Ai hài hước được một mình?!

Kết quả điều tra về các tiêu chuẩn của người chồng lý tưởng thời nay cho thấy: 72% số phụ nữ muốn người chồng hiện đại phải có tính hài hước. Tiếc rằng những ông chồng hài hước với vợ con hơi bị… tuyệt chủng, họ chỉ mang tiếng cười đi rải khắp nơi cho thiên hạ hưởng. Chuyện này lỗi tại ai?

Hài hước – chất men của cuộc sống

Hài hước phủ lên những hoạt động lặp đi lặp lại một cách nhàm chán trong gia đình thứ ánh sáng màu hồng, làm cho cuộc sống bình lặng trở nên lý thú hơn và vì thế con người thấy yêu đời hơn.

Trong bữa ăn, nếu có người nói một câu hài hước khiến mọi người cười vui vẻ, chắc chắn bữa ăn sẽ ngon hơn, tiêu hoá sẽ tốt hơn. Nếu cả nhà đi chơi mà có người pha trò một câu khiến tất cả cười rúc ra rúc rích thì đó chính là hình ảnh của một gia đình hạnh phúc. Khi phỏng vấn thủ môn Fabien Barthez sau khi đội tuyển Pháp vô địch châu Âu, rằng lúc này anh thích nhất điều gì? Anh trả lời ngay: "Được cùng người yêu cười một trận thả phanh!".

Có lẽ hầu hết phụ nữ đều muốn được chung sống với người chồng vui tính, chan hòa. Sống với người suốt ngày lầm lì, cau có hết chuyện nọ đến chuyện kia thì dẫu có ăn ngon, mặc đẹp cũng chẳng vui thú gì. Tiếc rằng những pha gây cười trong gia đình không nhiều. Điều lạ lùng là cả những cây hài hước nổi tiếng ở cơ quan mà “tài năng” cũng bị thui chột trong… chính gia đình của họ.

Một lần trong lúc vui, có người hỏi chị vợ của một anh được đồng nghiệp mệnh danh là “vua hài”: "Chắc ở nhà, anh ấy hay làm chị buồn cười lắm nhỉ?". Nào ngờ nét mặt người vợ bỗng sa sầm: "Ông ấy chỉ mua vui cho thiên hạ thôi, còn ở nhà với vợ con chẳng thấy cười bao giờ". Nhưng giá như vua hề Charlot nhìn thấy vẻ mặt cau có của chị ta e cũng không thể pha trò nổi.

Để tiếng cười luôn ngập tràn

– Đứa trẻ 2 tuổi cười trung bình 150 lần mỗi ngày nhưng người lớn chỉ còn trung bình 12 lần mỗi ngày.
– Ai cũng biết "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", nó làm cho tinh thần sảng khoái, con người trẻ đẹp ra, quên đi mệt mỏi, khí huyết lưu thông, các cơ trên mặt giãn ra, xoá đi các nếp nhăn.
– Nhưng những nụ cười giả tạo hoặc nhếch mép tỏ thái độ lại không tác dụng. Vì cũng như tình yêu, nụ cười là cái không thể mua bán vay mượn, hay thậm chí đánh cắp từ người khác. Bởi vì, khi đó nó chỉ là cái khiên cưỡng và vô nghĩa.


Nếu để ý quan sát, chúng ta sẽ thấy để có một trận cười vui vẻ, phải hội đủ 3 yếu tố sau đây:

1. Có bầu không khí thoải mái, mọi người tạm thời quên đi những buồn phiền lo âu trong cuộc sống. Nếu mỗi thành viên trong gia đình đều vui vẻ mới tạo ra được bầu không khí tươi vui sẵn sàng đón nhận tiếng cười. Trái lại hài hước sẽ trở thành vô duyên, lạc lõng trong bầu không khí buồn thiu. Nhiều người khi về đến nhà là mang theo bao bực tức, ấm ức tích tụ qua cả ngày làm việc. Và họ sẵn sàng để người thân phải chịu đựng bộ mặt cau có của mình mà không nghĩ rằng các thành viên khác đang cảm thấy nặng nề vì chuyện ấy.

2. Phải có người biết thưởng thức tiếng cười. Những người hài hước nói chung đều thông minh. Họ phát hiện những khía cạnh buồn cười và phải được người nghe đồng tình, tán thưởng. Cũng như người gẩy đàn phải có người biết nghe. Nếu kể chuyện tiếu lâm mà không làm cho ai cười thì người kể cũng bẽ mặt chứ chưa nói còn đủ hào hứng để mà kể tiếp. Vậy mà nhiều người sau khi cố gắng chứng tỏ khiếu hài hước của mình ở gia đình thì chỉ nhận được những câu… đau điếng: “Hâm à?”, “Thừa hơi à?”, “Vớ vẩn, người ta đang mệt đây!”, “Im đừng làm ồn để tôi còn xem ti vi”.

3. Người nghe phải biết bình luận, khen chê câu chuyện. Người nghe không chỉ biết nghe mà họ như không thể ngồi yên, cũng muốn góp vào một vài ý hoặc bổ sung thêm một vài khía cạnh khiến cho câu chuyện càng đậm đà, ý nhị hơn. Có điều lạ là đôi khi, có những người khi ra ngoài xã hội rất biết tung hứng, tạo hứng thú cho người khác kể chuyện cười, nhưng về đến nhà thì tự cảm thấy mình… không có trách nhiệm phải lắng nghe những câu chuyện hài hước của người bạn đời.

Rõ ràng để có được tiếng cười trong gia đình, không chỉ một mình ai tạo ra được. Nó phải là sáng tạo của tập thể, là tài năng của mỗi thành viên trong gia đình. Có những người vốn dĩ không phải là người biết hài hước nhưng sau khi chung sống với người bạn đời vui tính một thời gian mà trở thành người hóm hỉnh. Trái lại có những người vốn dĩ có sở trường khôi hài mà sống với người bạn đời buồn tẻ, thì tài năng cũng bị thui chột đi ít nhất là trong ngôi nhà của anh ta. Và những lúc nhớ "nghề", anh ta phải đến với những thính giả biết thưởng thức tài nghệ của anh ta để được cười cho thoải mái.

Tiếng cười không thể do một cá nhân nào tạo ra được. Nói khác đi không ai có thể hài hước được một mình. Bởi thế, nếu trong cuộc sống gia đình thiếu vắng tiếng cười đâu phải là trách nhiệm của riêng ai mà mọi người đều phải tự hỏi mình đã đóng góp gì vào bầu không khí vui tươi đó chưa?/.


From the same category