu của mình. Rồi một ngày, Narcissus nhìn xuống một mặt hồ phẳng lặng và ngay lập tức bị cuốn hút bởi hình ảnh phản chiếu của chính mình. Chàng đem lòng yêu say đắm cái bóng ảo ấy, cố gắng chạm vào nhưng vô vọng, để rồi cuối cùng héo hon và mà hóa thành bông hoa bên bờ hồ.

Từ câu chuyện trên, thuật ngữ “Ái kỷ” (Narcissism) ra đời. Trái ngược hoàn toàn với khái niệm “self-love” người ái kỷ mang trong mình cái tôi cực đoan khổng lồ, luôn gào thét và khát khao tìm kiếm sự chú ý từ bên ngoài, như thể bản thân họ chỉ tồn tại thông qua ánh mắt ngưỡng vọng của người khác. Chính điều này khiến người ái kỷ luôn bất an, bởi sự công nhận ấy mong manh và dễ dàng tan biến theo thời gian. Họ khó lòng chấp nhận những điểm yếu của bản thân và luôn muốn thể hiện hình ảnh hoàn hảo trong mắt mọi người. Đặc biệt, ở họ thường thiếu đi sự đồng cảm chân thành với người khác.
Để dễ hình dung hơn, hãy nghĩ đến nhân vật Patrick Bateman trong phim điện ảnh “American Psycho” (2000) – một ví dụ điển hình của người ái kỷ. Ở Patrick hội tụ đủ các yếu tố làm nên một kẻ ái kỷ tàn độc: ám ảnh bởi tiền tài địa vị, luôn tuân thủ quy trình chăm sóc rèn luyện cơ thể nghiêm ngặt để duy trì hình ảnh hoàn hảo của bản thân trong mắt giới thượng lưu. Bateman hoàn toàn vô cảm, sống trong hoang tưởng và nuôi dưỡng dục vọng bạo lực đến mức sát hại người vô tội để thỏa mãn thú tính.

Self-love không phải là sự ích kỷ hay tự đề cao. Theo tâm lý học, yêu bản thân là sự nhận thức và chấp nhận toàn diện những ưu điểm và khuyết điểm, là cách ta nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với chính mình. Một người thực sự yêu bản thân sẽ biết quý trọng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, biết chăm sóc bản thân không chỉ ở vẻ ngoài, mà còn ở chiều sâu tâm hồn. Đây là trạng thái tâm lý khỏe mạnh, là nền tảng giúp mỗi người phát triển sự tự tin, giá trị nội tại, đồng thời duy trì những mối quan hệ tốt đẹp. Hiểu đúng về yêu bản thân nghĩa là bạn không đặt giá trị bản thân vào lời khen chê từ bên ngoài, mà dựa vào chính sự công nhận và chấp nhận nội tâm. Self-love mang đến sự ổn định cảm xúc, khả năng tự đánh giá một cách công bằng, khả năng học hỏi từ sai lầm, và mở ra cánh cửa để mỗi người phát triển sâu sắc hơn cả về trí tuệ lẫn cảm xúc.
Ngày nay, mạng xã hội đã tạo ra vô số Narcissus hiện đại, những người luôn muốn ngắm mình qua tấm gương ảo để đo lường giá trị bản thân. Cụm từ “yêu bản thân” trở nên phổ biến rộng rãi, được nhắc đi nhắc lại như “linh hồn” của phong cách sống lành mạnh. Đáng tiếc thay, bao người đang nhầm lẫn giữa biểu hiện của yêu bản thân thực sự với ái kỷ, vô tình biến thông điệp ý nghĩa này thành chiếc mặt nạ che đậy lòng ích kỷ và sự khao khát công nhận từ xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy. Nó khiến ta rơi vào trạng thái bất ổn cảm xúc, mất dần khả năng tự nhận thức giá trị của bản thân và thậm chí hủy hoại các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, để nhìn thấu ranh giới mong manh giữa hai thái cực tâm lý này càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một ví dụ từ điện ảnh có thể kể đến “cặp bài trùng” Nick và Amy Dunne trong bộ phim nổi tiếng “Gone Girl” (2014). Amy ám ảnh với việc tạo dựng hình ảnh “amazing Amy” đến mức thao túng đảo lộn toàn bộ cuộc sống của mình và người khác, còn Nick sau tất cả bi kịch vẫn gồng mình nhập vai diễn đến cùng trong vở kịch hôn nhân hạnh phúc nhằm duy trì sự ủng hộ từ công chúng. Cả hai đều là những nhân vật ái kỷ độc hại điển hình được “bọc đường” bởi hình tượng cặp vợ chồng hoàn hảo của showbiz.

Để tránh hiểu sai, cần phải nhận thức rõ những khác biệt cốt lõi giữa yêu bản thân và ái kỷ.
Sự đồng cảm là yếu tố đầu tiên cần phân biệt. Yêu bản thân thực sự giúp bạn mở lòng với cảm xúc của người khác, thấu hiểu và chia sẻ nỗi niềm của họ. Đây là một quá trình phát triển cảm xúc chân thành và xây dựng những mối quan hệ hòa hợp. Ngược lại, ái kỷ lại tập trung vào chính mình, thiếu sự đồng cảm và sự quan tâm chân thật đối với cảm xúc của người khác. Người ái kỷ thường chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà ít chú ý đến người xung quanh.

Sự công nhận cũng là một điểm khác biệt rõ rệt. Người thực sự yêu bản thân không cần sự xác nhận từ người khác để cảm thấy mình có giá trị. Họ tự xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng từ bên trong, không phụ thuộc vào ánh mắt hay lời khen ngợi từ xã hội. Trong khi đó, người ái kỷ luôn tìm kiếm sự ngưỡng mộ và thừa nhận từ người khác, bởi họ không thể cảm thấy mình có giá trị nếu không được công nhận.

Khả năng tự soi chiếu là yếu tố tiếp theo để phân biệt. Yêu bản thân thúc đẩy việc tự nhận thức, tự nhìn nhận những thiếu sót và sửa chữa chúng để phát triển bản thân. Đây là một quá trình liên tục học hỏi và hoàn thiện. Ngược lại, ái kỷ khiến người ta luôn tìm cách phủ nhận mọi sai lầm, đổ lỗi cho người khác, và chống lại mọi lời chỉ trích. Người ái kỷ không chấp nhận sự phê bình mà chỉ “xù lông” tìm cách bảo vệ hình ảnh hoàn hảo của bản thân.

Các mối quan hệ là yếu tố không thể thiếu. Người yêu bản thân xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, tích cực, dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng và cảm thông. Họ biết rằng các mối quan hệ tốt đẹp được xây dựng từ sự đồng cảm và sự chia sẻ chân thành. Trong khi đó, ái kỷ lại gây ra các mối quan hệ độc hại, đầy thao túng và căng thẳng, bởi người ái kỷ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của người khác.

Những biểu hiện tinh vi này đôi khi rất khó nhận ra hoặc bị bỏ qua, nhưng chúng lại đóng vai trò quyết định trong việc nhận thức bản thân và các mối quan hệ xung quanh. Để phát triển một lòng yêu bản thân lành mạnh, chúng ta cần phải có sự quan sát tinh tế và sự hiểu biết sâu sắc về bản chất thật sự của chính mình.
Giống như một cây non, yêu bản thân bắt đầu từ những gốc rễ vững chãi của sự tự nhận thức và lòng trắc ẩn. Khi hạt giống được gieo xuống, nó cần có đất tốt để phát triển, và cũng như vậy, yêu bản thân cần sự thấu hiểu về chính mình để lớn lên. Người yêu bản thân không vội vàng, mà giống như một người làm vườn kiên nhẫn. Họ chăm sóc mình một cách chu đáo, tưới tắm tinh thần mỗi ngày để bản thân nở rộ, tỏa sáng. Họ cũng không ích kỷ, mà tìm thấy niềm vui trong việc chứng kiến người khác cũng phát triển và tỏa hương. Và khi bão đến, chính những gốc rễ sâu sắc của cây sẽ giúp nó đứng vững, không gục ngã.
Để bắt đầu hành trình này, bước đầu tiên là học cách tự nhận thức. Bạn cần hiểu rõ điều gì thực sự mang lại hạnh phúc cho mình, đâu là những điểm mạnh, đâu là những khuyết điểm. Việc này đòi hỏi bạn phải thành thật với chính mình, thay vì cố gắng sống theo kỳ vọng của xã hội hay người khác. Chỉ khi hiểu rõ bản thân, bạn mới có thể biết cách nuôi dưỡng những gì là tốt đẹp trong bạn và cải thiện những điều cần thay đổi.
Tiếp theo, hãy học cách chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn, bao gồm cả những khuyết điểm và sai lầm. Đừng chạy trốn những điểm yếu của chính mình, mà hãy đối diện với chúng như cách bạn chấp nhận những thử thách trong cuộc sống. Coi chính mình như người bạn thân nhất, luôn sẵn sàng động viên, tha thứ và cổ vũ khi cần thiết. Hãy yêu thương bản thân trong những lúc khó khăn, vì đó chính là lúc bạn cần đến tình yêu của chính mình nhất.
Cuối cùng, nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng biết ơn. Khi bạn hiểu và trân trọng giá trị của bản thân, bạn cũng sẽ dễ dàng mở lòng hơn với những người xung quanh. Bạn không cần phải tranh giành sự chú ý hay sự ngưỡng mộ, bởi vì bạn đã tìm thấy sự bình an và niềm vui từ bên trong. Bạn biết rằng, như cây trong vườn, sự phát triển của bạn không chỉ là kết quả của sự chăm sóc bản thân, mà còn là sự lan tỏa của tình yêu và sự cảm thông đến mọi người.
Thay vì trở thành một Narcissus thời 4.0, mãi mắc kẹt trong chiếc ao tù của ảo ảnh, hãy dũng cảm tìm về nội tại và kết nối với chính mình, trở thành phiên bản tự do, chân thực nhất. Đó chính là ý nghĩa thật sự, sâu sắc nhất của self-love mà mỗi người chúng ta đều nên hướng tới.